Duy trì thói quen đi bộ trong thời gian dài, bạn sẽ thấy các bệnh về tiêu hóa, tiểu đường, loãng xương, tim mạch hay thoái hóa đốt sống được cải thiện.
Nhiều người nghĩ chỉ có đến phòng gym hay chạy đường dài mới được coi là tập thể dục, nhưng thực tế, đi bộ từ lâu đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là bài tập tốt nhất. Đi bộ có nhiều lợi ích, chỉ cần chúng ta kiên trì đi bộ 6.000 bước mỗi ngày có thể giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh dưới đây.
1. Bệnh đường tiêu hóa
Những người gặp vấn đề về dạ dày thường có các biểu hiện như ăn không ngon, táo bón, tiêu chảy và phần lớn liên quan đến chứng khó tiêu.
Nếu có thể duy trì đi bộ từ nửa giờ đến một giờ mỗi ngày, thói quen này có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày, đối với cả những người bị tổn thương dạ dày.
2. Bệnh tiểu đường
Người bị đường huyết cao, ngoài việc kiểm soát đường huyết thông qua thuốc, cũng có thể đốt cháy calo bằng cách đi bộ để đạt được mục đích hạ đường huyết.
3. Loãng xương
Khi tuổi tác tăng lên, canxi trong cơ thể con người sẽ bị mất dần một mức độ nhất định. Đi bộ và tập thể dục mỗi ngày có thể tăng cường mật độ xương, làm chậm quá trình mất canxi và ngăn ngừa loãng xương.
Thêm vào đó, đi bộ giúp xây dựng cơ bắp, ổn định xương, bảo vệ khớp và ngăn ngừa chấn thương xương tốt hơn.
4. Thoái hóa đốt sống cổ
Nhiều người trong cuộc sống hiện đại dễ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tình trạng này nếu trở nên nghiêm trọng có thể làm xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn.
Vì vậy, đối với những người thường ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, cần đặc biệt lưu ý đi bộ nhiều hơn và ngẩng cao đầu, có thể kéo căng ngực và lưng, đồng thời giảm áp lực lên cổ, vai, lưng và những nơi khác.
5. Bệnh tim mạch
Đi bộ có thể rèn luyện hệ thống tim mạch và làm cho các mạch máu đàn hồi hơn, do đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Dù đi bộ là bài tập tốt, có thể loại bỏ các vấn đề về sức khỏe, bạn cũng không nên đi bộ quá nhiều. Theo khuyến cáo, đi bộ từ 6.000 đến 10.000 bước mỗi ngày là phù hợp. Nếu bạn đi quá nhiều dễ làm đau đầu gối, không tốt cho sức khỏe.
Cách đi bộ khoa học
1. Tốc độ
Có thể chia đi bộ thành tốc độ chậm (khoảng 70-90 bước/phút), tốc độ trung bình (90-120 bước/phút), đi bộ nhanh (120-140 bước/phút), đi bộ rất nhanh (hơn 140 bước/phút). Người cao tuổi có thể đi bộ mỗi tuần ba ngày, mỗi ngày khoảng 45-60 phút, có thể chọn hình thức luân phiên đi bộ tốc độ trung bình và đi bộ chậm luân phiên nhau.
2. Địa hình
Không phải con đường nào cũng thích hợp để đi bộ. Nơi lý tưởng nhất phải là đường chạy bằng phẳng, tránh đi trên nền đất cứng hoặc dốc như sàn bê tông, đường nhựa. Ví dụ, vấn đề phổ biến nhất đối với những người chạy cự ly trung bình là viêm màng xương chày, xương phía trước bị tách ra. Đây là chứng viêm vô khuẩn, thường gây ra do đi bộ trên bề mặt cứng.
Bạn cũng có thể đi bộ trên vỉa hè, nhưng tốt nhất là tránh xa khói xe cơ giới.
3. Chọn giày thể thao
Khi đi bộ, cần chọn một đôi giày nhẹ, không nhất thiết phải là giày hàng hiệu, miễn nó khiến bạn thoải mái ở đôi chân. Giày thể thao phù hợp cho hoạt động đi bộ phải vừa vặn với bàn chân, có bề mặt tiếp xúc giữa đế và mặt đất lớn, nhẹ (chất liệu thoáng khí, mềm mại giúp bước đi nhẹ nhàng hơn), hấp thụ sốc (tác động lên lòng bàn chân khi đi bộ gấp 1,2-1,5 lần trọng lượng cơ thể), chống trượt.
4. Thời điểm
Tỷ lệ các biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực…) do dậy sớm cao hơn các thời điểm khác trong ngày. Vì vậy, nếu bạn mắc các bệnh mãn tính thì tốt nhất không nên tập luyện vào buổi sáng. Thay vào đó, khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ chiều và giữa các bữa ăn thích hợp hơn.
Nhưng đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, miễn có thể sắp xếp thời gian tập thể dục trong lịch trình hàng ngày, thời điểm nào cũng tốt cho sức khỏe.
5. Khởi động trước khi đi bộ
Trước khi đi bộ và tập thể dục, tốt nhất bạn nên vận động cơ thể một chút và thực hiện các bài tập kéo giãn cơ.
Cuối cùng, nhớ mang theo một chai nước. Khi đi bộ và tập thể dục, bạn nên bổ sung nước với lượng nhỏ và nhiều lần để giảm tiêu hao nước trong cơ thể.
Theo Ngôi sao / Khoa học TV/anle20