Ngoài hai ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day) và Lễ Cha (Father’s Day), nước Mỹ còn kỷ niệm Ngày của Ông Bà (Grandparents Day) để giới trẻ Mỹ bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với ông bà nội ngoại.
Một số người cho rằng Ngày của Ông Bà do ông Michael Goldgar đề xuất lần đầu tiên trong những năm 1970 sau khi ông đi thăm cô của ông tại một nhà dưỡng lão ở thành phố Atlanta bang Georgia. Ông tự mình bỏ ra 11.000 đô la để vận động cho ngày này được chính thức công nhận.
Trong vòng 7 năm, ông đã đến thủ đô Washington DC của nước Mỹ 17 lần để gặp các nhà lập pháp.
Cũng có người cho rằng Marian Lucille Herndon McQuade, một bà nội trợ tại bang West Virginia là lực đẩy chính để ngày này được tôn trọng. Trong suốt những năm 1970, bà McQuade đã tích cực truyền rao trong dân chúng Mỹ về sự đóng góp quan trọng của người lớn tuổi và những điều họ sẵn lòng làm nếu được yêu cầu.
Và cuối cùng, Ngày của Ông Bà được Tổng thống Jimmy Carter ký thành luật vào năm 1978. Bà Marian McQuade nhận được điện thoại của Tòa Bạch Ốc thông báo sự kiện này. Do đó, nhiều người tin rằng Ngày của Ông Bà là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của bà McQuade.
Tổng thống Jimmy Carter ngày 6/9/1979 chỉ định Chủ Nhật 9/9/1979 (ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9 sau ngày Lễ Lao động ở Mỹ) là Ngày của Ông Bà.
Mỗi năm, Tổng thống Mỹ đều có nghĩa vụ ra một tuyên ngôn, chỉ định ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9 sau ngày lễ Lao động là Ngày của Ông Bà và kêu gọi mọi người, mọi hội nhóm, và mọi tổ chức kỷ niệm ngày này với lễ nghi và hoạt động thích hợp.
Tuyên ngôn đầu tiên công nhận Ngày của Ông Bà là một ngày nghỉ lễ. Ba mục đích của ngày này được liệt kê gồm nhớ ơn, tôn vinh ông bà; công nhận tầm quan trọng của những người lớn tuổi đối với đời sống của những người trẻ; và mang lại cho các bậc ông bà cơ hội chứng tỏ tình yêu và sự hỗ trợ dành cho con cháu.
Bài hát chính thức cho Ngày của Ông Bà là ca khúc “A Song For Grandma and Grandpa” của Johnny Prill được Hội đồng Ngày của Ông Bà chấp nhận vào năm 2004.
Hoa biểu tượng chính thức cho ngày này, hoa “forget-me-not” (tức hoa lưu ly), được chấp thuận vào ngày 20/4/1999.
Biểu tượng của hoa “forget-me-not” có từ những năm 1300 tại Anh. Vua Henry IV dùng hoa “forget-me-not” làm biểu tượng của hoàng gia vào năm 1399.
Người dân Anh tin tưởng hoa “forget-me-not” có thể bảo vệ họ chống phù thủy, đặc biệt trong tháng 5. Người Anh cũng có tập tục tặng hoa “forget-me-not” cho những người lên đường đi xa. Người ta cũng tin nước chiết xuất từ hoa “forget-me-not” làm cho thép sắc bén hơn, có thể chém đá như chém bùn.
Thi sĩ người Scotland, William McGonagall, sống vào giữa thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ 20, là người đã làm cho hoa “forget-me-not” trở nên bất tử qua bài thơ cùng tên với loài hoa này. Bài thơ kể lại cuộc tình bi đát của một hiệp sĩ tên là Edwin với vợ chưa cưới Ellen. Một ngày kia, trong lúc họ đang đi bộ dọc theo bờ sông, Ellen hỏi Edwin có thực sự yêu cô hay không. Để chứng tỏ tấm chân tình, Edwin nhảy xuống sông bơi qua bờ bên kia để hái cho Ellen một đóa hoa mọc trên bờ. Edwin chết đuối, nhưng trước đó đã kịp ném cho người yêu đóa hoa với lời vĩnh biệt “forget-me-not” (đừng quên anh). Kể từ đó, Ellen đặt tên cho hoa này là “forget-me-not.”
Theo truyền thống ở Mỹ, trong Ngày của Ông Bà, con cháu gởi thiệp chúc mừng, tặng quà, mời ông bà đến trường xem cháu đàn, hát, vẽ hay tham dự một chương trình đặc biệt nào đó, hoặc điện thoại chúc mừng ông bà, hoặc mời ông bà đi ăn tối. Những người lớn tuổi sống trong các nhà dưỡng lão hay các khu nhà dành cho người về hưu cũng thường được con cháu đến thăm viếng trong ngày này.
Đối với cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Washington và vùng phụ cận, Ngày của Ông Bà hầu như ít người biết đến.
“Mục sư tổ chức ‘Mother’s Day’. Nhà Việt Nam thì tổ chức Father’s Day. Chứ còn lễ đó thì không có. Ngay trong nhà già cũng không tổ chức ngày này,” bà Trần Na, một cư dân tại khu nhà dành cho người cao niên có lợi tức thấp ở Woodland Hill, bang Virginia, nói.
Bà Na mong cộng đồng ở đây tổ chức ngày lễ này.
“Theo như tôi thấy thì nên tổ chức. Nó làm cho các cháu nhớ đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Có nhiều khi ông cố, bà cố có các cháu không biết nói tiếng Việt nhưng nó biết người đó là ông nội, bà nội rất thương nó, mỗi lần tới thăm cho nó quà, chút xíu thôi nhưng hỏi ai thì nó nói là người sanh ra bố mẹ nó. Từ đó mai mốt nó có một hình ảnh trong ký ức. Nó sẽ nói với con nó là ngày xưa ông nội, ông cố cũng dắt đi coi cái này cái nọ. Nếu tổ chức thì nên dẫn các cháu bé đi để các cháu cũng nhìn thấy những hình ảnh lên chúc ông bà, chúc cha mẹ, chúc ông cố bà cố. Theo tôi nghĩ, vậy là tốt.”
Nhà giáo Lê Tống Mộng Hoa, người sáng lập “Nhóm Từ Thiện Tình Thương Virginia” hàng năm thường tổ chức những bữa ăn chiêu đãi người lớn tuổi hay người vô gia cư vào những dịp lễ như Lễ Tạ ơn, Lễ Giáng Sinh, Lễ Cha, Lễ Mẹ. Tuy nhiên, bà Hoa cho biết, nhóm của bà chưa bao giờ tổ chức Ngày Ông bà.
“Có một lần ai đó tổ chức trong nhà già cho mấy cụ, nhưng người ta chưa có quen với Grandparents Day,” bà Hoa nói.
“Mấy trường tiểu học Mỹ có làm ngày đó. Mấy đứa nhỏ lớp 1 và mẫu giáo, cô giáo bày cho nó làm thiệp đem về đưa cho ông, bà. Họ hay, họ có làm như vậy. Cháu tôi nó có mấy lần nó làm mấy các card nó đem về,” bà Hoa cho biết.
Ông Đỗ Quang Tỏa, nguyên Tổng giám đốc cơ quan bất vụ lợi BDAG hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hiện đã nghỉ hưu, cho biết là phần lớn các trường tư tại Virginia đều tổ chức Ngày của Ông Bà cho các học sinh.
Ông kể đến trường hợp các cháu của ông: “Đầu tiên là trường Catholic School ở Richmond. Tôi có hai thằng cháu ở dưới đó, một thằng lớp hai, một thằng lớp bốn. Một thằng nữa học ở Day care Center ở Reston cũng có ngày kêu là Grandparents Day. Tới ngày đó, mình ngồi chung với tụi nó trong phòng. Mấy đứa nhỏ đem bánh cookies cho mình ăn, đem sách ra mình đọc với chúng nó. Nhiều thằng không có grandparents. Tôi thấy nó một mình tôi kêu đó qua ngồi chung bàn và hỏi grandparents của nó đâu. Nó nói grandparents của nó ở tận New Jersey không xuống được. Còn trường ở Richmond tổ chức hoành tráng hơn. Grandparents tới cả mấy trăm người. Mấy đứa nhỏ lên hát bài ‘I love you Grandparents.’ Mấy đứa nhỏ cũng vẽ những bức tranh màu nguệch ngoạc bán 25 đô la mỗi bức, có khung đàng hoàng.”
Bà Lê Tống Mộng Hoa có kế hoạch ‘hâm nóng lại’ ngày này cho cộng đồng Việt Nam hiểu biết và trân quý.
“Đến ngày đó, tôi sẽ gởi ra bó hoa trên email mừng tất cả mấy ông bà nội ngoại cũng như mình hâm nóng lại. Bắt đầu từ gia đình mình. Ví dụ ngày đó gọi mấy đưa cháu nội, cháu ngoại đến rồi biểu mấy đứa nhỏ làm thiệp cho ông bà rồi mình ăn cơm với nhau. Cái đó hay.”
Ngoài Mỹ, Ngày của Ông Bà cũng được vinh danh ở một số nước khác, nhưng được tổ chức ở những thời điểm khác nhau. Tại Việt Nam, các trường quốc tế cũng tổ chức ngày này.
Hà Vũ /baomai