Bệnh suy tim ở người già gây tử vong đến 85% ở những người trên 65 tuổi, nhưng vẫn có người sống được trên 80 tuổi bởi họ tìm được phương pháp điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây là những hướng dẫn của các chuyên gia giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện sức khỏe cho những người suy tim khi đã cao tuổi.
Khi người già bị suy tim, sức khỏe chính là điều ước duy nhất của họ
Suy tim là tình trạng khả năng co bóp của cơ tim bị suy yếu mãn tính, không đảm bảo bơm đủ máu cần thiết đi nuôi cơ thể làm ảnh hưởng tới chất lượng sống. Đây thường là hậu quả cuối cùng của các bệnh tim mạch nên việc chữa trị ngoài điều trị triệu chứng, cũng cần chữa trị từ nguyên nhân.
Ở người già nguyên nhân chủ yếu gây bệnh suy tim là gì?
Người già bị suy tim 60% là do sự phát triển của các bệnh lý khác. Chủ yếu là do các bệnh tim mạch như tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị, các bệnh về tim tiến triển như thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh không phẫu thuật, rối loạn nhịp tim kéo dài, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim…
Bên cạnh đó, một số bệnh ngoài tim cũng là nguyên nhân gây suy tim như suy thận mạn; tắc nghẽn phế quản, cường giáp; một số bệnh mạch máu (chủ yếu là động mạch).
Triệu chứng suy tim ở người cao tuổi như thế nào?
Dấu hiệu bệnh suy tim ở người già và người trẻ là tương tự nhau, nhưng tuổi càng cao lại càng khó phát hiện. Bởi triệu chứng bệnh suy tim ở người cao tuổi thường bị nhầm lẫn với các dấu hiệu lão hóa thông thường như khó thở, hay nhầm lẫn, trầm cảm lo âu, mệt mỏi, sụt cân, tiểu đêm thường xuyên, phù… Vì lẽ đó, có tới một nửa bệnh nhân bị suy tim lớn tuổi không được chẩn đoán và điều trị, dẫn tới mất đi cơ hội sống thọ.
Dưới đây là một số triệu chứng suy tim ở người cao tuổi thường gặp:
- Mệt mỏi bất thường kèm theo khó thở khi gắng sức và khi nằm. Người bệnh thường xuyên khó thở vào ban đêm, phải ngồi dậy để thở.
- Ho khan, ho từng cơn, từng tràng, ho nhiều hơn khi nằm hoặc khi gắng sức
- Có dấu hiệu tích nước ở chân gây phù bàn chân, mắt cá chân… Dấu hiệu này rõ rệt nhất vào buổi chiều và giảm nhẹ khi buổi sáng.
- Tiểu đêm nhiều, lượng nước tiểu nhiều. Đây được coi là một trong những dấu hiệu suy tim ở người già sau khi đã loại trừ do các nguyên nhân khác như suy thận, mất ngủ, viêm tuyến tiền liệt....
Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?
Suy tim ở người già nguy hiểm bởi lúc này sức khỏe của người bệnh đã yếu và thường mắc kèm rất nhiều bệnh lý nền. Do đó, mà việc điều trị suy tim trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra ở người già, các cơ quan trong cơ thể hoạt động không còn được tốt. Điều này khiến họ dễ phát triển các biến chứng suy tim hơn như nhồi máu cơ tim, suy thận, đột quỵ, tổn thương gan, phù phổi cấp… Đáng sợ rằng chính những rủi ro này đều có thể lấy đi tính mạng của người bệnh một cách nhanh chóng.
Người già bị suy tim sống được bao lâu?
Thời gian sống của người bệnh suy tim cao tuổi phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tuổi thọ cũng như mức độ tuân thủ điều trị. Vì vậy rất khó xác định chính xác bệnh suy tim sống được bao lâu. Nhưng nếu áp dụng tốt những phương án điều trị dưới đây, người bệnh vẫn có thể kéo dài tuổi thọ lên đến 20 năm. Đó là lý do vì sao có những người bị suy tim độ 3 cao tuổi vẫn có thể sống trên 80 tuổi.
Người cao tuổi bị suy tim vẫn có thể sống lâu nếu điều trị tốt
Giải pháp giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh suy tim
Cơ thể người già giống như cỗ máy đã han gỉ, việc trì hoãn sự tiến triển của bệnh suy tim đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp mới có thể mang lại hiệu quả tốt. Chiến lược điều trị suy tim ở người cao tuổi bao gồm việc sử dụng thuốc, thảo dược tự nhiên, thay đổi lối sống và phẫu thuật khi cần thiết.
Điều trị bệnh suy tim bằng thuốc
Việc kiểm soát bệnh suy tim của người già chủ yếu sử dụng các loại thuốc gồm:
- Thuốc lợi tiểu quai. Mặc dù nguy cơ gặp tác dụng phụ do thuốc lợi tiểu cao nhưng nếu so sánh với lợi ích mà thuốc mang lại thì vẫn nên sử dụng. Một số tác dụng không mong muốn của thuốc lợi tiểu người bệnh nên lưu ý là đi tiểu không kiểm soát, bí tiểu, hạ natri máu, tăng kali máu…
- Thuốc ức chế men chuyển, chủ yếu dùng captopriI, sau đó đến Iosartan.
- Thuốc trợ tim cho người suy tim nặng nhưng phải thận trọng và theo dõi cẩn thận.
Trong quá trình sử dụng thuốc, gia đình và bản thân người bệnh nên theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể. Bởi tuổi càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc càng tăng.
Điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh
Người già bị suy tim không được khuyến cáo nghỉ ngơi tại giường bởi nguy cơ huyết khối cao. Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp về lối sống như:
- Mang vớ nén – loại vớ chân có độ đàn hồi cao để ngăn ngừa ứ dịch ở chi.
- Ăn nhạt nhất có thể.
- Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo xấu gồm mỡ động vật, nội tạng, da, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào bằng dầu ăn nhiều lần…
- Giảm rượu bia và các đồ uống có cồn.
- Vận động nhẹ nhàng tùy theo sức của bản thân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo các bài tập thể dục cho người suy tim phù hợp nhất.
- Kiểm soát huyết áp tốt.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa khói thuốc.
Xem thêm: Chế độ ăn hợp lý nhất cho người bệnh suy tim
Khi đã suy tim, người cao tuổi nên vận động nhẹ nhàng không nên quá sức
Phẫu thuật khi suy tim nặng
Suy tim không tự sinh ra mà chủ yếu là hậu quả của bệnh tim mạch. Do vậy, trong trường hợp suy tim là do bệnh van tim, người bệnh có thể sẽ cần phải chỉ định thay van tim. Còn suy tim do bệnh mạch vành, tình trạng bệnh sẽ được thuyên giảm khi đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành.
Chỉ định phẫu thuật loại nào còn phụ thuộc vào sức khỏe và mức độ bệnh. Do vậy, bạn cần phải tuân thủ điều trị của bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, ca phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro nhất định. Vì vậy chữa trị ngay từ khi phát hiện và chăm sóc tốt vẫn là phương án đảm bảo nhất để bệnh suy tim ở người già không còn là nỗi lo quá lớn.
(theo suytim.com)