Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Nằm ngay sau khi ăn, coi chừng 5 loại bệnh sau tìm đến

“Căng da bụng, chùng da mắt”, ăn xong liền muốn nằm nghỉ ngơi một chút đã trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nằm ngay sau bữa ăn rất không tốt cho sức khỏe. 

1. Tổn thương dạ dày
Nếu bạn nằm nghỉ ngơi ngay sau bữa ăn thì sẽ làm cho quá trình trao đổi chất cơ bản của cơ thể và nhu động của đường tiêu hóa giảm xuống rất nhiều. Như vậy, thức ăn được lưu lại trong đường tiêu hóa liền tăng lên, kéo theo đó là gánh nặng cho đường tiêu hóa, về lâu dài dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày.

2. Tổn thương phổi
Có một cơ vòng được nằm giữa dạ dày và thực quản, cơ này còn được gọi là tâm vị, nó đóng vai trò như một cái cửa, sau khi ăn xong tâm vị sẽ đóng kín lại để ngăn thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu tâm vị không được đóng kín, thức ăn trong dạ dày sẽ dễ trào ngược khi nằm. Đặc biệt ở người cao tuổi, cơ hoành ngực và bụng tương đối lỏng lẻo, sẽ dẫn đến tình trạng trào ngược.

Khi cơ thể chúng ta đang trong trạng thái nghỉ ngơi, các phản ứng thần kinh sẽ bị suy giảm, nhưng hoạt động sản xuất axit dạ dày lại tăng lên. Axit dạ dày bị trào ngược có thể xâm lấn  phổi, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Đối với người cao tuổi, xác suất này xảy ra tươngvào đối lớn, thậm chí nếu nghiêm trọng hơn còn có thể bị suy tim phổi.

3. Tổn thương gan
Nằm ngủ ngay sau bữa ăn sẽ khiến quá trình lưu thông máu ở khoang ngực và chi dưới chậm lại, các chất dinh dưỡng và oxy trong cơ thể không thể cung cấp kịp thời cho gan. Như đã biết, gan của con người cần bắt đầu chuyển hóa chất béo trong thức ăn sau bữa ăn. Nếu gan không thể hoạt động bình thường, không được cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy, sẽ tăng gánh nặng cho gan, dễ dẫn đến suy giảm chức năng và gây ra một số bệnh liên quan đến gan.

4. Béo phì
Đi nằm ngay khi vừa ăn no dẫn đến béo phì cũng là một điều dễ hiểu, bởi vì thói quen này ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của cơ thể. Nếu bạn nằm và ngủ thiếp đi thì lúc này lượng calo chứa trong thức ăn hấp thụ được sẽ trực tiếp chuyển hóa thành chất béo, khiến cơ thể bị tích mỡ.

5. Đột quỵ
Nằm ngủ ngay sau bữa ăn khiến hệ tiêu hóa phải làm việc cật lực hơn nên làm ảnh hưởng đến huyết áp, lượng cholesterol và lượng đường trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Chứng trào ngược axit do nằm ngay sau ăn cũng có liên quan đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ nên dễ gây ra đột quỵ.

Để có một sức khỏe tốt và một cơ thể khỏe mạnh, thì ngoài việc không nên nằm khi vừa ăn xong, bạn cũng cần tránh làm 5 việc sau đây:

1. Hút thuốc sau bữa ăn

Hút thuốc vốn đã không tốt cho sức khỏe, mà hút thuốc sau khi ăn lại càng nguy hiểm hơn.

Sau bữa ăn, máu trong cơ thể chủ yếu tập trung ở đường tiêu hóa, lúc này hút thuốc lá sẽ khiến cơ thể hấp thụ các chất độc hại trong thuốc lá và tốc độ đi vào máu sẽ được đẩy nhanh hơn. Khi những chất độc hại này được cơ thể hấp thụ với lượng lớn, đương nhiên sẽ mang đến những tổn hại cho sức khỏe của cơ thể.

2. Ăn trái cây
Ăn trái cây sau bữa ăn không hề có lợi cho sức khỏe như chúng ta vẫn nghĩ, mà nó sẽ dễ gây ra các bất thường về tiêu hóa như đầy hơi, về lâu dài sẽ dẫn đến rối loạn và làm hỏng chức năng tiêu hóa.

3. Uống trà
Uống trà ngay sau bữa ăn sẽ khiến chất tannin có trong trà kết hợp với protein trong thức ăn tạo thành một số chất lắng cặn khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng protein cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ bình thường của protein mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt. Do đó, những người thường uống trà sau bữa ăn sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

4. Đi tắm
Sau một bữa ăn no, hầu như toàn bộ lượng máu trong cơ thể chúng ta đều tập trung ở dạ dày để tiêu hóa. Nếu bạn tắm ngay lập tức, máu sẽ được phân phối đến các chi, dẫn đến lượng máu trong dạ dày không đủ, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ bình thường của cơ thể.

5. Tập thể dục mạnh mẽ
Sau bữa ăn, dạ dày đang ở trạng thái no, việc gắng sức vận động sẽ làm cho dạ dày rung động dữ dội và tạo điều kiện cho lượng máu đến các chi nhiều hơn, điều này khiến cho lượng máu trong dạ dày bị thiếu hụt. Do đó, chức năng tiêu hóa bình thường sẽ bị ảnh hưởng. Một số người bị bệnh dạ dày có thể làm bệnh nặng thêm, còn bản thân người không mắc bệnh cũng có nguy cơ mắc phải.


Trúc Nhi/ Vision Times/trithuc.vn