1. Ngủ không đủ giấc. Nhiều người gắng thức dậy sớm để tập thể dục, thiền hoặc
làm điều gì đó mà họ thích trước khi bắt đầu ngày làm việc. Nhưng thiếu ngủ sẽ dễ dàng làm cho hệ thống thần kinh bị quá tải, tim đập nhanh và đưa tới việc suy diễn mọi thứ đều quá bận rộn và căng thẳng. Nên nhớ rằng đồng hồ reo đánh thức đột ngột dễ gây ra căng thẳng. Nên thức dậy tự nhiên khi đã ngủ đủ giấc.
2. Không chuẩn bị vào đêm trước. Cách tốt nhất để tránh căng thẳng là chuẩn bị trước cho ngày mai như chọn sẵn quần áo hay thức ăn sáng. Cần tránh việc phải suy nghĩ và quyết định những việc nhỏ khi ngày mới bắt đầu. Điều này sẽ gây căng thẳng.
3. Đọc tin tức và vào mạng xã hội khi vừa mở mắt. Tràn ngập thông tin vào đầu ngày sẽ làm người ta ngộp và choáng. Người đã từng bị khủng hoảng sẽ càng khủng hoảng hơn khi thu nhận quá nhiều tin tức, trong đó đa số là những tin giật gân để câu người xem. Điều này sẽ gây căng thẳng và đưa đến một ngày đầy thất bại
4. Uống cà phê ngay khi mới thức dậy. Chất caffeine có trong cà phê sẽ làm gia tăng đột ngột chất cortisol và adrenaline trong máu. Đây là các chất gây ra tình trạng tâm thần căng thẳng, tim đập nhanh, và cảm thấy hồi hộp lo sợ. Nên uống cà phê khoảng 2-3 tiếng sau khi thức dậy.
5. Không tìm giải trí vào buổi sáng. Các thói quen buổi sáng không chỉ gồm những việc cần chăm chỉ và vất vả. Nên nghe vài bản nhạc hay, ưa thích, hay đọc một hay hai trang sách có tính gây hứng khởi vào buổi sáng để tạo động lực. Cách tốt nhất để tạo ra một ngày dễ chịu là làm điều gì đó mà mình thích và mong đợi vào buổi sáng như đi bộ, tập thể dục, thiền, đi dạo, tưới cây cảnh…hoặc nghĩ tới người mà mình yêu thương, mang ơn.
6. Không ăn sáng. Đừng nên nhịn ăn sáng, cho dù là thỉnh thoảng, nhằm mục đích giảm cân. Không ăn khi thấy đói, hoặc không ngưng ăn khi đã no đều có thể đưa tới tình trạng căng thẳng. Ngoài ra nên tránh ăn bữa ăn sáng làm sẵn vì những thứ này thiếu dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin vì vậy sẽ làm đầu óc mù mờ vào buổi sáng
Bảo Sơn - baotreonline