Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

3 thời điểm “vàng” để ăn sữa chua

Sữa chua luôn được xếp vào nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn nó đúng cách.
 
3 thời điểm “vàng” để ăn sữa chua và 2 món “đại kỵ” - Ảnh 1.

Nhiều người cho rằng sữa chua chỉ là món ăn vặt, thực phẩm hỗ trợ giảm cân… nhưng trên thực tế nó lại rất giàu dinh dưỡng. Nổi bật như đạm, glucid, lipid, vitamin và các chất khoáng chất, nhất là canxi.

Nếu nói về lợi ích sức khỏe của sữa chua, quen thuộc và nổi bật nhất là giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch.Bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô nằm ở hệ tiêu hóa nên sức khỏe của hệ tiêu hóa có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả cơ thể. Ngoài ra, sữa chua còn tốt cho xương khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm mỡ thừa, làm đẹp da - tóc - móng, cải thiện tình trạng không dung nạp lactose, chống lão hóa…

3 thời điểm “vàng” để ăn sữa chua

Mặc dù sữa chua rất tốt nhưng để tận dụng tối đa những lợi ích này, chúng ta cần phải biết ăn nó đúng lúc. Sau đây là 3 thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn sữa chua mà bạn không nên bỏ lỡ:

- Sau các bữa chính khoảng 1 giờ: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thời điểm vàng để ăn sữa chua là khoảng 1 - 2 giờ sau các bữa ăn chính trong ngày. Khi đó, lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ dễ dàng vượt qua môi trường khắc nghiệt của dạ dày, gia tăng hiệu quả hỗ trợ đường ruột của sữa chua. Bởi lúc này độ pH trong dạ dày đã ổn định, tạo điều kiện tốt cho các lợi khuẩn phát triển.

Sau khi ăn bữa chính mới ăn sữa chua cũng giúp giảm cảm giác khó chịu, tác dụng phụ không đáng có. Cũng không nên ăn sữa chua ngay sau khi ăn xong vì sẽ gây no quá mức, dạ dày quá tải, dinh dưỡng không hấp thụ hết.

- Ăn trong bữa sáng: Đối với những ai đang giảm cân, ăn theo chế độ ăn kiêng hoặc đơn giản là muốn có một bữa sáng nhẹ nhàng..., có thể kết hợp sữa chua với một số loại ngũ cốc, hạt, trái cây. Đây là công thức cho một bữa sáng đủ chất dinh dưỡng lại không khiến người ăn phải nạp vào cơ thể nhiều calo.

3 thời điểm “vàng” để ăn sữa chua và 2 món “đại kỵ” - Ảnh 2.

Ngoài ra, dùng sữa chua trong bữa sáng cũng giúp cơ thể tỉnh táo nhanh hơn, kích thích cảm giác thèm ăn để các món khác trở nên ngon miệng. Sữa chua tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa buổi sáng diễn ra trơn tru. Đồng thời bảo vệ ruột và hệ tiêu hóa khỏi độc tố cũng như vi khuẩn xấu, làm dịu hệ thống tiêu hóa bị viêm và có thể điều trị chứng đau dạ dày.

- Dùng sữa chua khi cần tập luyện, vận động mạnh: Như đã nói, sữa chua rất giàu đạm và nhiều chất dinh dưỡng, trong khi lại dễ ăn và có thể ăn nhanh hơn nhiều thực phẩm khác nên rất hợp lý khi cần bổ sung năng lượng. Nhất là nếu bạn tập luyện với mục đích giảm cân thì nó giúp bạn khỏe mạnh mà vẫn không sợ béo.

Bạn có thể ăn trước hoặc sau khi tập luyện. Kết hợp sữa chua nguyên chất với trái cây tươi hoặc đông lạnh để có thêm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và tăng thêm hương vị món ăn.

Chưa kể, quá trình tập luyện khiến cơ bắp thường bị căng. Sữa chua bổ sung protein, carbohydrate, canxi và lợi khuẩn cần thiết giúp phục hồi cơ bắp nhanh hơn.

Các thực phẩm không nên ăn cùng sữa chua

Ít ai biết rằng thực phẩm vừa tốt, vừa lành tính như sữa chua cũng có những món không phù hợp để kết hợp khi ăn uống.

Đầu tiên là các loại thịt đã qua chế biến. Lý do là nhóm thực phẩm này thường bổ sung nhiều nitrat, chất này có thể giúp thịt không bị hư, nhưng một khi gặp axit hữu cơ trong sữa chua sẽ sinh ra chất axit nito gây hại cho cơ thể con người.

Thứ hai là đậu nành cũng không phù hợp để ăn cùng hoặc gần thời điểm với sữa chua. Sữa chua rất giàu canxi, lượng canxi này bị ảnh hưởng bởi một chất hóa học trong đậu nành, có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Nếu kết hợp ăn đậu nành và sữa chua trong thời gian dài sẽ có thể khiến cơ thể bị thiếu canxi trầm trọng.

3 thời điểm “vàng” để ăn sữa chua và 2 món “đại kỵ” - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ăn sữa chua cùng các thực phẩm nhiều dầu mỡ vì có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và khiến bạn cảm thấy uể oải. Sữa chua và cá cũng không phải sự lựa chọn thông minh, bởi bổ sung quá gần nhau hai nguồn giàu protein có thể gây khó tiêu hay một số vấn đề khác liên quan đến dạ dày. Hay sữa chua và hành tây khi ăn gần nhau cũng có thể gây dị ứng da.

Tuy nhiên, đây chỉ là những lời khuyên để bạn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tránh các tác dụng phụ và tận dụng tối đa lợi ích từ sữa chua. Còn nếu muốn biết chính xác thể trạng của bản thân ăn sữa chua lúc nào là tốt nhất, nên tránh kết hợp cùng thực phẩm gì thì hãy tham khảo chuyên gia y tế

Nguồn và ảnh: Common Health, Eat This, Healt-Ngoc Ai/soha