Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Chống dịch bằng ‘công an trị’ và hậu quả



Một chốt kiểm soát dịch tại Hà Nội.
                                          Một chốt kiểm soát dịch tại Hà Nội.

Sau ba tháng vật lộn với nhiều biện pháp vô thiên vô pháp nhằm đối phó với đợt bùng phát mới của Covid, một xu hướng sai lầm nguy hiểm khác đã trỗi dậy, đó là xu hướng “công an trị” trong chống dịch ở Việt Nam.

Trước khi Sài Gòn gần như “thất thủ” và Hà Nội phải giành quyền chỉ đạo chống Covid-19 cho Trung ương, xã hội dân sự ở Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ “chính trị hoá” công tác chống dịch. Lúc bấy giờ các trang mạng xã hội đã sớm phân tích những sai lầm của chủ trương “chính trị là thống soái” [1]. Sau ba tháng vật lộn, một xu hướng sai lầm nguy hiểm khác đang trỗi dậy, đó là xu hướng “công an trị” trong chống dịch.

Bức xúc trước các biện pháp quân phiệt là tâm tư bị dồn nén thành chất vấn mang tính phản kháng công khai của nhiều người dân và hộ dân, kể cả một số cơ quan trung ương trên địa bàn nội đô, khi nghe phổ biến “Chỉ thị 20” của UBND thành phố. Truyền thông trong nước cho hay, Chỉ thị nói trên giao cho Công an cấp giấy đi đường, được đưa ra do Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh ký ngày 3/9. UBND TP Hà Nội phân ba vùng phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện từ 6h ngày 6-9 đến 6h ngày 21-9-2021.

Thủ đô như một nhà tù lộ thiên

Chỉ thị thượng dẫn trước sau cũng sẽ biến người dân thủ đô thành phạm nhân, biến các thành phố, các quận huyện thành những trại tù lộ thiên khổng lồ. Còn lực lượng công an ở các cấp trở thành những cai ngục, hay nói theo nghiệp vụ công an là các quản giáo chuyên nghiệp [2]. Một trong các quan ngại lớn nhất hiện nay được truyền thông trong nước nêu là việc người dân và doanh nghiệp bồn chồn và lo lắng về những hướng dẫn tù mù đối với việc xin và cấp giấy đi đường tại ba vùng đỏ-vàng-xanh khác nhau.

Xu hướng này gây bức xúc ngay cả đối với các lực lượng vũ trang. Ban đầu, giãn cách theo Chỉ thị 20 còn lên kế hoạch để công an cấp giấy phép đi làm cho cả các lực lượng vũ trang và các tác nghiệp ngoại giao trên địa bàn thành phố. May thay, biện pháp thái quá này đã gặp ngay những phản ứng gay gắt, nên ngay sau đó đã được ngấm ngầm bãi bỏ.

Một biểu hiện nổi bật khác của các biện pháp giãn cách thô bạo là chỉ trong một đêm 1/9, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức đưa hơn 1.300 người dân sống ở ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đi cách ly tập trung. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đấy buộc phải thừa nhận, Việt Nam không thể thực hiện mãi việc cách ly, phong toả, thậm chí còn xác định Việt Nam sẽ phải sống chung với dịch.

Tình hình nghiêm trọng hiện nay đang là phép thử lớn nhất đối với năng lực cán bộ lãnh đạo. Sự yếu kém bộc lộ cả “trên và dưới”, cả “tả và hữu”. Một số lãnh đạo địa phương thiếu chuyên môn nhưng thừa “quyết liệt” để thực thi những biện pháp giãn cách “ai ở đâu ở yên đó” bằng cách ban hành quy định riêng. Ban phát hàng loạt các loại giấy phép con để ra đường, thậm chí chốt chặn bằng giây thép gai, trong khi nhiều cán bộ thừa hành cấp phường xã thiếu trách nhiệm, vô cảm, không có kế hoạch, phương án phòng chống dịch mặc dù đấy là những địa bàn nóng bùng phát dịch [3].

Điều đáng lo ngại nữa là khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” vẫn chưa được gỡ bỏ. Hoặc lệnh điều quân đội, đưa các đơn vị bộ đội vào các thành phố lớn, mà thực chất là đề phòng dẹp loạn, vẫn giữ nguyên. Đây là sự che đậy nỗi lo sợ đối với người dân, nhất là ở các khu công nghiệp, do bị bức bách quá có thể bạo động. Nguyên nhân chính của phong toả “cứng” cực đoan làm tê liệt kinh tế xã hội, phá vỡ chuỗi cung ứng, xâm phạm nghiêm trọng quyền công dân trong suốt thời gian qua, đó chính là việc đảng và nhà nước đã dồn trách nhiệm phòng dịch cho công an và bí thư đảng các địa phương.

Đành rằng giao cho công an chống dịch, với đảng/nhà nước đó là thượng sách. Công an và lực lượng vệ tinh tai mắt của nó thì đông khủng, lên tới cả triệu người (Lượng ngân sách gấp 10 lần ngành Y tế). Dùng “công an trị” vừa là khai thác lực lượng thiện chiến sẵn có, phát huy sở trường phong toả, bắt nhốt, vừa là để vỗ về giữ vững tinh thần cho lực lượng bảo vệ chế độ nòng cốt này, sẵn sàng trước các nguy cơ biến động xã hội thời đại dịch. Nhưng hiện thực thành quả sau gần 2 năm “chống dịch” thì đang rõ ràng là quá phũ phàng. Ai cũng thấy, cứ cái đà này thì đất nước sẽ tan hoang [4].

Doanh nghiệp nước ngoài phản ứng

Nền kinh tế lệ thuộc vào đầu tư FDI đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tê liệt sản xuất. Các doanh nghiệp FDI đang doạ sẽ rời khỏi Việt Nam, để đầu tư công xưởng ở các nước đã sống chung tương đối khoẻ mạnh với Covid. Nông dân thì không có cách nào bán được nông sản vì giao thông và thị trường tê liệt. Thương mại, dịch vụ, du lịch thì cơ bản là chết lâm sàng từ suốt một năm qua rồi. Trong khi hầu hết người dân thành thị đang mòn mỏi trong phong toả, chất lượng sống thấp tới chưa từng thấy. Tỉ lệ chết do covid cao hơn mức trung bình thế giới rất nhiều. Mà dịch thì không giảm!

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều tối ngày 9/9. Cuộc gặp trực tuyến kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa lãnh đạo EuroCham, các đại sứ châu Âu và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sau cuộc gặp, Chủ tịch EuroCham phát biểu trong một thông cáo: “Không có gì che dấu rằng đợt bùng phát thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham hiện đang ghi nhận tâm lý thấp nhất trong hơn một thập niên. Nếu tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể cân nhắc chuyển địa điểm khác trong khu vực.”

Gần 80% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt 3 tháng qua, trong đó 29% nói “rất tệ” do giãn cách kéo dài, theo kết quả khảo sát BCI do EuroCham công bố. Từ trước đến nay, các ngành sản xuất, đặc biệt là điện tử, hàng may mặc và giày dép cho các thương hiệu lớn trên toàn cầu, là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và là nguồn cung cấp hàng triệu việc làm. Các doanh nghiệp châu Âu kêu gọi các nhà chức trách đẩy nhanh việc tiêm phòng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tự do, dễ dàng di chuyển của người lao động và xúc tiến các quy trình để các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đã được tiêm phòng vào nước này.

Theo báo chí Việt Nam, EuroCham thông báo 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam. Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sửa mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.

Ông Alain Cany kết luận: “Cũng cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những đối tượng có nguy cơ cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các thành phố và tỉnh để các hoạt động thương mại có thể trở lại; các quy định nhất quán, tập trung nhằm giảm bớt sự nhầm lẫn cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các yêu cầu hải quan.”

Trần Đông A / VOA/anle20