Khi đi lên, xuống cầu thang, nếu bạn thường xuyên cảm thấy đầu gối đau âm ỉ hoặc chân và bàn chân bị tê cứng thì đó có thể là triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp. Bệnh lý này có thể xảy ra ngay cả với những người trẻ trên 20 tuổi.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Quách Đại Duy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Lâm thuộc hệ thống Bệnh viện Trung Y Phù Nguyên tại Đài Loan. Ông đã giải thích bốn dấu hiệu chính cần chú ý, bốn giai đoạn của bệnh và ai là người dễ bị thoái hóa khớp nhất.
Bốn dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp.
Ngày nay, chúng ta thường ngồi nhiều, chẳng hạn như ngồi trên ghế cả ngày để xem TV, ít tạo sức ép lên khớp gối. Do đó, khớp gối trở nên yếu, dễ gãy. Tuy nhiên, đến cuối tuần, mọi người lại tới phòng tập thể thao để tập các bài tập năng động, gây căng thẳng cho khớp gối, và gây ra các vấn đề về khớp. Vậy các dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa khớp là gì?
- Có tiếng “lạo xạo” khi cử động khớp gối.
- Khớp bị đau, sưng và yếu.
- Cứng khớp, vận động khó khăn, không đứng dậy được sau khi ngồi xổm.
- Đau khớp gối khi đi lên, xuống cầu thang.
Ngay cả giới trẻ cũng thường ít vận động trong thời gian dài, tuần hoàn máu chi dưới kém, khớp ít phải chịu lực nên dễ gãy. Điều này dẫn đến tình trạng tuổi khởi phát bệnh thoái hóa khớp gối ngày càng trẻ hoá, nó không còn dành cho người cao tuổi nữa. Do đó, dù ở độ tuổi nào, nếu xuất hiện những dấu hiệu trên thì chúng ta nên cảnh giác.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới 3-4 lần
Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ở phụ nữ cao hơn nam giới. Trung bình cứ 4 phụ nữ trên 60 tuổi thì có một người bị thoái hóa khớp. Nguyên nhân là gì?
Sinh lý: Sau khi sinh nở, khung xương chậu của phụ nữ nở rộng, làm cho áp lực lên nửa bên trong của khớp lớn hơn, dẫn đến bề mặt khớp dễ bị mòn, rách.
Thói quen tập thể dục: Nhiều phụ nữ không tập thể dục thường xuyên nên dây chằng quanh đầu gối không đủ khỏe để bảo vệ khớp. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày thường có một số “hoạt động gây tổn thương đầu gối”, chẳng hạn như đi giày cao gót, có thể gây ra hoặc đẩy mạnh tình trạng khớp thoái hóa sớm.
Ảnh hưởng của nội tiết tố: Nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp ở phụ nữ. Sau thời kỳ mãn kinh, do không còn sự bảo vệ của nội tiết tố nữ, phụ nữ trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3-4 lần so với nam giới cùng độ tuổi
Ảnh hưởng của kinh nguyệt: Trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, các dây chằng khớp của phụ nữ ở tình trạng yếu nhất, nên khi tập thể dục khớp dễ bị tổn thương hơn.
Bốn giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp gối không diễn ra âm thầm, chúng ta cần chú ý đến các tín hiệu của cơ thể và không bỏ qua bất kỳ triệu chứng đau nào. Sự lão hóa của đầu gối cũng liên quan đến tuổi tác. Hơn 50% người già trên 80 tuổi có triệu chứng thoái hóa khớp gối.
Quá trình tiến triển của thoái hóa khớp có bốn giai đoạn. Dưới đây là các triệu chứng tương ứng.
Giai đoạn 1
Giai đoạn đầu tiên của thoái hóa khớp diễn ra chủ yếu ở độ tuổi từ 20 đến 40, biểu hiện thường là triệu chứng đau tái phát hoặc đau liên tục. Hình ảnh chụp X-quang ở giai đoạn này sẽ thấy khớp gối bình thường nhưng xung quanh có một số mảng trắng. Bề mặt khớp gối sẽ hơi thô và độ đàn hồi khớp thấp. Đây là những triệu chứng viêm sụn khớp nhẹ ở giai đoạn đầu của bệnh.
Giai đoạn 2
Giai đoạn này thường nằm trong độ tuổi từ 40 đến 50. Nếu khớp bị thoái hóa không được điều trị kịp thời, bệnh nhân thường sẽ thay đổi dáng đi để tránh bị đau, lâu dần có thể dẫn đến “chân biến dạng hình chữ O”. Như vậy ở giai đoạn 2, khớp gối sẽ xuất hiện biến dạng nhẹ. Nếu khớp sưng to, thì có nghĩa là Xương Bánh Chè đã bị viêm nhiều lần. Các mô xung quanh có thể đã chuyển thành mô viêm và bị vôi hóa, làm cho việc ngồi xổm hoặc đứng bị khó khăn.
Ở nhiều người, nếu chụp X-quang khớp gối ở giai đoạn này sẽ nhận thấy bề mặt khớp đã trở nên không đồng đều, các phần bị viêm phồng to và khe khớp bắt đầu bị thu hẹp.
Bệnh nhân thoái hóa khớp giai đoạn 2 cần được điều trị tích cực bằng các liệu pháp phục hồi chức năng của Tây y, châm cứu theo Trung y hoặc chườm nóng tại nhà.
Trong giai đoạn 1 và 2 của bệnh, khó nhìn thấy được các tổn thương thoái hóa trên phim X-quang mà chỉ có thể thấy rõ khi tiến hành nội soi khớp.
Giai đoạn 3
Giai đoạn thứ ba chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 50 đến 60. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, “gan chủ gân cốt, thận chủ xương cốt”. Con người, theo quy luật tự nhiên, vào thời điểm này của cuộc đời đã đến giai đoạn thoái hóa, thận khí suy giảm (thiếu sinh khí) gân cốt không còn đủ cứng cáp.
Khớp gối, nếu không được chăm sóc đúng cách, sẽ bắt đầu bị hư, mức độ biến dạng sẽ tiến triển từ nhẹ đến trung bình. Trên phim chụp X-quang có thể nhìn thấy các phần sụn khớp phồng lên ở giai đoạn trước đã bị đứt vỡ, biến thành dạng mô giống như tóc, đồng thời một số gai xương đã hình thành.
Giai đoạn 4
Giai đoạn này chủ yếu xảy ra ở độ tuổi trên 60. Khớp đã thoái hóa nếu không được điều trị ngay từ các giai đoạn sớm thì sụn khớp sẽ dần bị nứt, vỡ, làm xương bên dưới lộ ra. Khe khớp biến mất, khớp bị biến dạng nghiêm trọng.
Lúc này, cần phải thay thế khớp tự nhiên của bệnh nhân bằng khớp nhân tạo. Thay khớp nhân tạo cũng chỉ mới là bước đầu của quá trình phục hồi chức năng. Nhiều bệnh nhân không chú ý đến việc phục hồi chức năng sau khi thay khớp, nên họ thậm chí sẽ phải thay khớp tới lần thứ hai hoặc thứ ba.
Sức khỏe khớp gối có tác động rất lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Tiến sĩ Quách Đại Duy kể cho chúng tôi nghe về một người đàn ông 70 tuổi. Ông tràn đầy năng lượng, là chủ một gia đình lớn, vốn yêu thích công việc đồng áng. Tuy nhiên, một ngày nọ, con gái của ông nhận thấy cha mình không còn ra đi ngoài nữa. Ông tỏ ra chán nản và thậm chí từ chối đi lại cùng gia đình.
Hóa ra là ông đã bị thoái hóa khớp, cả hai đầu gối sưng, đau khiến ông không thể đi lại được.
Sau khi chẩn đoán bệnh, ông được điều trị bằng châm cứu hai lần mỗi tuần trong ba tháng và bằng thuốc uống thảo dược truyền thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, lời khuyên đầu tiên mà bác sĩ Duy dành cho ông là “vận động là thứ nhất, điều trị là thứ hai”, và rằng, mục tiêu chủ yếu của điều trị chính là để cho phép ông tiếp tục lối sống năng động của mình.
Ra ngoài trời, đi lại cùng gia đình và làm ruộng như đã từng làm sẽ giúp nâng cao tâm trạng và có lợi cho quá trình hồi phục của ông.
Sau 90 ngày, tình trạng khớp gối của ông đã cải thiện đáng kể, đến mức ông có thể lên xuống cầu thang dễ dàng. Nụ cười đã trở lại, và gia đình ông rất vui mừng.
“Cứu khớp gối của người đàn ông lớn tuổi này thực sự là cứu hạnh phúc của cả gia đình” Bác sĩ Duy nói: “Đôi khi người già khó nói về bệnh tật của mình vì không muốn tạo gánh nặng cho người nhà. Vì vậy, các thành viên trong gia đình nên quan tâm đến người già nhiều hơn. Nếu một ngày nào đó họ tỏ ra kém vui và chán nản, có thể có gì đó đang làm cho cơ thể họ khó chịu và đau đớn”.
Các hình thức vận động tạo gánh nặng cho khớp gối.
Bạn cần biết dạng vận động nào tạo ra nhiều áp lực hơn cho khớp gối, dạng vận động nào gây tác động nhiều hơn so với các dạng khác để có thể chăm sóc khớp gối của mình tốt hơn. Tư thế duy nhất mà khớp gối không phải chịu chút trọng lượng nào là tư thế nằm.
- Khi đứng hoặc đi, lực tác động lên khớp gối bằng một đến hai lần trọng lượng cơ thể của mỗi người.
- Khi lên xuống cầu thang, lực nén lên khớp gối lớn gấp ba tới bốn lần trọng lượng cơ thể.
- Khi chạy, lực nén lên khớp gối lớn gấp bốn tới năm lần trọng lượng cơ thể.
- Khi chơi bóng rổ, lực nén lên khớp gối có thể lớn gấp sáu lần trọng lượng cơ thể.
- Khi ngồi xổm hoặc quỳ, lực nén lên khớp gối có thể lớn gấp tám lần trọng lượng cơ thể.
Khi bạn ngồi trên một chiếc ghế tựa bình thường, gối sẽ chịu áp lực ít hơn là ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp, theo dạng ngồi xổm. Bác sĩ Duy cũng khuyên chúng ta không nên vắt chéo chân khi ngồi, vì như vậy sẽ làm tăng áp lực cho khớp gối.
Nhiều người tập thể dục bằng cách leo lên xuống cầu thang, chạy và chơi bóng rổ, ngồi xổm hoặc quỳ trong khi làm các công việc như lau sàn nhà. Tất cả đều có tác động xấu tới khớp gối và cần được thay bằng các dạng vận động khác tốt hơn.
6 Bài tập phục hồi chức năng
Ngoài việc điều trị và thay đổi lối sống, có 6 bài tập phục hồi chức năng đơn giản giúp hồi phục sức khỏe cho khớp gối bằng cách thư giãn cơ đùi hoặc tăng cường cơ bắp chân nếu bạn bị thoái hóa khớp.
Bộ bài tập đầu tiên: Thư giãn cơ đùi.
Đôi khi bạn khó ngồi xổm được, không phải do đầu gối mà là do cơ đùi quá căng. Những bài tập kéo giãn này sẽ giúp thư giãn cơ đùi.
Bài tập kéo giãn 1: Tập cơ đùi trước
Ở tư thế đứng, một tay giữ vào thành ghế hoặc giường. Gấp gối ra sau và nâng bắp chân lên. Dùng tay phía đối diện nắm lấy cổ chân và kéo đùi ra sau, như vậy mặt trước của đùi sẽ có cảm giác căng cứng.
Giữ tư thế này trong 10 đến 20 giây, mỗi lần tập lặp lại động tác này 10 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Bài tập kéo giãn 2: Tập cơ đùi sau
Nằm ngửa, gấp một bên đùi lên bụng, giữ đùi bằng cả 2 tay. Sau đó duỗi gối sao cho mặt sau đùi có cảm giác căng.
Giữ tư thế này trong 10 đến 20 giây, mỗi lần tập lặp lại động tác này 10 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Đối với những người ngồi làm việc lâu trong nhiều giờ, các cơ phía sau đùi cũng có xu hướng bị căng. Bài tập này có thể giúp thư giãn cơ.
Bộ bài tập thứ hai: Tăng cường cơ chân.
Nếu cơ đùi khỏe, chúng có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho đầu gối và các động tác khó như ngồi xổm sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bài tập cơ 1: Mặt sau đùi
Ở tư thế nằm sấp, gấp và nâng gối cao lên khỏi mặt giường, tiếp đến, nâng cả đùi lên. Có thể gấp một khăn tắm, đặt dưới gối để giảm áp lực lên khớp.
Giữ tư thế này trong 10 đến 20 giây, mỗi lần tập lặp lại động tác này 6 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Bài tập cơ 2: Tập duỗi thẳng gối
Nằm ngửa thẳng người trên giường. Cuộn tròn một khăn tắm đặt dưới đầu gối. Hơi gấp nhẹ gối. Tiếp đến, duỗi thẳng gối sao cho gót chân được nhấc khỏi mặt giường. Giữ gót cao khỏi mặt giường trong 5 đến 10 giây và sau đó thả lỏng. Lặp lại nhiều lần rồi đổi chân.
Mỗi lần tập lặp lại động tác này 6 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Bài tập cơ 3: Tập duỗi thẳng gối khi ngồi.
Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai bàn chân không chạm đất, thả lỏng cánh tay ở hai bên thân. Duỗi thẳng một chân (sao cho chân song song với mặt đất), giữ trong 5 đến 10 giây rồi hạ xuống. Không nín thở. Lặp lại vài lần rồi đổi chân.
Mỗi lần tập lặp lại động tác này 6 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Bài tập cơ 4: Tập duỗi thẳng gối khi nằm.
Nằm ngửa, lưng thẳng và thả lỏng tay hai bên cơ thể. Duỗi thẳng một chân, nâng cao, giữ trong 5 đến 10 giây rồi đặt xuống. Không nín thở. Lặp lại vài lần rồi đổi chân.
Mỗi lần tập lặp lại động tác này 6 đến 20 lần. Một ngày tập 3 lần.
Người khỏe mạnh cũng có thể thực hiện các bài tập này, không cần chờ tới khi có dấu hiệu thoái hóa khớp, để giảm áp lực và bảo vệ xương bánh chè, giảm đau vùng khớp gối bị viêm.
2 chất dinh dưỡng cho đầu gối khỏe hơn
Một số người bị thoái hóa khớp là do thiếu cơ. Vì vậy, để bảo vệ khớp gối tốt hơn, cần làm cho cơ và dây chằng quanh khớp gối được chắc khỏe. Ngoài việc tập thể dục, chế độ ăn uống cũng cần được chú ý.
Chúng ta nên sử dụng thức ăn có chứa nhiều canxi như cá khô loại nhỏ và sữa, thức ăn có chứa collagen và chondroitin như chân giò lợn, gân móng guốc, móng gà, nấm đen và nấm trắng, khoai mỡ. Động vật và thực vật đều có thể là nguồn cung cấp protein và collagen.
Bất kể ở vào độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều cần chăm sóc tốt cho xương khớp của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là dành thêm một chút thời gian để tập thể dục và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng.
(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Tiến sĩ Quách Đại Duy)
Tiến sĩ Quách Đại Duy: Là Giám đốc phòng khám Trung Y Fu Yuan (Phù Nguyên) Bệnh viện Đa Khoa Yunlin (Vân Lâm).
Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Thanh Di biên dịch