Bệnh tim và tiểu đường được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Đây là thuật ngữ chỉ những tình trạng bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và thường được phát hiện ở giai đoạn nặng.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Vương Quốc Anh, tiểu đường nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đau tim và ung thư. Còn bệnh tim có thể dẫn tới các tình trạng cấp cứu y tế. Chính vì thế, việc nhận biết sớm được các dấu hiệu của bệnh tim và tiểu đường là điều quan trọng để có cách can thiệp kịp thời, kiểm soát tình trạng bệnh.
Cả bệnh tim và tiểu đường đều có nhiều biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, cả hai tình trạng này đều có những dấu hiệu nhất định trên bàn chân. Noel Wicks, một dược sĩ người Anh, cho biết: “Chúng ta cần theo dõi các đặc điểm xuất hiện trên bàn chân, bao gồm cả móng chân, vì chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tổng thể đang có vấn đề hoặc những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”.
Dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo bệnh tim
Cấu tạo của bàn chân gồm 26 xương, 30 khớp, hơn 100 dây chằng và nhiều mạch máu khác nhau. Các mạch máu đến các ngón chân thường rất nhỏ. Do đó, chúng rất dễ bị tắc nghẽn bởi mỡ máu. Mỡ máu cao là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh tim mạch.
Dược sĩ Wicks cho biết bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu ở chân có thể có cảm giác lạnh, tê, đau hoặc sưng tấy bàn chân.
Dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo tiểu đường
Theo dược sĩ Wicks, dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở bàn chân thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua. Vị chuyên gia khuyên mọi người nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo tiểu đường ở bàn chân, gồm:
Ngứa ran, nóng hoặc đau Mất cảm giác khi chạm vào Da bàn chân nứt nẻ, khô, phồng rộp Có những vết loét lâu lành chân bàn chân Thường xuyên bị nấm chân (bao gồm cả nấm móng) Hội chứng chân không yên
Nếu có các dấu hiệu này, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Các bệnh lý khác có biểu hiện ở bàn chân
Các dấu hiệu bất thường ở bàn chân không chỉ cảnh báo bệnh tiểu đường hay tim mạch mà còn cảnh báo nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Bàn chân lạnh
Bàn chân lạnh có thể do tuần hoàn máu kém. Những người thường xuyên hút thuốc lá, bị huyết áp cao hoặc bệnh tim dễ gặp phải tình trạng này. Suy giáp và thiếu máu cũng có thể gây lạnh bàn chân.
Đau bàn chân
Đau bàn chân có thể do đi lại nhiều trong ngày hoặc do kích thước giày dép không phù hợp. Tuy nhiên, việc tập thể dục sai tư thế hoặc quá sức, loãng xương cũng có thể gây đau bàn chân.
Ngón chân có màu bất thường
Những người mắc bệnh Raynaud thường bị co thắt mạch máu đột ngột khiến bàn chân chuyển màu đỏ, trắng hoặc xanh. Căng thẳng hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể dẫn tới co thắt mạch máu. Các bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc vấn đề về tuyến giáp cũng khiến bàn chân có màu khác màu tự nhiên.
Móng chân dùi trống
Móng chân phồng lên và có hình dáng giống chiếc thìa úp ngược được gọi là móng chân dùi trống. Đây là biểu hiện thường gặp của bệnh phổi, tim, rối loạn tiêu hóa hoặc một số bệnh nhiễm trùng.
Sưng bàn chân
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bàn chân bị sưng lên, ví dụ như tuần hoàn kém, cục máu đông, bệnh thận hoặc tuyến giáp.
Ngứa bàn chân
Ngứa bàn chân thường là dấu hiệu của nhiễm nấm hoặc phản ứng với hóa chất.
Chuột rút bàn chân
Chuột rút ở bàn chân có thể là hậu quả của làm việc quá sức, tuần hoàn kém, mất nước hoặc mất cân bằng điện giải, hormone trong cơ thể. Mang thai, rối loạn tuyến giáp có thể dẫn tới tình trạng này.
Lam Chi/soha