Ngoài khoảng thời gian cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục từ giấc ngủ vào ban đêm thì một giấc ngủ trưa ngắn vào thời điểm thích hợp cũng rất có lợi cho sức khỏe
Những lợi ích mà bạn nhận được thông qua giấc ngủ trưa
Một số nghiên cứu cho thấy, việc chợp mắt vào buổi trưa có thể mang lại hiệu quả như một giấc ngủ đêm trong việc nâng cao nhận thức và giác quan, giúp tăng năng suất và hiệu suất trong ngày
Một kết quả nghiên cứu khác do Đại học Pennsylvania (Mỹ) và Trung Quốc đồng thực hiện cho thấy, những người lớn tuổi ngủ một giấc ngủ trưa vừa phải sau bữa ăn trưa, có nhận thức tốt hơn so với những người không hề ngủ trưa.
Ngoài ra, nghiên cứu từ Đại học Binghamton (Mỹ) cũng cho biết, những người ngủ không đủ giấc vào ban đêm, nếu không ngủ trưa, thường có nhiều suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Vì vậy, ngủ trưa cũng làm giảm mức độ căng thẳng hay lo lắng.
Giấc ngủ trưa còn giúp cơ thể chúng ta tăng cường hệ thống miễn dịch. Bác sĩ nội khoa Natasha Fuksina cho biết:
“Thiếu ngủ làm tăng thêm sự giải phóng các dấu hiệu chống viêm và gây suy giảm miễn dịch. Để đối phó với điều này, một giấc ngủ ngắn trong ngày--có thể vào buổi trưa--, sẽ cải thiện hệ thống miễn dịch và chức năng tế bào”.
Giấc ngủ ngắn giúp giảm mức độ cytokine gây viêm và norepinephrine, một chất hóa học giúp kiểm soát khả năng miễn dịch.
Trong các nghiên cứu y học, ngủ trưa khoảng 60 phút mỗi ngày có thể giảm 30% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch vành.
Những điều cần tránh và việc nên làm để có giấc ngủ trưa hợp lý và chất lượng
Một ngày có 12 canh giờ, Đông y cho rằng mỗi một canh giờ sẽ tương ứng với hoạt động của những phủ tạng khác nhau.
Do đó theo phương pháp 12 giờ dường sinh trong Đông y thì khoảng thời gian từ 11~13 giờ chính là thời gian tâm kinh vượng nhất, thích hợp để nghỉ trưa dưỡng tâm. Nếu chúng ta ngủ trưa trong khoảng thời gian này thì hiệu quả sẽ có thể gấp 6 lần những giờ khác. Không cần ngủ quá lâu, bạn chỉ cần ngủ 10-20 phút là đủ.
Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngắn trong 10-20 phút thực sự mang lại hiệu quả. Quá trình này sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, từ đó giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung và năng suất làm việc.
Trên thực tế tùy theo hoàn cảnh sống và điều kiện học tập, làm việc, thời gian tốt nhất để chợp mắt đối với hầu hết mọi người là sau bữa trưa, trung bình là từ khoảng 12 giờ 30 đến khoảng 2 giờ chiều. Trong khoảng thời gian này, bạn có nhiều khả năng cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi hơn.
Nguyên nhân là do nhịp sinh học đóng vai trò quan trọng trong giờ ngủ trưa lý tưởng. Trong hành vi ngủ của con người, có hai thời điểm cao điểm trong khoảng thời gian 24 giờ mà bạn có nhiều khả năng đi vào giấc ngủ nhất.
Thời gian cao điểm đầu tiên thường là vào ban đêm khi bạn ngủ sâu nhất. Thời gian cao điểm thứ hai là khoảng 12 giờ sau đó.
Do nhịp điệu ngủ tự nhiên theo đồng hồ sinh học, mọi người sẽ cảm thấy mệt mỏi trong khung giờ sau bữa trưa. Nhịp điệu ngủ – thức của bạn sẽ quyết định giờ ngủ trưa của bạn.
Nhưng chúng ta cũng không nên ngủ trưa muộn, đặc biệt là vào khoảng thời gian sau 3 giờ chiều. Điều này dễ làm rối loạn đồng hồ sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn vào ban đêm và dẫn đến tình trạng lười vận động cũng như làm việc kém hiệu quả sau đó.
Ngủ trưa là cần thiết và thực sự tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng dành nhiều thời gian cho việc này và cũng cần tránh một số điều sau để không gây tổn hại cho
Thứ nhất là tránh đi ngủ ngay sau khi ăn no.
Thức ăn sau khi đi vào cơ thể cần được tiêu hóa và hấp thụ nên phần lớn lượng máu trong cơ thể lúc này cần dồn về dạ dày, làm giảm lượng máu cung cấp lên não. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến không nhỏ đối với những người trung niên và cao tuổi, người mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não như cao huyết áp, mạch vành thì càng nguy hiểm hơn.
Do đó, sau khi ăn xong chúng ta không nên đi ngủ ngay mà hãy nghỉ ngơi khoảng 20~30 phút. Điều này cũng tốt cho tất cả các lứa tuổi khác.
Thứ hai là thời gian ngủ quá dài.
Nếu như giấc ngủ trưa vượt quá 60 phút, thần kinh não sẽ rơi vào trạng thái ức chế, làm giảm lượng máu lên não, quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng chậm lại. Đó là nguyên nhân khiến khi ngủ dậy sẽ bị chóng mặt, nhức đầu và các cảm giác khó chịu, cả người mệt mỏi hơn thay vì trạng thái tinh thần phấn chấn mà giấc ngủ trưa ngắn mang lại.
Thứ ba là tư thế ngủ không thoải mái.
Khi ngủ bạn nằm gục trên bàn làm việc hay dựa và ghế sofa để chợp mắt làm tăng gánh nặng cho cột sống cổ và tăng khả năng bị thoái hóa đốt sống này. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu não, tăng hiện tượng chóng mặt, đau đầu và các cảm giác khó chịu khác. Điều này đều không có lợi cho sức khỏe. Ngủ gục trên bàn về lâu dài không tốt cho cơ thể của bạn. Ảnh: Tinnuocuc
Nếu tại nơi làm việc hay trường học không thể có chỗ nằm ngủ trưa, bạn hãy ngủ ở tư thế ngồi dựa lưng vào ghế, nâng cao chân, kê gối chữ U ở cổ; hoặc đặt một chiếc khăn mỏng ở sau đầu làm điểm tựa.
Nếu bạn nằm sấp khi ngủ không chỉ chèn ép nhãn cầu, tăng cảm giác khó chịu cho mắt mà còn chèn ép lồng ngực, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, đè lên tay sẽ bị tê tay.
Trước khi ngủ ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ.
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn dầu mỡ sẽ khiến máu bị đặc, độ nhớt của máu tăng cao có thể xảy ra một số tai biến về tim mạch và mạch máu não trong thời gian ngủ trưa. Để làm giảm tình trạng này, bạn cần uống một cốc nước đun sôi sau giờ ngủ trưa để làm loãng máu và thúc đẩy quá trình lưu thông máu, bảo vệ sức khỏe.
Một giấc ngủ trưa hợp lý sẽ rất có lợi cho sức khỏe, chúng ta hãy duy trì những thói quen tốt để mỗi ngày cơ thể đều mạnh khỏe và sảng khoái.
Thiện An biên tập