Muốn xem cơ thể có khoẻ mạnh hay không, chỉ số này sẽ “nói” cho bạn biết.
Các dấu hiệu sinh tồn của con người bao gồm 4 loại: Nhiệt độ cơ thể, mạch, huyết áp và nhịp thở. Những dấu hiệu này chỉ rõ tình trạng hoạt động và cung cấp thông tin quan trọng về các cơ quan trong cơ thể, xác định bệnh lý và tiến trình hồi phục.
Bên cạnh đó, sức bền của tim phổi cũng liên quan đến nhiều loại bệnh, đặc biệt là mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp và nguy cơ tử vong. Sức bền tim mạch đo lường mức độ hoạt động của cơ thể trong thời gian dài tập thể dục, đánh giá mức độ khoẻ mạnh của một người.
Việc tăng sức chịu đựng của hệ tim mạch cho phép bạn tập luyện trong thời gian dài, ở cường độ cao hơn mà không bị mệt. Sức bền càng cao, tim mạch càng khoẻ và có thể kéo dài tuổi thọ.
Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên Journal of the American College of Cardiology cho thấy mức độ chịu đựng của hệ tim mạch tỷ lệ nghịch với nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Có tổng cộng 750.302 người thuộc độ tuổi 30-95 tham gia nghiên cứu, họ được theo dõi tình trạng sức khoẻ trong khoảng 10,2 năm.
Sau khoảng thời gian này, 23,3% số người tham gia nghiên cứu tử vong. Nguy cơ tử vong cao nhất được thấy ở những người có ít sức bền tim mạch nhất. Họ là những người bị thừa cân hoặc béo phì, dùng nhiều loại thuốc, mắc nhiều bệnh và có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Làm thế nào để đánh giá sức bền tim mạch?
Kiểm tra chức năng tim
Có nhiều phương pháp kiểm tra chức năng tim, tiết kiệm nhất là siêu âm tim. Phương pháp này giúp bạn biết rõ kích thước của tim, phân suất tống máu để đánh giá chức năng tâm thu thất trái. Ngoài ra, bạn có thể đánh giá thông qua việc đi bộ trong vòng 6 phút. Các bài tập thể dục cho thấy cách tim phản ứng với hoạt động thể chất, liệu triệu chứng bệnh tim có xảy ra khi tập thể dục hay không.
Nếu cảm thấy khó thở và đau tức ngực, bạn cần dừng hoạt động thể chất ngay lập tức. Ảnh: Decathlon Blog.
Kiểm tra chức năng phổi
Bạn có thể tìm hiểu sức bền của phổi thông qua các bài kiểm tra chức năng, chẳng hạn leo cầu thang từ tầng 1-3 với tốc độ bình thường. Nếu không phải dừng lại nghỉ hay bị thở dốc, phổi của bạn có sức khoẻ bình thường. Bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách chạy tại chỗ với tốc độ vừa phải, đến khi bắt đầu thấy mệt thì dừng lại. Nếu bạn cần 5-6 phút để hồi phục lại trạng thái bình thường, đây là dấu hiệu tốt. Trong trường hợp cần thời gian lâu hơn, có thể chức năng phổi đang không tốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện cách đơn giản hơn là thổi cây nến, cách vị trí đứng 15 cm. Nếu chỉ cần một hơi để tắt nến, chức năng phổi đang ở mức bình thường và ngược lại.
Rèn luyện sức khoẻ tim phổi bằng các bài tập thể chất
Bằng cách tăng cường sức chịu đựng của hệ tim mạch, cơ thể có thể tiếp nhận và vận chuyển nhiều oxy hơn, dẫn đến tăng số lượng hồng cầu và hemoglobin. Nhịp tim trở nên mạnh hơn, có thể bơm lượng máu lớn hơn và phân phối oxy tốt hơn.
Luyện tập hít thở sâu
Điểm mấu chốt của việc thở sâu là phải đều, sâu và chậm. Bạn nên tập hít hơi vào sâu, sau đó từ từ thở ra để kéo dài thời gian khí lưu lại trong phổi. Việc hít thở sâu nhiều lần giúp phổi giãn nở và co lại, từ đó cải thiện sức bền.
Thực hiện các hoạt động thể chất
Bằng cách tập thể dục thường xuyên, bạn có thể cải thiện độ bền của tim và liên tục tăng độ khó của hoạt động bạn đang thực hiện. Mỗi lần tập luyện, bạn nên cố gắng tập lâu và cường độ cao hơn một chút so với lần trước đó.
Bạn có thể tham khảo các hoạt động như leo núi, đạp xe, khiêu vũ… hoặc một số bài tập như jumping jack, burpees, mountain climbers…
Hoạt động leo núi giúp nâng cao ý chí, cải thiện lưu thông máu của phổi và tim, rèn luyện sức bền cho tim phổi hiệu quả. Trong khi đó, đạp xe giúp chi dưới hoạt động tăng sự thông khí của phổi, giúp tim bơm máu. Từ đó, dung tích phổi tăng lên và cải thiện sức bền của tim phổi.
Bơi lội là một trong những hoạt động thể chất giúp tăng cường sức bền cho tim mạch. Ảnh: Britannica.
Sức bền tim mạch không thể được cải thiện trong 1-2 ngày mà đòi hỏi quá trình kiên trì bền bỉ. Bạn nên rèn luyện các bài tập một cách từ từ với tâm thế không vội vã. Đồng thời bạn cần chú ý đến việc điều hoà không khí trong nhà: Phòng khách nên thông thoáng, hít thở nhiều không khí trong lành.
Theo Aboluowang / Lam Phương /anle20