Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Gặp đường cùng chớ bi quan lùi bước

Trong văn hóa Trung Hoa xưa, thành ngữ: “Liễu ám hoa minh” thông thường có ngụ ý rằng: Khi trước mắt nhìn thấy tình huống không còn đường tiến nữa, thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hy vọng mới tốt đẹp hơn, cũng tựa như trong hoàn cảnh khốn khó mà tìm thấy được lối thoát thênh thang phía trước vậy…

Điển cố kể lại rằng, câu thành ngữ trên có liên quan đến bài thơ Đường: “Du Sơn Tây” thôn của tác giả Lục Du – một thi nhân nổi tiếng thời Nam Tống.

Lục Du (chữ Hán: 陸游, 1125-1210), sinh thời cũng là một nhân sĩ yêu nước. Ông từng giữ chức quan dưới triều Nam Tống, có chủ trương kiên quyết kháng Kim, nhưng lại không được triều đình chấp thuận. Trái lại, ông còn bị triều đình tước mất chức quan. Bất đắc chí, Lục Du trở về cố hương tại vùng Sơn Âm (nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), chỉ ngồi đọc sách qua ngày và vui thú với việc du sơn ngoạn thủy.

Một ngày kia Lục Du đi chơi xa, vượt qua con đường có non có nước, đi được hơn ba canh giờ thì thấy nhà cửa ngày càng thưa thớt. Khi ông leo lên một sườn núi dốc phóng tầm mắt nhìn ra xa thì chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa vậy. Lúc này trời đã xế chiều, nhưng Lục Du vốn tính cương nghị, lại ham du ngoạn nên nhất quyết không muốn quay đầu.

Khi ông leo lên một sườn núi dốc phóng tầm mắt nhìn ra xa thì chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa vậy.

Thi nhân bèn cứ men theo sườn núi mà đi về phía trước, được vài trăm bước, rẽ qua một góc núi khuất thì đột nhiên Lục Du phát hiện mở ra trước tầm mắt một thung lũng xinh tươi, trù phú vô ngần. Nằm chính giữa thung lũng có một thôn trang nhỏ, ở nơi ấy: hoa đỏ liễu xanh, cảnh sắc tươi đẹp thanh bình, hệt như cõi bồng lai tiên cảnh trong truyền thuyết vậy.

Trở về nhà, Lục Du có ấn tượng sâu sắc với chuyến đi tản bộ xa này, mới nhân cao hứng đó mà sáng tác một bài thơ theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật: Du Sơn Tây thôn, trong đó có hai câu:

“Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”.

(Tạm dịch nghĩa: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng). Ý tứ văn cảnh này là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt lại phát hiện thấy trong bóng râm của rặng liễu xanh mát có khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu và còn có một thôn trang thanh bình, yên ả.

Đây là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình, ý tại ngôn ngoại, ẩn chứa nội hàm và triết lý vô cùng sâu sắc, được nhiều người yêu thích và truyền tụng hàng ngàn năm qua. Đồng thời hình ảnh thơ: “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” cũng đã đi vào kho tàng điển cố, thành ngữ của văn hóa Trung Hoa và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Trước khi tìm hiểu riêng về ý nghĩa của câu thơ trên, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu khái quát nội dung của toàn thi phẩm:

Phiên âm:

Du Sơn Tây Thôn

Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,
Phong niên lưu khách túc kê đồn.
Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận,
Y quan giản phác cổ phong tồn.
Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt,
Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.

Dịch thơ:

Chơi thôn Sơn Tây

Chớ chê rượu đục của nhà nông,
Mùa được, lợn gà đãi khách mừng.
Trùng điệp núi sông ngờ hết lối,
Âm u hoa liễu lại một thôn.
Trống tiêu giục giã xuân vui tới,
Trang phục đơn sơ tục cũ còn.
Nếu được vui nhàn như bóng nguyệt,
Đương đêm chống gậy tới đầu thôn.

Bài thơ không chỉ nói lên cái chí khí của bậc tao nhân mặc khách “lánh đục tìm trong” mà còn thể hiện tâm hồn nhân hậu thuần phác của một con người rất trí huệ, biết trọng cái đẹp, cái thiện, trọng người và trọng đời:

“Chớ chê rượu đục của nhà nông
Mùa được lợn gà đãi khách mừng”

“Chớ chê” thì có nghĩa là phải khen rồi! Thi nhân khen “rượu đục” của nhà nông bởi ông không những cảm nhận được vị ngon của cái thứ rượu đế dân dã “chạp xoàng” ấy, mà còn cảm được tấm lòng hiếu khách, nồng hậu chân chất của những người dân thôn trang quê mùa bình dị: “Mùa được, lợn gà đãi khách mừng”.

Vẫn là đón khách bằng những thứ cây nhà lá vườn đó thôi, không dùng, mà cũng không có cao lương mỹ vị, nhưng chính cái cung cách tiếp đãi giản đơn, thuần phác đó lại vô cùng phù hợp với một con người đã từng: “Lúc trẻ đeo gươm khắp bốn trời; Già về xóm học tưới vườn chơi!” như Lục Du.

Tầm cao trí huệ của vị thi sĩ danh nhân nức tiếng thời Nam Tống này còn được thể hiện ở cốt cách tìm về cội nguồn, tìm về những giá trị văn hóa truyền thống thuần chân thuần thiện, được bảo tồn và thăng hoa qua những nét đẹp, phong tục tập quán trong dân gian – mà ông biết đó mới thực sự là thuần phong mỹ tục:

“Trống tiêu giục giã xuân vui tới
Trang phục đơn sơ tục cũ còn”…

Còn lễ hội dân gian, còn tiếng trống, tiếng tiêu rộn rã của ngày xuân, còn những trang phục đơn sơ mà vẫn giữ được nét thuần hậu thánh khiết, không bị lối sống bon chen, chộp giật đội lốt phồn hoa làm cho ô tạp… thì “tục cũ còn”. “Cũ” mà không hề lạc hậu, “cũ” mà hơn người, hơn đời thì đó mới chính là biểu hiện của tinh hoa văn hóa truyền thống vậy.

Chẳng phải người xưa vẫn nói: “Ôn cố tri tân” đó sao, không có cái cũ làm nền thì làm sao mà có cái mới cho được. Nhưng con người ta xưa nay đã quen: “Có mới nới cũ” mất rồi! Bởi thế cho nên cái “mới” kia mới không có nền, mới chông chênh, kỳ dị lắm! Hay nói cách khác đó chính là cái “mới” thụt lùi, lạc hậu vậy. Phải chăng ngay trong bối cảnh lịch sử xã hội thuở xa xưa đó, Lục Du đã sớm nhìn nhận ra điều này. Và với một người có tầm nhìn siêu xuất, khoáng đạt như thi nhân thì cáo quan quy ẩn không phải là bởi vì bất đắc chí mà phải lánh người, lánh đời… mà chính là thoát xa chốn đua tranh, ồn ã, dung tục để trở về với lối sống thanh tao an nhàn, sống nơi cõi tục mà thoát tục: 

“Nếu được vui nhàn như bóng nguyệt,
Đương đêm chống gậy đến đầu thôn”…

Đây cũng chính là cách “lui về” mà lại đang thăng hoa siêu xuất vậy. Bởi ông đã quá hiểu cái lẽ được – mất, dại – khôn ở đời rồi! Và đó phải chăng cũng là cách nghĩ, cách nhìn, cách sống ‘nhàn’ thanh thoát, hơn người của những bậc cao nhân hiền triết thông kim bác cổ xưa nay. Chẳng phải danh nhân kiệt xuất trời Nam – Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh thời cũng đã từng viết: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn người đến chốn lao xao” đó sao?

Quay trở lại với hai câu thơ: “Sơn cùng thủy phúc nghi vô lộ; Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” đã đi vào điển cố. Phải chăng Lục Du muốn nhắn gửi tới hậu nhân một thông điệp chân, thiện mà ẩn chứa nhiều nội hàm sâu xa: Khi bạn gặp những chuyện không vui, không như ý, không toại nguyện, thậm chí là rơi vào hoàn cảnh tưởng như bần cùng, vô vọng, không lối thoát thì cũng chớ bi quan, nản lòng lùi bước bởi lẽ thường ‘vật cực tất phản’, ‘qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai’… vậy thì hãy cứ xuất tâm, xuất niệm mà làm tiếp, bước tiếp, tiến tiếp về phía trước xem sao. Khi đó không chừng phía trước mắt bạn sẽ mở ra một con đường mới, một lối thoát mới, một tầm cao mới thênh thang hy vọng và ngập tràn ánh sáng hạnh phúc. Và khi đó bạn sẽ mỉm cười mà phát hiện ra rằng: Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”… 

Theo Đường Tân (dkn.tv)/trithuc&doisong