Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Sinh ly - Tử biệt



Mấy hôm nay mưa miết làm Ông Tư buồn nẫu ruột. Ngồi trong sân, trông ra mảnh vườn có phần xơ xác vì thiếu vắng bàn tay của vợ. Âm thanh những giọt mưa tí tách rơi đều trên lá, khiến ông càng nhớ đến bà. Lúc còn bà bên cạnh có bao giờ ông nghĩ tới vắng bà sẽ như thế nào đâu nhỉ?.
 Vợ chồng già dù có lúc như con nít, cũng hờn giận, lục đục vì những chuyện không đâu. Có khi hai ba ngày không nói chuyện, nhưng ông lần nào cũng xuống nước làm lành cho yên, vì trong nhà giờ chỉ còn hai người, ra vô mặt nặng, mày nhăn, mệt lắm, ông không chịu nỗi. Rồi ông để ý thấy sau những lần giận nhau, tình chồng vợ có phần mới mẻ, có phần gắn bó hơn. Thế cũng vui.

Vậy mà giờ Ông và bà đã xa nhau hơn 3 tháng. Lúc này ông mới thấm thía nỗi đau của hai từ "sinh ly". Hơn hai chục năm trước Ông đã ở vào cảnh tử biệt, khi người vợ đầu đột ngột ra đi, để lại cho ông 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cái đau khổ lần đó khiến ông gần như ngã quị. Thương người vợ tào khang cùng ông vượt qua bao sóng gió, chịu khó chịu cực, cun cút làm ăn nuôi bầy con, chưa kịp hưởng một ngày hạnh phúc, chưa được nhìn con nên người thành đạt đã vội ra đi, bỏ ông một mình ở lại với gánh nặng oằn vai. 

 Ông cơ cực lắm, ông thương các con mất mẹ, nên bao nhiêu tình thương, tâm sức ông đều dồn hết cho các con. Ông không nghĩ tới việc đi thêm bước nữa. Cho tới khi phong trào họp mặt cựu học sinh nở rộ. Qua những lần họp mặt, những mối tình học trò, kỷ niệm trường lớp, khoảng đời thanh xuân ấy như mưa lũ kéo về, giúp cho trái tim ông dần ấm lại.

Thế rồi, ông có ý tiến tới với một người bạn gái. Tuy trạc tuổi ông, nhưng cô ấy còn nét nhí nhảnh đáng yêu lắm. Cái sức sống căng tràn của người đàn bà sành đời đã thu hút mắt nhìn của ông, mê hoặc ông từ lúc mới gặp lại. Nhưng hởi ôi! sau khi ông tiêu tốn không ít quà cáp, điện thoại long distance, thì cô em rút lui một mạch. Do phát giác ra ông không giàu có, thậm chí thuộc diện nghèo, đã vậy còn đèo bồng thêm 5 đứa con đang ăn học.. Ông thất vọng. Ông đau. Ông buồn..! 

Mà rồi trời cũng thương, trong cái rủi có cái may. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Ông gặp bà, một người đồng hương, một người bạn cũ và chưa bao giờ lập gia đình. Tuy bà không có vẻ ngoài nóng bỏng, nhưng bà như loại trầm hương, thoang thoảng đậm đà. Hai tâm hồn cô đơn tìm được sự đồng cảm, để rồi cứ như chuyện đùa, hai người về với nhau. Góp gạo nấu cơm chung. Đơn giản là thế.

Tuy gặp nhau muộn màng, nhưng cũng đã hơn hai mươi năm sống cùng, chia sớt vui buồn. Ông ngày càng yêu quí bà hơn. Yêu cái tính biết điều. Chịu thương, chịu khó. Nhiều lúc bà phải chịu đựng sự vô lý của các con ông, do chúng thương người mẹ đã mất, nên không hề dễ dãi với bà. Có khi ông cũng vờ binh con để chúng không bị tổn thương, dù ông biết, như thế người bị tổn thương sẽ là bà. Nghĩ lại ông áy náy vì đã để bà chịu thiệt. 

 Bà tự trọng lắm, không hề tơ hào tiền bạc hay bất cứ quyền lợi gì của các con ông. Đời đã nhiều truân chuyên, nên khi có tuổi bà chỉ cần một bến đậu. Bà cũng có phần tài sản của riêng mình. Dần dà các con ông hiểu và thương bà. 

Thời gian đi qua. Các con Ông đã trưởng thành, ra riêng. Giờ chỉ còn lại hai vợ chồng già. Tưởng được sống vui cuối đời thì bệnh tật sồng sộc kéo đến. Gần năm nay bà bịnh nặng. Ông cũng không khá gì, đi đứng không nổi. Không ai giúp được ai. Mà tội lắm, bà biết sức mình, biết hoàn cảnh mình, khi các em tỏ ý muốn đem bà về chăm sóc lúc cuối đời. Tuy có chút đắn đo nhưng bà chấp thuận. Bà nghĩ, ông thì dù sao cũng có các con chăm sóc. Còn bà, bà không con, chỉ nhờ ông mà giờ ông cũng không còn sức. Thế nên bà chấp nhận những ngày cuối đời về ở với các em. Bớt cho ông một gánh nặng.

Từ lúc đến cũng như lúc đi bà không muốn làm phiền ông. Dấu nổi buồn vào lòng, bà chia tay ông. Đôi ngã từ đây.


Ba tháng không có bà bên cạnh, mỗi ngày bên tô cơm lạnh ngắt, chăn mền cô quạnh, ông đã hiểu vị trí bà trong lòng ông. Người vợ nhẫn nại, bao dung, hy sinh cho cha con ông không một lời than trách. Lúc bà còn ở nhà, dù không nói chuyện nhiều, nhưng sự có mặt của nhau, miếng cơm ngon, manh áo sạch, nhắc nhở uống thuốc.. Nay thiếu vắng. Tối vào giường, sáng ngủ dậy, ông như lạc vào hành tinh nào?.

Ông nhớ bà. Nhớ quay quắt, lo âu, tự hỏi không biết hôm nay sức khỏe bà thế nào? cái tay, cái chân, có hành bà đau nhức thức trắng đêm?. Đứng lên, ngồi xuống có bị té xỉu như vẫn thường.? Sáng nay bà uống thuốc chưa?.. Con người là vậy, ít ai biết trân quí những gì mình có cho đến khi mất đi.
Giờ đây trong ông, những ngày cuối đời là một nỗi ân hận dày vò. Ông tự trách đã không đủ tốt, đã không biết ông yêu bà nhiều như thế nào, cũng không biết bà đã tốt như thế nào, hy sinh như thế nào?. và lúc này hai phương trời cách biệt, dù chỉ mấy giờ lái xe mà hai ông bà không thăm nhau được. Muốn gặp khuôn mặt xanh xao, nụ cười héo hắt của bà cũng thật khó. Người ta nói thà tử biệt còn hơn sinh ly, giờ ông mới thấy buồn thấm thía.

Ông quyết định rồi, dù ông cũng có chút ngượng vì thấy mình cải lương hay sến sẩm quá, nhưng ông không thể chần chờ được nữa. Lát đây, canh lúc bà ngủ dậy ông sẽ gọi điện thoại thăm bà. Ông sẽ trút hết ruột gan một lần trước khi quá muộn. Ông muốn khi bà nhắm mắt bà sẽ mỉm cười. Trái tim bà dù lúc đã ngừng đập cũng vẫn ấm áp, khi bà biết tình yêu ông dành cho bà sâu đậm dường nào?
Hôm nay, ông phải gom lại hết tình ý của mình, phải nói hết một lần: 
Bà ơi, tôi yêu bà.......

Quinhon11