Một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha đã tới Trung Quốc và đã tạo ra phôi thai khỉ-người đầu tiên trên thế giới. Đây là nghiên cứu gây tranh cãi lớn về mặt đạo đức.
Phôi thai thú lai người
Khi tế bào phôi gốc của người được tiêm vào phôi của một loài khác, sinh vật lai tạp chủng tạo ra từ đó được gọi là chimera.
Các nhà nghiên cứu của đại học Công giáo Murcia và Viện Salk về nghiên cứu sinh học ở Mỹ đã “biến đổi gen của phôi thai khỉ” và tạo ra phôi thai khỉ-lai-người. Theo hãng tin RT, nhóm các nhà khoa học trên do Juan Carlos Izpisúa chỉ đạo, đã dời tới Trung Quốc để tiến hành thí nghiệm này bởi nó “phi phạm luật pháp Tây Ban Nha.”
Trước đây, ông Juan Carlos đã từng thử đưa tế bào người vào phôi của heo, nhưng tế bào người không bám vào và phát triển chung. Tuy thất bại nhưng sau đó họ tạo ra được chimera giữa chuột nhắt và chuột đồng (mouse and rat).
Lần này, họ đã dùng kỹ thuật chỉnh sửa gen để vô hiệu hóa sự hình thành một số loại tế bào trong phôi khỉ, sau đó tiêm tế bào gốc của người vào.
Tờ báo Tây Ban Nha El Pais trích lời Estrella Núñez, một người tham gia trong dự án, rằng “kết quả là rất hứa hẹn… một bước đầu tiên thiết yếu để phát triển nội tạng người trong động vật để dùng cho cấy ghép tạng.”
Tranh cãi quanh vấn đề này là cực kỳ gay gắt. Ở Mỹ, Viện y tế quốc gia cho biết quỹ liên bang sẽ không bao giờ cấp vốn cho nghiên cứu phôi khỉ-người. Tuy nhiên, ở Trung Quốc không có quy định như vậy.
Cho tới nay, không có chimera khỉ-người nào từng được sinh ra. Các phôi thai lai chỉ được phép phát triển từ 1-2 tuần trong phòng thí nghiệm (trước khi phôi thai phát triển hệ thần kinh trung ương) và nghiên cứu trong khoảng thời gian đó.
Hai phe của vấn đề đạo đức
Hơn 20 năm trước, chú cừu Dolly được sinh ra vào ngày 5/7/1996. Giáo sư Ian Wilmut và nhóm của mình đã nhân bản vô tính Dolly từ tế bào của một con cừu Dorset Phần Lan 6 năm tuổi và tế bào trứng của một con cừu mặt đen Scotland.
Kể từ những tiếng kêu đầu tiên của cừu Dolly, thế giới đã bị chia rẽ trong vấn đề đạo đức của việc dùng động vật thử nghiệm. Để hiểu phạm vi ảnh hưởng của vấn đề này, vào năm 2017, trang ProCon đã công bố số liệu rằng “ước tính có 26 triệu động vật bị ‘sử dụng’ mỗi năm ở Mỹ cho việc thử nghiệm khoa học và thương mại” chủ yếu để xác định xem các phương pháp điều trị mới cho con người có gây hại hay không.
Những người ủng hộ nói rằng việc nghiên cứu trên động vật sống đã được thực hiện từ ít nhất 2500 năm trước và mang đến những phương pháp chữa bệnh cứu mạng người mà không có cách nào khác khả thi để nghiên cứu sinh vật sống hoàn chỉnh. Họ có thể trưng ra báo cáo của Hiệp hội nghiên cứu y sinh California nói rằng “gần như mọi tiến bộ y khoa trong 100 năm qua là kết quả trực tiếp của nghiên cứu trên động vật.”
Những người phản đối cho rằng việc thử nghiệm trên động vật là vô nhân đạo và “có” các phương pháp khác để thử nghiệm. Họ có thể viện tới nghiên cứu của Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế năm 2012 cho biết động vật thường bị “ép ăn, ép hít thở, bị bỏ đói hoặc khát, chịu hạn chế vật lý kéo dài, bị phỏng và các vết thương khác trong nghiên cứu quá trình hồi phục, bị làm cho đau để nghiên cứu sự ảnh hưởng của cơn đau và các phương thuốc, bị giết bằng khí CO2, gãy cổ, chặt đầu hay những phương pháp khác.”
Cũng có những luận điểm mạnh mẽ cho rằng các thử nghiệm chimera ‘không được kiểm soát’ nguy hiểm như trên có thể gây ra hậu quả khôn lường. Một bài viết từ các nhà nghiên cứu đại học Yale cho rằng “đã đến lúc phải xem xét ‘kỹ càng’ việc tạo ra chimera khỉ-người”.
Tiến sĩ Douglas Munoz thuộc đại học Queen’s cho biết “viễn cảnh động vật mang một phần não người làm ông rất lo lắng” và “việc chúng ta bắt đầu thao túng các chức năng sự sống theo cách này, trong khi không hoàn toàn hiểu làm sao để tắt nó đi, hoặc dừng lại nếu có sai sót xảy ra, thực sự làm tôi lo sợ.”