Chúng ta cần những phút giây tĩnh lặng mỗi ngày để nạp lại năng lượng thể chất, cũng như tinh thần.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bận rộn, ta đi làm, về nhà ăn uống với gia đình, dạy con cái một tí, xem tivi, đi ngủ, sáng dậy lại mở tivi nghe tin tức trong khi uống cà phê xem báo, chạy đi làm… Chu kỳ bận rộn tiếp diễn. Và ta không bao giờ có những phút giây tĩnh lặng cho riêng ta.

Nếu chiếc xe chạy hoài không bao giờ tắt máy, nó sẽ sống được bao lâu? Chúng ta đã quá quen với bận rộn ồn ào tấp nập, đến nỗi chúng ta nghiện ồn ào: “Hầu hết con người bị nghiện với những kích thích gây stress… Chúng ta cực kỳ ngại ngùng về sự tĩnh lặng, về khoảng không, về sự trống rỗng. Đó là vì một định kiến vật chất nghĩ rằng cái gì không sờ mó được thì không hiện hữu”.

Hệ quả tất yếu là chúng ta nhiều stress, ta dễ nổi nóng, dễ sân hận, dễ gây lộn, dễ có chiến tranh, và dễ bị chết vì đứng tim hay đột quỵ.

Tĩnh lặng để nghỉ ngơi, để nạp năng lượng trở lại, để làm mới là một bí quyết sống con người đã biết từ hàng nghìn năm về trước. Vì thế ở Đông Phương ta có thiền và khí công, ở Tây phương ta có cầu nguyện hàng ngày, và có ngày Chúa nhật, không được làm gì cả và chỉ dành riêng cho chúa.

Tuy vậy, ngày nay, các truyền thống nghỉ ngơi tĩnh lặng đó chỉ còn tồn tại với một số rất ít người; đại đa số người trên thế giới chẳng biết hoặc chẳng quan tâm gì về chúng.

Tu duy tich cuc thay doi cuoc song anh 1

Tại sao thế giới càng văn minh, chúng ta càng bận rộn, càng ly dị nhiều, càng nhiều bạo hành trong học đường, càng nhiều trộm cướp trên đường phố, càng nhiều chiến tranh trong quốc gia và xuyên quốc gia? Phải chăng đó là vì mỗi chúng ta đã bị “chồng chất với những ô nhiễm tinh thần dữ dằn và không tự nhiên”?

Chúng ta nghiện tiếng động đến nỗi sợ yên lặng. Nằm một mình cũng phải suy tính công việc ngày mai, phải nghiên cứu việc trả đũa, phải mở nhạc hay mở truyền hình.

Hai người bạn ngồi với nhau thì phải nói chuyện huyên thuyên, nếu có một tí thinh lặng thì cả hai đều áy náy và lại phải nói cái gì đó để lấp khoảng trống. Ngay cả khi đi ngủ, rất thường khi chúng ta nẳm mơ về công việc, và suy nghĩ về công việc ngay trong khi ngủ.

Và khi thức, làm việc hấp tấp chưa đủ, chúng ta còn sáng tạo ra mốt làm nhiều việc cùng lúc (multitasking), vừa nói điện thoại, vừa chat trên máy tính, vừa viết báo cáo cùng lúc, hay vừa lái xe vừa text trên điện thoại.

Và càng làm nhanh, càng hấp tấp, chúng ta càng bị nghiện các hóa chất của stress, và không thể chậm lại hay nghỉ ngơi được. Hậu quả là việc làm thì hư trước hư sau, liên hệ với mọi người thì vỡ lên vỡ xuống, các vấn đề sức khỏe cá nhân và gia đình hiện đến, cũng như những vấn đề của quốc gia và những xung đột giữa các quốc gia.

Vì vậy, chúng ta cần những phút giây tĩnh lặng mỗi ngày, để nạp lại năng lượng thể chất cũng như tinh thần – yêu ái, bình tĩnh, can đảm, và sáng tạo.

• Theo truyền thống Đông phương, thiền định là cách tĩnh lặng hay nhất. Ngồi thiền, theo dõi hơi thở để tâm trí không chạy lan man. Hoặc thiền hành, tức là đi bộ với chánh niệm, tập trung tư tưởng vào việc quan sát bước đi, chẳng hạn. Hoặc làm việc theo cách thiền ủi đồ hay rửa bát, và tập trung tư tưởng vào việc quan sát từng cử động nhỏ.

Ngay cả việc tụng kinh, như “Nam mô A di đà Phật”, mà tập trung tư tưởng vào mỗi câu kinh, như hình ảnh Phật A di đà trong mỗi câu tụng, cũng là một cách tĩnh lặng rất tốt.

• Ở Tây Phương, chúng ta có truyền thống cầu nguyện. Tuy nhiên, nếu ta cầu nguyện theo lối xin xỏ – cầu cho hết nợ, cho làm ăn buôn bán tốt, cho hết bệnh… thì cầu nguyện đó là một loại làm việc với đủ mọi loại tiếng ồn xin xỏ chứ chẳng tĩnh lặng tí nào.

Câu nguyện tĩnh lặng là nói chuyện với Thượng đế như hai kẻ yêu nhau, không còn tự ái, không còn vỏ bọc, không còn giả tạo… Một quả tim khiêm cung trần truồng ttước mặt thượng đế. Tìm lại cái siết tay, cái ôm, với thượng đế, kết hợp làm một với thượng đế, mà chúng ta đã đánh mất trong những phút ồn ào trong ngày.

• Nếu ta không theo được hai truyền thống này, thì nghe nhạc rất nhẹ và tập trung vào nghe nhạc, đừng để đầu óc chạy lan man, là cách gần nhất với tĩnh lặng. Và từ trong tĩnh lặng, chúng ta sẽ nghe được tiếng nói sáng tạo của nguồn năng lượng hồi sinh, như thiền sư Kiều Trí Huyền nói “Tiếng thầm trong ngọc nói lời hay”, hoặc lời Thánh Kinh, “rồi một luồng gió lớn và mạnh xé rách núi và làm đá vỡ vụn trước mặt chúa, nhưng chúa không có trong luồng gió.

Sau luồng gió là một trận động đất, nhưng chúa không có trong động đất. Sau động đất là một trận cháy, nhưng chúa trong có trong lửa. Và sau trận cháy, một lời thì thầm dịu dàng đến”. Chúng ta cần tĩnh lặng để có thể nghe được tiếng thì thầm.

Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống / Nhà xuất bản PNVN/anle20