Giống như mọi loại virus khác, virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 liên tục đột biến và tạo ra các biến chủng mới, thách thức nỗ lực phòng dịch của con người. Một số biến chủng không đáng lo ngại. Tuy vậy, nhiều biến chủng có khả năng lây lan mạnh hơn, có sức kháng cự tốt hơn với vaccine và có thể gây bệnh nặng hơn cho con người.
Theo website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 8 biến chủng được phân vào nhóm "đáng lo ngại" hoặc "cần được chú ý", và đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta, Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Biến chủng Delta
Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Đây là loại biến chủng chịu trách nhiệm chính cho làn sóng dịch mới mà nhiều quốc gia phải đối mặt.
WHO phân loại chủng virus này là “đáng lo ngại”. Biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh hơn và dễ dàng tấn công ngay cả ở nhóm người đã được tiêm vaccine, cũng như khiến bệnh tình của nạn nhân dễ chuyển biến nặng.
Theo giáo sư Shane Cotty tại Viện Miễn dịch học La Jolla, San Diego, Mỹ mối nguy lớn nhất đến từ khả năng truyền nhiễm của biến chủng Delta. Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện người mắc biến chủng này có mật độ virus trong mũi cao gấp 1.260 lần so với người mắc chủng virus ban đầu.
Một số nghiên cứu thậm chí nhận định tải lượng virus ở người mắc biến chủng Delta là như nhau ở nhóm người đã và chưa được tiêm vaccine.
Trong khi chủng virus gốc khiến người bệnh phát sinh triệu chứng sau 7 ngày, biến chủng Delta có thể đẩy nhanh quá trình này 2 hoặc 3 ngày, khiến hệ miễn dịch của con người có ít thời gian hơn để phòng vệ.
Bên cạnh đó, biến chủng Delta dường như đang tiếp tục đột biến. Một số quốc gia ghi nhận các ca mắc thuộc biến chủng Delta Plus, trong đó Ấn Độ phân loại đây là “biến chủng đáng quan ngại”. Các chuyên gia chưa rõ biến chủng này có nguy hiểm hơn cho con người hay không.
Biến chủng Lambda
Trong những ngày gần đây, truyền thông thế giới hướng sự chú ý sang một biến chủng khác: Lambda. Biến chủng này nổi lên ở hàng chục quốc gia và đem lại những thách thức mới cho nỗ lực chống dịch toàn cầu.
Biến chủng Alpha
Được phát hiện lần đầu tại Anh tháng 9/2020, Alpha (B.1.1.7) là biến chủng đầu tiên được các nhà khoa học thế giới nghiên cứu rộng rãi.
Một cuộc điều tra của cơ quan y tế Anh cho thấy bệnh nhân đầu tiêm mắc biến chủng này được ghi nhận hôm 20/9/2020. Tính đến tháng 11/2020, biến chủng Alpha xuất hiện ở 20-30% số ca bệnh tại London.
Biến chủng Alpha là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch tại Anh và nhiều quốc gia châu Âu đầu năm 2021. Chủng virus này có khả năng lây nhiễm lớn hơn, gây tải lượng virus cao hơn ở người mắc bệnh. Các nhà khoa học Anh nhận định khả năng lây nhiễm của biến chủng Alpha cao hơn 70% so với chủng virus gốc.
Biến chủng Beta
Biến chủng Beta được công bố lần đầu tại Nam Phi tháng 12/2020. Tuy vậy, theo WHO, biến thể này có thể đã xuất hiện từ tháng 5/2020. Trong gia đoạn cuối năm 2020, chủng virus này chiếm đến 80-90% số ca mắc Covid-19 tại Nam Phi, biến đây trở thành một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh.
Biến chủng Beta mang đột biến N501Y giúp virus có khả năng lây nhiễm lớn hơn và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, đột biến E484K trong chủng virus này giúp nó có sức kháng cự tốt hơn với hệ miễn dịch của con người.
Bên cạnh đó, biến chủng Beta còn đặt ra thách thức đối với vaccine. Hồi tháng 2, Nam Phi phải tạm dừng kế hoạch triển khai tiêm vaccine AstraZeneca khi dữ liệu cho thấy loại vaccine này ít có khả năng bảo vệ hơn đối với biến chủng mới.
Kết quả thử nghiệm trên các loại vaccine khác như Pfizer/BioNTech hay Johnson & Johnson cũng ghi nhận hiệu quả thấp hơn trên biến chủng Beta so với chủng virus gốc.
Biến chủng Gamma
Biến chủng Gamma (P.1) được phát hiện lần đầu ở Brazil tháng 11/2020. Các nghiên cứu cho thấy chủng virus này bùng phát từ thành phố Manaus, bang Amazonas. Tính đến tháng 1, chủng virus này chiếm đến 73% số ca mắc mới trong thành phố.
Biến chủng Gamma được coi là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch tại Nam Mỹ giữa năm nay, khiến nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ mắc mới và tử vong chưa từng có. Thậm chí có thời điểm tỷ lệ tử vong tại các quốc gia Nam Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới.
Giống như các dạng đột biến khác, chủng virus Gamma có khả năng lây lan mạnh hơn chủng virus gốc, cũng như khiến vaccine kém hiệu quả hơn. Hiện biến chủng này đã lây lan ra gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tương lai cho nhân loại
Bên cạnh 5 loại biến chủng trên đây, WHO còn đặt tên bằng bảng chữ cái Hy Lạp cho 3 loại biến chủng khác: Eta (phát hiện tại nhiều quốc gia từ tháng 12/2020), Iota (phát hiện lần đầu tại Mỹ tháng 11/2020) và Kappa (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ tháng 10/2020).
Bên cạnh đó, một số biến chủng vẫn đang được theo dõi, nghiên cứu. Trong số này có biến thể B.1.621 được phát hiện lần đầu tại Colombia hay biến thế P.3 (từng được gọi là biến chủng Theta) được phát hiện lần đầu tại Philippines.
Chuyên gia dịch tễ học người Mỹ Anthony Fauci cảnh báo số lượng lớn người chưa được tiêm vaccine có thể khiến virus có thêm cơ hội lây lan và tiếp tục tạo ra đột biến.
Theo tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia về vaccine tại Mayo Clinic, vấn đề lớn nhất là các loại vaccine hiện nay chỉ có thể ngăn bệnh trở nặng mà không thể ngăn hoàn toàn lây nhiễm. Virus vẫn có thể sinh sôi trong mũi những người được tiêm ngừa, và lây lan qua đường giọt bắn.
Do đó, ông Poland nhận định nhân loại cần loại vaccine có thể ngăn hoàn toàn lây nhiễm.“Trước thời điểm đó, thế giới vẫn còn trong nguy cơ bị tấn công bởi các biến chủng virus mới”, ông khẳng định
Viet Ha/Zing