Lá mơ lông (Paederia tomentosa, họ Cà phê), tên khác là mơ tam thể, lá thúi địch, là một loại dây leo, dễ trồng dễ mọc, lá mọc đối, hình trứng, có nhiều lông mịn trên gân, lá có một mặt màu tím nhạt, một mặt xanh, hoa màu tím.
Ở Việt Nam có 5 loài, nhưng mơ lông là loài phổ biến nhất, có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia. Mơ lông có thể gặp hầu hết các tỉnh (trừ vùng núi cao, trên 1.600 m). Lá mơ thường được trồng ở những hàng rào, bờ vườn hoặc bờ nương rẫy. Có nơi được trồng để làm thuốc. Mơ lông có 2 loại gồm lá màu xanh và loại mơ tam thể.
Cây chứa một tinh dầu rất hăng mùi của bisulfur carbon và alcaloid và paederin. Mơ lông dễ nhận biết với mùi thối khó chịu là do trong thành phần hóa học có chứa methyl mercaptan. Lá có vị hơi đắng, hơi mặn, mùi hôi, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc làm săn, sát trùng.
Người ta chiết được từ lá được một alkaloid (hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh lý cao với cơ thể người, đặc biệt là hệ thần kinh) gọi là paederin và một chất tinh dầu sulfur dimethyl disulphit tác dụng như thuốc kháng sinh, chống viêm và điều trị ho các loại. Do đó được sử dụng trong điều trị một số bệnh như:
Chữa ho gà
Lá mơ lông 150g, bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị 250g, cam thảo dây 150g, trần bì 100g, gừng 50g, đường kính vừa đủ. Cho vào 6 lít nước, trộn lẫn rồi đun sôi còn 1 lít. Chia ra ngày uống 2-3 lần.
Chống co giật
Nghiền nát khoảng 15-60g lá tươi, thêm một bát nước ấm và một ít nước, khuấy đều và vắt lọc để lấy nước, uống trước bữa tối.
Viêm tai ở trẻ nhỏ
Khi tắm cho trẻ nhỏ có thể vô tình bị nước rơi vào tai, lâu ngày dẫn đến viêm và mưng mủ, người ta gọi là viêm tai giữa chảy mủ gây hiện tượng trẻ sốt cao, quấy khóc.
Trong trường hợp này, lấy lá mơ lông hơ trên lửa cho nóng, sau đó vò lá và nhét vào tai trẻ, để qua đêm đến sáng hôm sau lá mơ sẽ giúp hút hết mủ ra, khiến trẻ nhỏ hết đau và ngủ ngon.
Ngoài ra, trong nước ép lá mơ chứa anthelmintic - có tác dụng mạnh trên ký sinh trùng đường ruột. Vì vậy đã sớm trở thành một thành phần chính trong những bài thuốc nam chữa trị các bệnh về đường ruột - tiêu hóa:
Trị chứng kiết lỵ
Nếu bị lỵ mới phát thì lấy một nắm lá mơ, một nắm lá phèn đen rửa sạch, nhúng qua nước sôi, vảy khô, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, ngày 2-3 lần.
Nếu bị lỵ lâu ngày, cũng lấy một nắm lá mơ tươi, lau bằng khăn sạch thái nhỏ, đập một quả trứng gà trộn đều, bọc lá chuối nướng chín, hoặc cho lên chảo rang khô, không cho gia vị. Ăn ngày ba lần, ăn liên tục vài ngày là khỏi. Hoặc lá mơ lông 20 gr, cỏ phượng vĩ 20 gr, hạt cau 25 gr, cỏ sữa lá nhỏ 100 gr, rau sam 100 gr. Sắc uống ngày một thang, chia ba lần.
Bệnh khớp ở người già
Người già thường bị phong thấp, đau nhức, nhức mỏi khi thay đổi thời tiết. Có 3 cách từ lá mơ lông có thể giúp giảm đau hiệu quả.
Cách 1: Lá mơ lông sắc lấy nước uống, có thể lấy cả thân lá cây đều được.
Cách 2: Giã dập lá mơ lông rồi cho vào tách, đổ nước sôi, hãm như trà. Sau đó, rót nước ra một cái cốc và cho thêm rượu vào để uống. Rượu có tác dụng dẫn thuốc chạy khắp cơ thể giúp giảm đau nhanh hơn.
Cách 3: Băm nhỏ cả cây gồm thân và lá mơ lông, sau đó phơi khô, băm nhỏ. 1kg lá mơ lông khô ngâm với 2 lít rượu, ngâm trong 10 ngày là uống được. Rượu này có thể trong uống ngoài xoa. Mỗi ngày uống 1 đến 2 ly.
Làm lành vết thương
Một nắm lá mơ lông xay thật mịn và đắp vào vết thương. Chữa thấp khớp, bí tiểu: Lấy khoảng 15 - 60g lá tươi, đun sôi trong nước, gạn bỏ xác lá và uống nước, ngày uống một lần.
Trị giun
Lấy 50g lá mơ lông rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, cho ít muối uống vào buổi sáng lúc đói rất hiệu nghiệm. Ngoài ra có thể lấy 30g lá mơ lông tươi (cả lá và ngọn) rửa sạch, cho thêm 50ml nước sôi để nguội, thụt vào hậu môn trước khi đi ngủ sẽ trị được giun kim.
Tiêu chảy do nóng
Khi bị tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện phân khẳm, nước tiểu vàng, bụng quặn đau, đầy hơi, khát nước nhiều, hậu môn nóng rát, dùng 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc với 500ml nước lấy 200ml. Uống trong ngày mỗi lần 100ml.
Trị mụn, ghẻ: Lấy lá mơ lông rửa sạch, đập dập nát, vắt lấy nước, chấm vào các nốt ghẻ.
Trị nấm da, chàm, eczema, giời leo: Lấy toàn cây mơ lông (một nắm tay), rửa sạch nghiền mịn, bôi vào chỗ ngứa.
Chữa chứng phong thấp
Nên dùng rễ hoặc dây mơ lông 30-50 g sắc uống với một chút rượu. Để chữa nhọt sau lưng, dùng 50 g dây mơ lông tươi sắc uống, bên ngoài lấy lá giã nát đắp.
Lấy khoảng 20-30g lá mơ lông rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống một lần trong ngày. Kiên trì dùng sẽ có hiệu quả.
Giảm đau trong các trường hợp đau sình bụng, đầy hơi, bí tiểu
Lấy 15-60g lá tươi, đun sôi trong khoảng 3 chén nước, gạn lọc sau đó cho thêm vào dung dịch một ly nước trái cây, uống hỗn hợp này mỗi ngày 1 lần, có tác dụng giảm đau, nhuận tràng, lợi tiểu giúp thanh lọc cơ thể và còn kích thích sự ngon miệng.
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe