Áp dụng chế độ ăn uống thường ngày như thế nào để kiểm soát lượng đường trong máu là điều mà hầu hết các bệnh nhân bối rối, một mặt phải đối diện cơn thèm khát những món ăn hấp dẫn, thậm chí nhiều khi phải “ăn vụng”; mặt khác sợ hãi ăn nhiều món ăn làm đường trong máu tăng lên.
Đặc trưng bệnh tiểu đường là lượng đường trong máu của người bệnh thường xuyên cao hơn giá trị tiêu chuẩn, đường máu cao gây ra triệu trứng mà theo cách gọi thông tục là “ba nhiều một ít”: ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu thường xuyên và giảm cân.
Chuyên gia cho rằng người mắc bệnh tiểu đường nên chú ý nhận thức trong vấn đề ăn uống từ các khía cạnh sau đây.
1. Tất cả thực phẩm đều có nhiệt lượng (Calo)
Tất cả các loại thực phẩm đều có nhiệt lượng (ca-lo), và nhiều món ăn có nhiều ca-lo hơn nhiều so với gạo và bánh từ gạo. Một số bệnh nhân thường băn khoăn hàng ngày chỉ ăn một ít cơm, thậm chí không ăn cơm mà chỉ ăn đồ ăn, tại sao đường trong máu vẫn cao chứ không giảm? Nhìn chung đa số những bệnh nhân này không hiểu mức độ nhiệt lượng trong các loại thực phẩm khác nhau, thực hành kiêng ăn hoặc ăn dư thừa ca-lo một cách mù quáng.
Có lẽ nhiều người cũng biết, thịt cá và dầu mỡ có lượng protein, chất béo, cholesterol rất cao, có nhiệt lượng cao hơn tinh bột gạo, chỉ cần “sơ xảy” khi ăn sẽ dẫn đến hấp thu nhiệt lượng dư thừa. Nếu chúng ta ăn nhiều đồ chiên xào và trái cây thì cho dù có ăn ít cơm và đường thì lượng đường trong máu vẫn sẽ tăng lên.
2. Ý thức kiểm soát nhiệt lượng tổng thể
Người bị bệnh tiểu đường cần hiểu giá trị ca-lo của các thực phẩm thường dùng để tính toán chính xác lượng ca-lo hấp thu qua thức ăn trong một ngày, qua đó kiểm soát chế độ ăn uống. Trên cơ sở này, hãy học cách phân phối bữa ăn hợp lý. Để tránh tình trạng gia tăng đột ngột lượng đường trong máu, có thể áp dụng phương pháp giảm lượng đồ ăn trong mỗi bữa ăn và ăn nhiều bữa mỗi ngày một cách hợp lý (ví dụ thường chỉ ăn khi thấy đói).
3. Không ăn kiêng quá độ
Trong kiểm soát bệnh tiểu đường, ăn kiêng quá độ cũng không tốt giống như ăn quá nhiều. Có người bệnh nghe nói phải ăn ít muối, kết quả ngày càng giảm lượng muối hấp thu hàng ngày cho đến khi hầu như không còn ăn muối, cuối cùng dẫn đến bị kali thấp và natri thấp, cơ thể mất cân bằng điện giải khiến bị mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến cơ tim.
Kiểm soát chế độ ăn uống phải phải thực hiện một cách khoa học, không thể ăn uống tùy tiện, nhưng càng không nên kiêng ăn quá độ.
4. Thận trọng với các sản phẩm sức khỏe hạ đường huyết
Trên thị trường phổ biến quảng cáo một số thực phẩm được “không có đường”, thu hút một số bệnh nhân tiểu đường mua dùng nhiều hơn. Nhưng nhiều bệnh nhân sau khi ăn các thực phẩm này thì lượng đường trong máu “không hạ được”, nhưng bệnh nhân không rõ nguyên nhân.
Chuyên gia bệnh tiểu đường cho rằng, thực phẩm nào cũng có nhiệt lượng, dù là đường đơn trị, đường trái cây, oligosaccharides, hoặc xylitol cũng đều có chứa đường, chẳng qua là cách thức hoặc quá trình trao đổi chất khác nhau mà thôi, không có bất kỳ sản phẩm bảo vệ sức khỏe nào có vai trò điều trị bệnh tiểu đường.
Từng có chuyện cho rằng bí ngô (bí đỏ) có thể làm giảm lượng đường trong máu khiến nhiều người bệnh mù quáng ăn quá nhiều bí ngô, hệ quả bị đường trong máu tăng cao. Sau khi có một số người đi nhờ bác sĩ tư vấn, bác sĩ thấy kỳ lạ vì bí ngô ăn có vị ngọt, vậy mà nhiều người lại không biết! Sao có thể tin nó có thể làm giảm lượng đường trong máu?
Bí ngô giàu chất carbohydrate, trung bình khoảng 5 gam/100gam, sau khi vào cơ thể nó sẽ chuyển thành đường glucose, không khác gì các loại thực phẩm và hoa quả khác. Chẳng qua do bí ngô chứa nhiều chất xơ (cellulose) nên lượng đường trong máu tăng chậm sau khi ăn mà thôi.
Thanh Xuân/trithucvn