Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Bệnh Ngưng Thở Lúc Ngủ


Bệnh ngưng thở lúc ngủ( Obstructive Sleep Apnea)là một biến chứng mà người ngủ bị ngưng thở khoảng 10 giây hay lâu hơn trong lúc ngủ.

Rất là nhiều người bị bệnh ngưng thở lúc ngủ này . Bệnh này có thể xảy ra từ trẻ em nhi đồng cho tới mấy cụ già. Bệnh này thường xảy ra trong những người 20 tới 40 và xảy ra khá nhiều trong đàn ông.

Những nguyên nhân gì có thể gây ra bệnh này?

Có nhiều nguyên nhân có thể tạo ra bệnh này và thường là do bệnh mũi hay miệng bị nghẽn.  Sau đây là các lý do:

 Trẻ em:

a)  Amidan (thịt dư) (tonsils) lớn

b)  Amidan VA (adnoid) lớn

c)  Cằm lẹm

d)  Bệnh dị ứng (allergy)

e)  Nặng cân

f)  Bệnh khờ (Down’s Syndrome)

g) Bệnh bẩm sinh như là khuôn mặt và đầu sọ không được thành đúng hình (dị dạng) (craniofacial deformity), khe hở vòm miệng (cleft palate) v.v..

Người lớn:

a) Mập béo (obesity)

b) Vách ngăn trong mũi bị lệch

c) Thịt dư trong mũi (nasal    polyps)

d) Lưỡi gà (uvula) bị dài

e) Vòm miệng mềm (soft palate)  bị thòng xuống miệng

f)  Lưỡi lớn

g) Cằm lẹm v.v..

Những ví dụ trên có thể gây ra bệnh ngưng thở tại vì mấy nguyên nhân này sẽ chận đường thở ở mũi, cổ họng và miệng nên hơi không khí không xuống phổi được và sẽ gây ra bệnh ngưng thở.   

Ngoài ra những ví dụ ở trên, bệnh ngưng thở có thể xảy ra nếu não tủy (medulla oblongata) không hoạt động thường được.

Triệu chứng của bệnh ngưng thở lúc ngủ:

Dĩ nhiên chính người bệnh thường sẽ không biết mình bị bệnh ngưng thở trong lúc ngủ vì thường triệu chứng ngưng thở xảy ra trong lúc người bệnh đang chìm trong giấc điệp.  Thường là người thân ngủ cạnh nhận thức được cho người bệnh.

 Các triệu chứng thông thường của bệnh ngưng thở:

a)  Ngáy lớn

b) Ngưng thở hơn 10 giây trong  lúc ngủ và có thể xảy ra từ 5-50  lần mỗi giờ

c)  Ngủ không ngon giấc buổi   tối

d)  Ngủ gục ban ngày.

Mặc dù mũi, cổ họng, và miệng bị nghẹt, lâu lâu không khí cũng có thể đi qua mấy chỗ này và làm cho lưỡi gà bị rung nên gây ra ngáy. Tại vì ngưng thở nên tối ngủ bị chập chờn không được ngon giấc bị thức nhiều lần cho nên sẽ gây ra sự ngủ gục trong ban ngày.

 Ngủ bị chập chờn hay lăn qua lại, cảm thấy nghẹt thở, toát mồ hôi, tức ngực, không cảm thấy thoải mái hay khoẻ khoắn khi thức dậy. Không tập trung tư tưởng, mệt mỏi.

Tại sao mình nên quan tâm về bệnh ngưng thở?

Bệnh ngưng thở có thể gây ra sự nguy hiểm đến sức khoẻ vì nếu mà không trị bệnh này thì lâu năm (có thể 10 tới 20 năm sau) bệnh này có thể gây ra bệnh suy tim (heart failure), cao áp huyết (hypertension), loạn nhịp tim (arrythmia), sudden infant death syndrome (SIDS) v.v...  Ngoài những bệnh nguy hiểm này bệnh này có thể gây ra bệnh trầm cảm (depression), mất trí nhớ, mệt mỏi (fatigue), giảm tình dục, dễ đụng xe vì ngủ gục trong khi lái, v.v...

Làm sao bác sĩ sẽ biết mình bị bệnh ngưng thở?

Bệnh nhân nên tham khảo với bác sĩ về bệnh ngưng thở lúc ngủ nếu bạn hay người thân cho bạn biết bạn ngáy to như kéo gỗ, ngáy khoan hò hay ngáy như sấm.  Người ngủ có thể thấy bạn sẽ bị ngưng thở hay nghẹn trong lúc ngủ. Bệnh nhân cảm thấy mình ngủ không được ngon giấc, ngủ gục ban ngày; đôi khi có người bị nặng quá ngủ gục trong lúc đang ăn hay lúc nói chuyện, hay bị quên và lúc nào cũng mệt. 

Nếu bệnh nhân khai những triệu chứng kể trên, bác sĩ sẽ khám bệnh để xem bệnh nhân có bị những nguyên nhân như đã nói ở trên. Sau khi khám bệnh, bác sĩ sẽ làm thử nghiệm ngủ (sleep study). Có hai loại thử nghiệm ngủ, đó là ambulatory và sleep over. Nếu thử nghiệm bằng ambulatory study thì nhân viên y tế sẽ mang máy tới nhà bệnh nhân và gắn máy trên người bệnh nhân một đêm và sẽ trở lại nhà bệnh nhân ngày sau và lấy máy về để xét kết quả.  Nếu thử nghiệm sleep over thì bệnh nhân phải tới phòng thí nghiệm và ngủ qua đêm.

Bác sĩ cũng có thể dùng máy đo dưỡng khí (pulse oximeter) lúc bệnh nhân ngủ.  Nếu dưỡng khí trong máu bị thấp là có thể bệnh nhân bị thiếu dưỡng khí vì ngưng thở lúc ngủ. Bác sĩ có thể nội soi yết hầu để xem thanh quản có bị hẹp không.

Nếu bệnh nhân bị bệnh ngưng thở này vì mập béo và bị ngưng thở dưới 5 lần mỗi giờ thì họ phải cố gắng tìm cách để làm sụt cân và nằm xấp lúc ngủ. Tránh rượu bia và dùng thuốc ngủ hay thuốc an thần.

Ngủ cho đầy đủ. Nếu sau khi làm các cố gắng trên mà vẫn bị ngưng thở thì bác sĩ sẽ ra ý kiến cho bệnh nhân thử máy thở (CPAP machine). Lúc sử dụng máy này, bệnh nhân sẽ đeo một cái mặt nạ (mask) mỗi đêm khi đi ngủ để máy thổi hơi và dưỡng khí oxygen vô miệng và cổ họng trong lúc ngủ.


Nhiều người không chịu quen được với máy CPAP thì có thể cần phải giải phẫu. Tuỳ theo nguyên nhân gây ra bệnh này mà cách giải phẫu khác nhau. Nếu amidan bị lớn thì nên cắt; nếu vách ngăn bị lệch thì phải chỉnh vách ngăn; nếu vòm miệng mềm và lưỡi gà bị dài thì cắt bớt cho bộ phận này ngắn lại. Nhiều bệnh nhân mà bị ngưng thở nặng thì vẫn có thể phải dùng máy CPAP sau khi mổ.

Bác Sĩ Đinh Hòang Ngôn/nguoiphuongnam