Mồng một Tết Tân Mão (2011), tôi nhận được điện thoại từ Mỹ: Em chuyển máy cho mẹ chị nói chuyện với mẹ em. Lúc đó mẹ tôi yếu lắm rồi. Bà chỉ gật đầu, thều thào gì đó không rõ. Tôi đỡ lấy máy, giọng bên kia sang sảng, khỏe mạnh, Đã sắm Tết gì chưa? Bên này đang mưa, chờ lát nữa ngớt, bác đi taxi đến, dẫn ra chợ Tân Định sắm đồ Tết… Bạn của mẹ tôi đấy. Năm đấy bà chín ba tuổi, bằng tuổi mẹ tôi.
Tôi không biết bên đấy trời có đang mưa không. Bà đang ở Mỹ, cách xa tôi nửa vòng trái đất, nói cứ như thật, như thể bà đang ở Bàn Cờ. Hồi tôi còn nhỏ, gần Tết năm nào bà cũng dẫn tôi ra chợ Tân Định mua quần áo mới.
Chữ nghĩa của bà cọc cạch, chỉ hơn mẹ tôi một chút (mù chữ toàn tập), nhưng bà tính nhẩm thì siêu nhanh, máy tính theo không kịp. Tôi nói không ngoa, khi bạn còn đang mải nhập liệu thì bà đã ra đáp số, cộng trừ, thêm vào bớt ra chính xác.
Bà tháo vát, buôn bán giỏi. Cuối thập niên 40, bà ra tề vào khu buôn bán toàn hàng quốc cấm, bất chấp bom rơi đạn lạc. Bà đẻ giỏi như buôn bán giỏi; cả chục đứa con san sát tuổi. Có đứa mới sinh ra chừng tuần lễ, bà gửi mẹ tôi trông rồi lại tiếp tục đi buôn đường dài. Mẹ tôi cẩn thận, nhưng chậm; bà cư xử với mẹ tôi như bảo mẫu, bảo vệ không để ai bắt nạt. Đất trời bà không ngán, chỉ ngán mỗi ông… chồng. Chồng bà là công chức bưu điện, dạy con nghiêm khắc, nhưng nhất quyết không chịu đếm tiền giùm vợ, mẹ tôi kể thế.
Di cư vào Nam năm 54, bà mở hàng buôn gạo ở Bàn Cờ. Đôi lần tôi thấy cách bà ứng xử với khách hàng, khôn khéo, mềm mỏng, nhưng quyết đoán. Mẹ tôi phục bà lắm, có chuyện gì khó khăn đều hỏi ý bà.
Năm 75 di tản theo gia đình qua Mỹ, bà lạc lõng giữa cuộc sống xa lạ và hiện đại. Con người tung hoành nơi phố chợ bỗng chốc ngượng ngùng trong siêu thị. Con cái đều thành đạt, họ tìm mọi cách giúp bà hội nhập vào đời sống mới, nhưng đời sống đó không thuộc về bà. Họ tìm mọi cách để bà vui, nhưng đó là niềm vui miễn cưỡng, không phải niềm vui bà muốn.
Bà muốn phố chợ, muốn tính nhẩm, muốn một tay quán xuyến chuyện nhà… Bà không muốn ngồi yên, không muốn lệ thuộc vào cuộc sống hiện đại, nhưng bà không thể làm gì khác. Con cái chăm sóc tận tình, bà không thiếu thứ gì cả, chỉ thiếu cái bà… muốn. Cái bà muốn thì mọi phân tích tâm lý hàn lâm lại không tìm thấy. Con cái hiểu bà theo chiều hướng thời đại. Bà không có ai để trút nỗi lòng…
Rồi tôi nghe nói bà bị lẫn, hay alzheimer gì đó, lúc quên lúc nhớ… Có thể do tuổi già, cũng có thể do trầm cảm vì không có người trò chuyện. Mọi ký ức của con chim trong lồng son chỉ còn lẩn quẩn nơi phố chợ.
Già thì lú lẫn, quy luật đời người là vậy, cưỡng lại có được đâu. Lú lẫn tùy mức độ, không nhận ra thời gian, không gian, và có khi không nhận ra người thân, không nhận ra cả chính mình.
Mất ký ức là nỗi đau vô thức, nhưng lẩn thẩn có khi lại làm khổ cho con cái. Mẹ người bạn khác của tôi, suốt ngày lủi thủi gom mọi thứ vụn vặt từ bao nylon, túi xách, dây thun, chai lọ… để đầy một góc nhà. Con cái nấu nướng, dâng tận miệng, không ăn. Tự làm, nêm nếm đồ ăn mặn chát. Không cho làm, bà sừng sộ, để tao chết đói hay sao! Riết rồi các con cũng chịu thua, mua nước mắm công nghiệp cho đỡ hao tiền, đỡ mặn, để bà tha hồ nêm nếm thoải mái, rồi len lén vất đồ bà nấu đi…
Tuổi già không phải là nguyên nhân duy nhất đưa đến lẩn thẩn. Ngày xưa, cầm có tí tẹo tiền đi chợ cũng lẩn thẩn. Miếng ăn cho chồng, cho con lúc ấy là nỗi ám ảnh đè nặng trên vai của nhiều bà mẹ. Đủ gạo để ăn là mừng, món ăn nêm mặn để ăn dè. Muỗng bột ngọt là quý, bao nylon, lon nước ngọt là quý… Khổ cực làm con người biết tằn tiện; bây giờ thấy cái gì cũng tiếc, cũng chắt chiu. Cả đời quen làm, không quen hưởng thụ, không chịu ngồi yên, chỉ sợ mình vô dụng, ăn bám con cái. Lòng tự trọng làm họ lẩn thẩn trong xã hội hiện đại, chỉ cần a lô là đồ ăn vật dụng ship tận nhà.
Hồi mẹ tôi còn sống, tôi cũng quan tâm đến bà đấy chứ, nhất là vào những năm cuối đời, muốn gì có nấy, thích gì chiều nấy, phim ảnh đủ thứ cho bà giải trí. Bà đau nằm một chỗ, tôi mua hồ cá nhỏ để cạnh, nhờ bà cho cá ăn để bà khuây khỏa… Chỉ có điều tôi ít khi ngồi chuyện vãn với bà. Mà thiệt tình, bà nói chuyện thuở xưa từ hồi nào đẩu đâu, có những chuyện kể đi kể lại nhiều lần, không chán sao được. Tôi còn biết bao chuyện cơm áo gạo tiền phải lo, chỉ cần đi làm về thấy bà khỏe là yên tâm, hỏi thăm vài ba câu, rồi vọt lên lầu đọc sách.
Các bạn tôi khi còn mẹ, cũng thế. Hỏi thăm, họ nói đều lo cho mẹ không thiếu thứ gì. Sau khi mẹ họ mất, tôi hỏi, có ân hận gì không. Tất cả đều trầm ngâm, không trả lời…
Dạo này, dù tay chưa đến nỗi run, nhưng tôi không còn thao tác chính xác như hồi còn làm trong phòng lab. Rót nước từ ấm vào chai, có khi rơi vãi ra ngoài. Con tôi cằn nhằn, bố cứ để rồi con làm. Không, tôi tự làm, tôi không thích nhờ vả con cái. Chợt nhớ lại, có đôi lúc tôi cũng cằn nhằn mẹ tôi về cái bà “tự làm” như thế. Tôi không nhận thức được “ý chí độc lập” của người già để có một câu nói nhẹ nhàng hơn, cho đến khi tôi rơi vào đúng hoàn cảnh đó.
Từ sau năm 75, bà bạn già nửa vòng trái đất và mẹ tôi không liên lạc gì bằng thư từ với nhau. Mà liên lạc thì ai viết, ai đọc? Thỉnh thoảng bà gửi lời thăm hỏi mẹ tôi, kèm một hai trăm dollar làm quà.
Nói chuyện qua phone ngày Tết với mẹ tôi là lần đầu tiên, và cũng là cuối cùng. Mười bảy ngày sau mẹ tôi mất. Tôi không biết bà bạn mẹ tôi phản ứng ra sao khi nghe tin này. Bà chỉ sống bằng ký ức, không phải bằng hiện tại để biết buồn, biết vui…
Đôi lúc tôi ngồi thừ cả giờ chỉ vì một bài báo cũ. Ký ức người già khập khễnh những thứ xa xưa, những chuyện khổ sở ám ảnh lo toan một thời… Bạn già năm thì mười họa mới gặp, biết chia sẻ cùng ai? Giá hồi xưa tôi hiểu được cái “khập khễnh” trong ký ức của mẹ tôi, như tôi hiểu cái “khập khễnh” của tôi bây giờ.
Mẹ tôi không cô độc nơi hoang đảo vì chung quanh bà còn con cháu, nhưng mẹ tôi cô đơn trong ký ức. Tôi hiểu ra, mẹ tôi như con chim già, cũng ngồi thừ ra lẩn thẩn với đôi chút ký ức xa xưa sót lại, cần được chia sẻ biết bao. Còn tôi, kiến thức cả mớ trong đầu, chỉ biết thử thách trí nhớ của bà hơn là kiên nhẫn lắng nghe.
Có những hối tiếc trong đời, muốn cũng không sửa chữa được nữa. Muộn!
Vũ Thế Thành, mùa Vu Lan 2020/nguoiphuongnam