Những câu chuyện cười được lưu truyền trong dân gian không chỉ để mua vui mà còn mang theo hàm ý rất sâu xa. Dưới đây là hai câu chuyện thú vị hàm chứa trí tuệ dân gian và triết lý nhân sinh sâu sắc.
Câu chuyện thứ nhất: Những điều ước…
Xưa kia có một ông lão có ba người con trai. Trước lúc lâm chung, ông cho gọi 3 con đến bên cạnh và hỏi các con xem họ có nguyện vọng gì, để sau khi ông qua đời có thể đem những nguyện vọng này thỉnh cầu Thượng đế. Người con trai cả nói: “Con muốn làm quan nhất phẩm”. Người con thứ 2 nói: “Con muốn có ruộng nương vạn khoảnh”. Cậu con trai út nói: “Con không có mong muốn gì, chỉ hy vọng có được đôi mắt to”. Nghe vậy, ông lão lắp bắp kinh hãi hỏi: “Con muốn có đôi mắt to để làm gì?” Cậu con trai út nói: “Khi con có đôi mắt to rồi thì có thể xem các anh trai con giàu có và phú quý như thế nào”.
Câu chuyện tiếu lâm này không chỉ rất khôi hài mà còn ẩn chứa đạo lý bên trong. Sự giàu có và quyền quý tại nhân gian đều có thời hạn. Dù cho một người giàu có đến cỡ nào đi nữa, quyền cao chức trọng đến đâu, con người cũng không thể thoát khỏi giới hạn thời gian đời người, cũng không thoát khỏi được nỗi thống khổ của sinh lão bệnh tử, không thoát được khỏi vòng luân hồi sinh tử, vậy thiết nghĩ chớ nên truy cầu, tham vọng.
Ngoài ra, câu chuyện còn ẩn chứa một nội hàm khác nữa. Đó là cậu con trai út của ông lão muốn mình có đôi mắt to để xem hai người anh của mình có thể duy trì giàu sang phú quý đến đâu!… Thực tế thì nhân gian giống như một sân khấu lớn, mỗi người chúng ta đều là diễn viên, đồng thời cũng là khán giả, ai cũng không ngoại lệ, khi đối diện với tham vọng, mưu cầu, thiện – ác, chính – phản v.v.. tại nhân gian thì mỗi người đều phải đưa ra lựa chọn. Nếu một người chọn thiện thì sẽ đắc được phúc báo, lựa chọn ác thì chắc chắn sẽ gặp ác báo.
Người xưa sáng tác truyện cười dựa trên cơ sở văn hóa Thần truyền, thông qua đó giúp con người hướng thiện, khơi gợi Phật tính, biết kính sợ Thiên ý, Thần Phật, đồng thời khuyến khích con người buông bỏ dục vọng, làm việc thuận theo Thiên ý, đắc nhiều phúc báo.
Ngày nay, trên mạng Internet có lưu truyền rất nhiều câu chuyện tiếu lâm, nghe cũng khá buồn cười nhưng không còn ẩn chứa những nội hàm thâm sâu phía sau nữa. Ý nghĩa của truyện cười truyền thống đã biến mất, chỉ còn giữ lại chức năng giải trí mà thôi…
Câu chuyện thứ hai: Ai mới là người thực sự nghèo?
Ngày xửa ngày xưa có một phú ông vô cùng giàu có, vì không muốn con trai hoang phí, tiêu tiền như nước nên đã gửi con đến nhà một người bạn là nông dân để trải nghiệm sự nghèo khó.
Sau một vài tuần, người con đã trở về nhà. Phú ông bèn hỏi con trai: “Bây giờ hẳn là con đã biết thế nào là nghèo khó rồi chứ?”
Người con trai tỏ ra rất tự tin nói: “Con đã biết ạ!”
Phú ông nói: “Vậy con có thể nói cho cha biết về sự nghèo khó không?”
Người con trả lời: “Buổi tối sân nhà chúng ta có ánh đèn sáng ngời nhưng nhà người nông dân có đầy trời ánh sao sáng chiếu rọi. Diện tích nhà chúng ta mặc dù rộng rãi nhưng phạm vi hoạt động của nhà người nông dân còn rộng hơn. Chúng ta phải dùng tiền để mua lương thực, còn đồ ăn của gia đình nông dân đều là do họ tự trồng, ăn không hết còn đem phân chia cho hàng xóm. Cuộc sống sinh hoạt của chúng ta cần người hầu kẻ hạ, người nông dân ngoài việc tự chăm sóc bản thân còn có thể hỗ trợ người khác. Nhà của chúng ta bốn phía đều có tường bao bọc, còn họ thì hàng xóm xung quanh chính là hàng rào bảo vệ…”.
Phú ông nghe xong không khỏi ngây người. Cậu con trai lại nói tiếp: “Cha, cảm ơn cha đã cho con biết nhà chúng ta nghèo như thế nào!”.
Theo Vision Times
San San biên dịch