Tặng các bạn già và các bạn chớm già của tôi.
1. Chỉ đến khi tôi gặp lại một em học trò cũ xa cách đã lâu, nhìn vẻ hom hem, đạo mạo của em, tôi mới nhớ là mình . . . đã già!
Chỉ khi đọc một bài báo hoặc coi một đoạn phim kể về một “ông già 70 tuổi” qua đời trong cô đơn, tôi mới sực nhớ ra mình đã hơn 70, ủa vậy mình già rồi sao?
Chỉ khi nhìn thấy trên wall facebook của một học trò cũ khoe cháu nội/ngoại làm được việc này việc nọ, được giải nhất/nhì cuộc thi nọ thi kia tôi lại động lòng, ủa, học trò mình mà có cháu đã lớn đến vậy, mình già rồi sao?
Cách đây chừng hai mươi năm, chở vợ đi ngoài phố, ngoài đường, chạy hơi nhanh để tránh các xe khác và kịp trước khi đèn xanh hết giờ, vợ tôi bảo: “Ông già rồi chứ trẻ mỏ chi mà chạy xe kiểu cao bồi rứa?”. Mới 50 thì ai nói là . . . già! Rồi lại nhớ chuyện, hồi xưa hay đi xe đò, thời gian đầu lơ xe nói: “Anh, anh, cho em tiền xe”, mấy năm sau lại có em nói: “Bố ơi, cho con tiền xe” và sau này thì: “Cho tiền xe đi ngoại. . . ”.
2. Bạn tôi, chị Mai nhỏ thua tôi 5 tuổi, trước đây là một blogger, sau này là một facebookker có nhiều entries/ notes lý thú, lấy nick là Ttm Gốc Mai, xưng hô với các bạn là “bà già”. Tôi tự nghĩ: Còn trẻ chán mà sao cứ coi mình là già! Khi đã tự coi mình là “già” chắc chắn mọi hành xử sẽ cẩn thận, chậm chạp, riết rồi tư tưởng đó nhiễm vào mình để già lúc nào không hay. Thời còn làm doanh nghiệp, trong giao tiếp đã nhiều người xưng hô với tôi là “chú – cháu”. Chỉ khi tiếp khách là đối tác, là viên chức chính quyền mới được các em tiếp viên xưng hô là “anh – em”! Hihi.
3. Thời còn trai trẻ, tôi rất cảm thông và tôn kính người già nhưng vẫn không thích vẻ chậm chạp của họ nhất là khi nhìn họ tập võ dưỡng sinh ở công viên, chán! Đến phiên mình, có những trường hợp như lên xuống cầu thang, không dám nhanh. Tham gia những cuộc vui có phụ nữ là bạn mình hoặc vợ mình, khi chụp hình giúp họ, tôi luôn được nhắc phải đứng ra xa, hỏi, họ nói sợ chụp gần dễ thấy nét . . . già và mập!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một cây bút tôi kính nễ vì sở học của ông cả về kiến thức chuyên môn lẫn Phật pháp, cả về nhân sinh, xã hội và lại là người quảng giao. Hầu như tôi không bỏ sót một tác phẩm nào của ông. Lúc đầu, khi nói về tuổi chớm già với “Gió heo may đã về” tôi đã coi là cần thiết. Tiếp theo là “Già ơi, chào bạn” thì rất bổ ích và lý thú. Tôi đọc quyển sau này hàng chục năm trước, hồi đó chỉ mới chớm “bước qua cầu”. Nay, khi đã thực sự “đi trên cầu” một khoảng dài tìm đọc lại và thấy càng giá trị vì cho mình nhiều lời khuyên cần thiết: biết mình đã già chưa (theo cách nhìn của y học, xã hội và pháp luật), già cỡ nào (bởi vì đôi lúc dễ trở thành ngô nghê khi xuất hiện bên ngoài nếu không muốn bị chê là “cưa sừng làm nghé”!). Chương đầu, phần một của “Chẳng cũng khoái ru” ông lại khuyên “Già sao cho . . . sướng?” từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện đến nghỉ ngơi. BS Đỗ Hồng Ngọc còn khuyên người già nên biết lắng nghe và chăm sóc bản thân. Trong cả ba quyển này, ông trích dẫn phát biểu và kinh nghiệm của những người đáng tin như André Maurois, BS Nguyễn Khắc Viện, Kim Thánh Thán, Lâm Ngữ Đường. . . mà nếu muốn tìm cho tuổi già của mình một hướng đi thì tôi nghĩ, đọc kỹ và vận dụng cả ba quyển trên đều bổ ích.
4. Vào tuổi này, tin tức về người thân, bạn bè và cả học trò cũ ốm đau, qua đời ngày một nhiều. Gặp nhau, anh em nhắc đến những người nói trên, chúng tôi luôn nghĩ, rất lạc quan, rồi cũng sẽ đến phiên mình phải leo lên “chuyến xe đời vô định” (KL) đến trạm cuối cùng ấy và lại nghĩ, quá cái tuổi lục thập là thấy “lời rồi”!
Chỉ còn một tuần nữa đến Tết âm lịch, chuẩn bị ít tiền mới lì xì cho các cháu nhỏ, lại nhớ anh Hai tôi, qua đời hai năm trước ở tuổi 84. Hồi anh còn sống, mỗi dịp Xuân về, anh nói: “Chuyện chúc mừng người già thêm một tuổi cũng đồng nghĩa với việc chia buồn họ giảm đi một năm sống”.
Khi đã có cháu nội ngoại, khi không còn phải mất thì giờ kiếm tiền hoặc giúp đỡ con cháu, cứ nghĩ mình sẽ rãnh rỗi để đọc sách và làm những việc chưa làm được nhưng không được nhiều. Chuyện đi bộ, tập thể dục ở ngoài và ở nhà đã mất gần 2hrs, chuyên uống (kính thưa các loại) thuốc đã tốn thêm một ít do lựa thuốc và uống theo giờ, đo huyết áp 2-3 lần/ngày và chuyện đi tìm điện thoại, mắt kính và các vật dụng linh tinh khác ngốn thêm một mớ nữa. Ngày xưa, tôi nghiêm khắc với mình khi phục sức đi ra ngoài làm việc, giao tiếp. Vài năm gần đây đã thấy hơi buông lỏng và tùy tiện, có lẽ nghĩ rằng mình già rồi, đâu cần chưng diện!.
Tôi cũng đã thấy những ông trung niên quen biết trước đây nghiêm túc là thế, đến sau tuỗi 70 là tùy tiện, chỉ riêng việc xuống xe đi tiểu đã thấy phiền. Họ “dũng cảm” đứng tè ở bất cứ đâu miễn là . . . không có biển cấm!. Tuổi già, tôi chỉ mong không giống họ việc này vì tôi vẫn tin theo BS Ngọc để thấy mình sung sướng và tự hào về số tuổi của mình – trừ cái khoản “gối mỏi chân chồn”! Chúc các bạn già và chớm già luôn biết . . . “sống sướng”! Haha.
Quy NguyenHoang fb (bài do bạn Bá Trần gới thiệu)