Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Làm Sao Để Nghỉ Ngơi?


Làm sao để nghỉ ngơi? Câu hỏi thoạt nghe qua có vẻ ngớ ngẩn, nhưng, thật sự làm sao nghỉ ngơi cho đúng là một điều đáng suy nghĩ.

Một cách chung chung, nghỉ ngơi thì cũng như hít thở không khí, hay như ăn uống, là những chuyện chúng ta làm hằng ngày. Nghỉ ngơi không cần phải nghĩ ngợi lung tung, lẩn thẩn và lẩm cẩm.

Tuy nhiên, khi nói đến stress, có rất nhiều người, hai chữ nghỉ ngơi không phải là một phần của cuộc sống, hay nói đúng ra, không bao giờ thật sự được nghỉ ngơi. Rất nhiều người trong chúng ta, cuộc sống là cả một sự phấn đấu không bao giờ ngừng lại. Bởi lẽ, chúng ta tin rằng, ngừng lại là bỏ cuộc, là lười biếng. Để rồi rất nhiều người, phút cuối khi sắp được nghơi nghỉ trong cõi vĩnh hằng lại nuối tiếc, cả đời không biết nghỉ là gì.

Nhiều người không để dành thì giờ để nghỉ vì họ muốn mọi việc đều như ý muốn, họ sợ thất bại. Dường như, mọi người không ít thì nhiều, đều như thế cả. Chúng ta sợ nếu ngưng nghỉ thì cuộc sống sẽ xáo trộn, không thể kiểm soát được.

Một lý do khác, chúng ta sợ ngừng nghĩ sẽ đưa đến những vấn đề khác như buồn chán, và từ buồn chán đưa đến sự cô đơn, quẩn trí, và, chưa nói đến chuyện “nhàn cư vi bất thiện”, “rảnh rỗi sanh nông nổi.”

Một số không ít sợ nghỉ ngơi sẽ làm chậm bước tiến của công việc, viện cớ, sau khi nghỉ sẽ phải làm bù nhiều hơn, thôi thà đừng nghỉ.

Số người còn lại cho rằng ngồi xem ti vi, lên phây hay ngồi “vuốt điện thoại” cũng là nghỉ vậy. Thật ra ngồi xem ti vi hay chơi với điện thoại cũng mệt mắt, mệt trí não. Còn lên phây thì vô tình lo chuyện người ngoài, so sánh người với ta, rồi đâm ra tự ti, ganh tị hay giận hờn vô cớ. Thêm mệt.

Thế thì khi đi ngủ thì sao? Có nhiều người giấc ngủ cũng chẳng bình an nếu trong khi thức, tinh thần đã không được an bình bao nhiêu. Nếu trong khi thức chúng ta luôn luôn bị stress thì khi ngủ, hormone stress cortisol vẫn tiếp tục tiết ra, khiến cho giấc ngủ không sâu, không ngon giấc.

Làm thế nào mới thực sự nghỉ ngơi?

Để gọi là nghỉ ngơi, cả tinh thần, trí óc , lẫn cơ thể phải được nghỉ. Ở trạng thái nghỉ, ta phải chú trọng đến tình trạng an bình của nội tâm, ta phải tạo cho chính mình một khoảng lặng bên trong.

Cụ thể, một số điều cần phải suy gẫm, nghĩ ngợi đôi chút:

1.Thử tìm hiểu lý do sâu xa, bên dưới của bề mặt: Tại sao ta không chịu an nghỉ, có cái gì đó thúc đẩy ta luôn luôn bận rộn? Có phải vì ta sợ thất bại? Có phải vì ta sợ sự khen chê của người khác? Hay ta sợ cùng đường không lối thoát? Hiểu được cội nguồn của những cảm nghĩ sâu xa này sẽ giúp chúng ta giảm bớt áp lực để dễ dàng an nghỉ hơn.

2.Thử đặt lại trọng tâm, hay thay đổi sự tự phán xét của chính mình về thành công và thất bại. Thế nào là thất bại? Bao nhiêu mới đủ gọi là thành công? Nhiều người gắn liền sự thành công với tiền của, với công danh. Vì sợ mất, nên không dám nghỉ. Trái lại, phải suy nghĩ như thế này, không có sự thất bại, và cũng chẳng có sự thành công, có chăng là sự trưởng thành, gặt hái được kinh nhiệm. Nếu chuyện không đạt được ngày hôm nay, không có nghĩa là thất bại, chưa chứ không phải là không, và ta sẽ đạt được ngày mai, ngày mốt. Mà dẫu, không bao giờ đạt được thì thật ra cũng chả mất mát gì. Khi mà con người không còn lệ thuộc vào sự sở hữu vật chất, không còn sợ mất mát, thì tinh thần sẽ bình an.

3.Tập chấp nhận chuyện xảy ra với mình. Phải chấp nhận sự giới hạn của chính mình, là một con người bình thường, ta không thể lo toan thành công mọi sự việc. Chấp nhận đây không phải là chịu thua. Chỉ có nghĩa, chuyện xảy ra như thế, “thế thời phải thế”. Và, chỉ có thế thôi!

4.Hiểu được tầm quan trọng và tác hại của stress. Hầu như ai ai cũng có stress. Vấn để giải quyết stress bao gồm cả chuyện biết nghỉ ngơi. Biết nghỉ sẽ giúp ta đối đầu với mọi vấn đề mọi tình huống.

5.Tập trung đến chính mình. Tự hỏi chính mình thực sự an bình hay không? Đang thực sự sống hay đang xoay tròn như con vụ? Giải pháp có khi rất đơn giản, dành một vài phút để thở và lắng nghe nhịp thở, nhịp tim của mình để biết là mình đang sống.

6.Để ý đến mọi vật chung quanh. Hãy để dành năm phút, để nhìn màu sắc, để nghe âm thanh chung quanh mình, để cảm nhận ánh nắng chiếu trên làn da, để biết bàn chân đang chạm đất. Để sống trong hiện tại.

 

Vì sợ cuộc đời ngắn ngủi, ai cũng tất bật lo làm, sợ hết mất thời gian hiện hữu trên thế gian này. Tuy nhiên, chính những giây phút nghỉ ngơi từ tinh thần đến thể xác lại làm cho cuộc sống dài thêm ra, không những đơn thuần cảm nhận mà cả thực tế, biết nghỉ ngơi, giảm stress, sẽ tăng tuổi thọ trung bình.

Xin nhắc lại, nghỉ ở đây không phải là tiêu thì giờ trên phây, hay trên phone với những app iếc mạng lưới xã hội. Nghỉ là nghỉ, đơn giản có thế.

Biết “nhàn cư vi” đúng chỗ đúng lúc, thì “rất thiện.”

BS. Hồ Ngọc Minh/nguoiphuongnam