Nụ cười của Đức Giáo Hoàng Francis. (Hình: Getty Images)
Ông Trời cho con người hai món quà quý giá vô cùng, đó là tình yêu và
tình bạn. Cung bạn bè trong lá số tử vi của tôi rất đẹp. Đó là mấy
người bạn, thân nhau hết sức, luôn coi nhau như ruột thịt.
Nhóm chúng tôi thường gặp nhau mỗi tháng ít lần, nay ở nhà tôi mai ở nhà anh. Nhóm gồm đủ thành phần, cả nam và nữ, cả Bắc lẫn Trung và Nam, cả già lẫn xồn xồn. Đứng đầu là một cụ già, tên là cụ Chánh, chúng tôi bầu làm tiên chỉ. Chúng tôi tự gọi mình là làng An Lạc, vì làng tôi bao giờ cũng đầy an hòa và hoan lạc. Tôi phải dài dòng như vậy để trình các cụ một buổi sinh hoạt đặc biệt của làng đầu mùa Xuân này.
Đó là một buổi họp làng tại nhà cụ Chánh tiên chỉ. Phe các bà phụ
trách nấu cơm, chị chị em em ríu rít như một bầy chim. Phe liền ông
chúng tôi tự phong cho mình là các triết gia hiền nhân quân tử nên chạy
vòng ngoài, kê bàn kê ghế mà thôi.
Hôm đó, sau một bữa nhậu ngon quên chết là đến phần uống trà. Cả làng
thảnh thơi vừa nhâm nhi trà vừa nói đủ thứ chuyện. Và không ngờ một dân
làng trọng tuổi tên là ông ODP nổi hứng bàn về một vấn đề lớn, đó là
tiếng cười.
Tiếng cười là thần dược
Ông nói mục đích cuộc đời này là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc.
Biểu hiện của hạnh phúc là tiếng cười. Tiếng cười đây là tiếng cười
chân thực, hồn nhiên, thoải mái, tự phát, cười giòn giã, cười ngặt
nghẽo, cười bò lăn bò càng, cười tít mắt, chứ không phải tiếng cười
gượng hay xã giao.
Xưa nay có biết bao bài nghiên cứu và đề cao giá trị của tiếng cười. Nụ cười là phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp mà ta không cần phải phiên dịch hay dùng ngôn ngữ để diễn tả. Nụ cười mang ý nghĩa ta muốn nói với mọi người rằng ta hạnh phúc. Nó hoàn toàn tự phát chứ không phải do cố gắng.
Nụ cười tự nhiên và thành thực được biểu lộ qua miệng và khóe mắt. Nụ cười không chỉ biểu lộ hạnh phúc của ta mà còn có khả năng tạo cảm giác hạnh phúc cho người. Những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì thường có nụ cười rạng rỡ hơn những người ly thân, ly dị.
Nụ cười vui tươi có tác động đến vùng bắp thịt quanh miệng và khu vực
cơ vòng quanh khóe mắt, nó làm cho mắt sáng lên và long lanh. Ta thấy
vui hơn không những khi cười mà cả sau khi cười.
Cha ông chúng ta đã nói từ ngàn xưa: “Một tiếng cười bằng mười thang
thuốc bổ.” Nguyệt san lâu đời và uy tín quốc tế Reader’s Digest gọi
tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên, “Laughter is the best medicine.”
Triết gia Bertrand Russel nói nhiều lời chí lý về tiếng cười, như
“Tiếng cười là thần dược miễn phí nhưng vô cùng hiệu nghiệm,” hay “Tiếng
cười không mất tiền mua mà nó mua được tất cả, nó mua được sức khỏe, cả
thể xác cả tinh thần, nó mua được tình yêu, hòa khí, nó tạo được sự
đoàn kết.”
Nhiều người bi quan cho rằng cuộc đời là bể khổ, nhưng ông Trời đã cho ta thuốc thánh để cứu khổ, đó là tiếng cười. Mẹ Teresa Calcutta đã ý thức được việc này nên trước khi về cõi ngàn thu, Mẹ đã dặn các môn sinh: “Các con hãy cười nhiều hơn nữa.”
Đến đây thì tôi nhớ tới Linh Mục Maurice Chase, một linh mục nổi tiếng ở Los Angeles thập niên 2000. Theo báo chí, trong nhiều năm, cứ mỗi sáng Chủ Nhật, dù mưa hay nắng, ông đều đến khu vực đông người vô gia cư. Mỗi người ông tặng một đô la và một cái vỗ vai, vừa cười ông vừa nói lời thăm hỏi.
Có người bảo ông: “Muốn cho tiền tại sao cha cần phải tới trao tận
tay cho họ?” Vị linh mục vừa cười vừa trả lời: “Tôi không những cho họ 1
đô la mà tôi còn cho họ một nụ cười và một câu chúc lành. Tôilàm như
lời Mẹ Thánh Teresa Calcutta, muốn an ủi người nghèo, cho tiền là một
chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là cười với họ và nói lời yêu
thương. Bạn để ý quan sát mà coi, đa số chúng ta chỉ bỏ đồng bạc vào
nón người vô gia cư rồi vội vã đi ngay.”
Trong Phật Giáo tôi thích nhất tượng Đức Phật Di Lặc. Miệng cười mở
rộng thật lớn của ngài đẹp vô cùng. Một lần tôi nghe giảng pháp trên TV,
tôi thấy vị hòa thượng lặp đi lặp lại câu kệ này mà tôi rất thích, tôi
đã thuộc lòng: “Nụ cười và hơi thở/ Hai tác phẩm tuyệt vời/ Nuôi dưỡng
mầm hạnh phúc/ Cho ta và cho người.”
Về mặt vật lý, cái gì xảy ra khi ta tức giận? Thưa, khi ta tức giận
thì các bắp thịt ở đầu, ở mặt, ở cổ căng lên; máu từ tim chạy nhiều lên
mặt nên mặt ta đỏ bừng, miệng ta ngậm lại, răng cắn vào nhau, ta thấy
nghẹn ở cổ, nghẹt thở, tim ta đập thình thình. Còn khi ta cười, nhất là
khi ta cười ha hả, cười giòn, thì tất cả các bắp thịt căng cứng đều giãn
nở, miệng mở rộng, khí độc bay ra, dưỡng khí ùa vào, máu lưu thông dễ
dàng, người như tỉnh lại.
Tôi vừa đọc một bài nghiên cứu về tiếng cười, trong đó tôi thích nhất
đoạn viết rằng tiếng cười làm đẹp da mặt, các bà các cô nhớ kỹ việc này
nha. Rằng khi cười, các cơ mặt co giãn nhịp nhàng nên cười sẽ giúp làm
mờ đi các vết nhăn. Khi cười, các cơ mặt vận động tăng cường lưu thông
khí huyết góp phần làm tươi tắn làn da. Người có tính tình vui vẻ luôn
tươi cười sẽ giữ được nét mặt trẻ lâu. Tại sao ta không chăm sóc da mặt
bằng loại “mỹ phẩm” thiên nhiên, miễn phí và hiệu nghiệm này?
Theo Bác Sĩ William Fry của Đại Học Stanford, khi cười thì các bắp thịt ở cổ, mặt, đầu, ngực, bụng đều hoạt động đồng loạt, và nhờ vậy mà tình trạng đau nhức của cơ thể bớt đi. Riêng những người bị phong thấp, đau khớp xương, đau đầu nên cười lớn tiếng.
Trong hội nghị quốc tế về y khoa tại Montréal, Canada, hồi Tháng Sáu,
1997, phái đoàn y khoa Oakhurst ở Los Angeles trình bày một bài rất
giá trị về hiệu quả của tiếng cười. Theo kết quả nghiên cứu của viện này
thì những ai bị bệnh tim, bị đột quỵ, mỗi ngày chỉ cần cười 15 phút thì
bệnh tim không bao giờ tái phát nữa.
Chữa bệnh bằng tiếng cười
Chuyện xưa chép rằng, nhà bác học và triết gia Henri Bergson vì làm
việc tinh thần nhiều quá nên hay bị choáng váng, nhức đầu và ngộp thở.
Ông gặp nhiều bác sĩ nhưng căn bệnh này không hết. May thay, ông gặp
được một bác sĩ chuyên ngành chữa cho ông lành bệnh bằng thuốc tiên. Vị
bác sĩ bảo ông không cần uống thuốc gì cả, ông chỉ cần tối nào cũng đến
hí viện để xem các chú hề làm trò. Ông đi xem và cười rất nhiều. Quả
nhiên ông hết bệnh.
Đây cũng là cách chữa bệnh của ông Francois Rabelais, người Pháp ở thế kỷ 15. Ông là một thầy tu, một văn sĩ, một chuyên viên giải phẫu. Ông chủ trương dùng tiếng cười để chữa bệnh, trong tiếng Pháp gọi phương pháp chữa bệnh này là “le rire rabelais.” Theo ông, chỉ có loài người mới biết cười, “le rire est le propre de l’homme.” Cười là một đặc ân tạo hóa tặng cho con người, chúng ta hãy sử dụng nó.
Có hai loại cười. Loại cười chữa bệnh và mang lại hạnh phúc như trên tôi gọi là loại A, là loại kích động tự nhiên cả tâm, cả xác ta. Trong tiếng Việt Nam có rất nhiều từ để chỉ loại cười hạnh phúc này, như cười ha hả, cười bò lăn bò càng, cười chảy nước mắt, cười đau cả bụng, cười vãi đái, cười tít mắt, cười tới tận mang tai, cười đấm nhau thùm thụp, cười đập bàn đập ghế… Và loại B tức là loại cười không phát ra từ cái tâm vui vẻ, không tự nhiên, như cười gượng, cười giả lả, cười mỉa mai, cười nhạt, cười khinh bỉ… Đây là loại cười tôi không có ý nói ở đây. Tôi ghét loại B này.
Ngày xưa còn bé tôi được nhiều thầy giáo dạy câu “Un saint triste est un triste saint” mà chả hiểu gì cả. Sao lại “Một ông thánh buồn là một ông buồn thánh?” Câu này khó hiểu quá. Mãi gần đây thì tôi mới hiểu trọn vẹn. Câu ấy phải dịch thế này: “Một ông thánh mà mặt mũi buồn bã là một ông thánh vất đi, chả ra cái gì cả.”
Tiếng cười còn mang sự vui vẻ và đoàn kết đến cho tha nhân và xã hội. Hai người đang giận nhau mà tự nhiên cùng cười lên một tiếng thì coi như sự thù hằn đã hết, hai bên có thể bắt tay nhau làm hòa ngay. Cộng đồng gặp nhau rồi nhờ nghe mấy chuyện vui mà cùng phá ra cười thì sự đoàn kết tự nhiên đến, bao nhiêu sai biệt được san bằng, buổi họp đương nhiên sẽ thâu được những thành quả tích cực.
Tuy nhiên, tiếng cười có phải là thuốc trường sinh? Khi gọi là “trường sinh” thì mấy ông bạn già của tôi phản đối. Các ông lập luận thế này, bây giờ bọn mình đã vào tuổi già, ông Trời cho con người ai cũng có bốn cái sướng căn bản là ăn, ngủ, ị, và ấy. Lũ già chúng tôi hiện chỉ còn hưởng được ba cái sướng đầu, chứ cái thứ tư thì nó biến mất từ lâu rồi. Có đúng thế không ạ?
Tôi nhớ Giáo Sư Nguyễn Quốc Hùng kể chuyện ngày xưa bố ông nổi tiếng về hai câu thơ cực tả tuổi già như sau: “Trên thì móm mém nhai không vỡ/ Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào.” Các bác cứ nghiệm mà xem, hai câu thơ này hay quá và đúng sự thực quá chứ.
Bây giờ bọn già chúng tôi mà trường sinh bất tử thì có ba cái sướng đầu, thiếu cái sướng thứ tư, cái sướng tột điểm của đời người, thì trường sinh làm gì, sống mà trên móm mém dưới chun choăn thì trường sinh mà làm chi! Bởi vậy đừng viết tiếng cười là thuốc trường sinh. Tôi không ham trường sinh, mà chỉ nên viết tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên chữa được bách bệnh. Nghe có lý quá, phải không các cụ?
Nhân hai câu thơ nổi tiếng cực tả tuổi già trên đây tôi chợt nhớ tới một chuyện tiếu lâm khác. Rằng có một cặp cụ già kia suốt đời sống đạo đức thánh thiện nên trong đêm kỷ niệm 50 năm thành hôn, một bà tiên hiện ra và nói: “Vợ chồng các ngươi đã sống tốt lành gương mẫu, vậy ta cho các ngươi hai điều ước. Nào hai ngươi ước gì?”
Cụ ông nhìn cụ bà rồi nói: “Con xin cho con được luôn luôn cứng rắn bền bỉ và bà già nhà con được hết khô khan nguội lạnh.” Nghe xong, cả làng tôi vỗ tay râm ran vì thấy lời xin của ông chồng già hay quá, có lý quá, thật là khôn ngoan và tối cần thiết. Các cụ độc giả có nghĩ như vậy không?
Chuyện gây ra tiếng cười nhiều vô cùng. Cụ nào hay bi quan chán đời, cụ nào gia đình lục đục bất hòa, cụ nào tối ngủ không an giấc, xin hãy tìm tiếng cười. Đó là thần dược.
Tiếng cười quả là đã làm bao nhiêu phép lạ cho ta, cho tâm hồn ta, cho thân xác ta, cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội.
Trà Lũ
www.nguoi-viet.com/ nguoiphuongnam