Nhiều người trên 60 tuổi đến viện khám với lo lắng sợ bị khối u hay ung thư trong tai khi thường xuyên chóng mặt và nghe kém. Sự thật có như người bệnh lo lắng? Khi bị chóng mặt và nghe kém, người cao tuổi cần làm gì?
Thông thường, ở tuổi trên 60, các tế bào lông đảm nhận chức năng nghe cũng như hệ thống tiền đình bị thoái hóa dần, vì thế các chức năng sinh lý là đảm bảo cân bằng và nghe cũng suy giảm theo. Đồng thời kèm theo đó là sự teo của các cấu trúc tại thùy não, nơi tham gia chức năng hiểu lời và điều phối sự phối hợp của các cơ quan.
Ung thư tai không phải là một bệnh hay gặp, chỉ chiếm tỷ lệ 1% trong các bệnh lý của tai. Chóng mặt và nghe kém ở người già chủ yếu do suy giảm chức năng của cơ quan thăng bằng và nghe.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tuổi thọ con người ngày càng cao, đồng nghĩa với nó là quá trình lão hóa – nguyên nhân chính gây nên các bệnh tim mạch, tiêu hóa, nội tiết và các rối loạn chức năng, trong đó có rối loạn thính lực.
Suy giảm thính lực là bệnh hay gặp ở người cao tuổi, còn được gọi là lão thính. Suy giảm thính lực là sự suy giảm hoặc mất khả năng nghe, nếu không được điều trị sớm sẽ gây điếc và ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân.
Chức năng nghe ở người cao tuổi và vấn đề nghe kém
Bệnh nhân thường gặp nghe kém (lãng tai), hiểu sai lời, tiếp nhận các âm trong từ cũng khác nhau: phụ âm có âm cao hơn nguyên âm và được nói nhẹ nhàng hơn nguyên âm, mất thính lực tần số cao sẽ dẫn đến khó khăn nghe phụ âm và làm cho tiếng ồn nền tăng.
Bởi vì phụ âm truyền đạt hầu hết các thông tin trong một từ, không có khả năng nghe chúng có hiệu quả sẽ dẫn đến suy giảm khả năng nói và sự thông minh. Hơn nữa, phụ âm phục vụ để tách các âm tiết và từ với nhau. Do đó, với sự gián đoạn của các điểm dừng, từ có xu hướng chạy cùng nhau và âm thanh lẩm bẩm.
Đồng thời là sự suy giảm của chức năng ốc tai mở rộng về phía các vùng tần số thấp (tần số giao tiếp) nên khả năng giao tiếp trở nên khó khăn. Người có tuổi sẽ có những cách thức khác nhau để phù hợp như họ hướng bên tai nghe rõ hơn về phía nơi phát ra âm thanh, chính điều đó làm cho họ mất dần kiểm soát vị trí thăng bằng.
Ước tính 30 - 55% người trên 60 tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, bệnh tự miễn…. ảnh hưởng tới khả năng tham gia xã hội: Giảm khả năng nghe làm tăng mối quan tâm về an toàn. Ví dụ, người già bị khiếm thính đã được chứng minh tăng nguy cơ tai nạn xe cơ giới trong khi lái xe.
Ngoài ra còn có sự phân cách với xã hội do khó nghe trên điện thoại, đặc biệt là những loại điện thoại có chất lượng âm thanh bị ảnh hưởng bởi hệ thống mạng.
Việc xử lý các thông tin cũng thiếu chính xác do khả năng nghe được không đầy đủ khiến họ mất tự tin rồi dần dần tạo ra cảm giác bị cô lập trong xã hội. Sự cô lập xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của người có tuổi: cô đơn hoặc cô lập có nguy cơ tử vong cao hơn và tăng tiến triển bệnh tim mạch, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp đôi.
Chức năng thăng bằng và vấn đề chóng mặt ở người cao tuổi
Bên cạnh sự thoái hóa của cơ quan thăng bằng trong tai trong (các ống bán khuyên, soan nang, cầu nang), mắt cũng bị lão thị, khả năng nhìn kém, trương lực cơ giảm... cả ba cơ quan tham gia điều khiển chức năng thăng bằng đều bị suy thoái.
Việc sử dụng đúng kính theo tình trạng của mắt, tập thể dục tăng cường trương lực cơ cũng sẽ hỗ trợ cải thiện chức năng thăng bằng và giúp cho người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
+ Về sức nghe: Sử dụng máy trợ thính;
+ Thuốc cải thiện lưu thông của các mạch máu tại tai trong, tăng khả năng sử dụng oxy cho các tế bào não;
+ Thực hiện các bài tập luyện trí nhớ;
+ Các bài tập về thăng bằng phù hợp với tình trạng của bản thân dưới sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng.
Bác sĩ sẽ giúp được gì khi người cao tuổi chóng mặt, nghe kém?
Bác sĩ chuyên khoa sẽ là người đồng hành với người cao tuổi. Nếu việc thực hiện phương pháp tự điều chỉnh không được, bác sĩ sẽ sử dụng phối hợp với các thuốc hỗ trợ như tăng cường sử dụng oxy cho các tế bào não, thuốc duy trì thăng bằng, thuốc tăng cường trương lực cơ…
Vì vậy, nếu người cao tuổi thấy có biểu hiện chóng mặt, mất thăng bằng, nghe kém hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Người cao tuổi cũng cần tái khám định kỳ ở các chuyên khoa đang theo dõi bệnh lý mạn tính của mình, để ổn định huyết áp, đường huyết, mỡ máu...
Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi, có thể nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.
(theo suckhoe&doisong)