Một người đàn ông đã bị liệt hơn mười năm sau cơn đột quỵ đã có thể dễ dàng giao tiếp với mọi người với sự trợ giúp của một thiết bị cấy ghép mới được phát minh, theo Epoch Times.

Người đàn ông tham gia thí nghiệm này đã bị đột quỵ hơn mười năm trước, anh ta bị liệt tứ chi và mất khả năng kiểm soát các cơ liên quan đến chức năng ngôn ngữ và bị câm. Kể từ đó, anh đã sử dụng một hệ thống chọn các chữ cái trên màn hình để giao tiếp với người khác thông qua chuyển động của đầu. Bằng cách này, anh có thể diễn đạt trung bình 5 từ mỗi phút.

Edward Chang, một nhà giải phẫu thần kinh tại Đại học California, đã mời anh dùng thử một thiết bị cấy ghép mới được phát minh để kiểm tra xem nó có thể giải thích ý nghĩ của anh từ sóng não hay không.

Edward Chang đã lấy một mảnh nhỏ trong hộp sọ của người đàn ông, và đặt một điện cực lên vùng não liên quan đến ngôn ngữ điều khiển trên vỏ não vận động cảm giác (sensorimotor cortex). Thiết bị điện cực này trông giống như một tờ giấy, nhỏ hơn kích thước của thẻ tín dụng.

Sau đó, sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI)để thực hiện bài tập diễn giải sự phù hợp giữa tín hiệu sóng não và biểu thức. Phương pháp cụ thể là các nhà nghiên cứu xác định một tập hợp các từ thường được sử dụng, chỉ có 50 từ và hiển thị lặp lại từng từ một trên màn hình. Người đàn ông làm theo hướng dẫn của họ, và tưởng tượng mình đang dùng miệng diễn đạt từ đó. Đồng thời, hệ thống trí tuệ nhân tạo không ngừng tìm kiếm các quy luật ăn khớp giữa tín hiệu sóng não và từ ngữ được diễn đạt.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các nhà nghiên cứu thiết kế một vài câu đơn giản bao gồm một số từ vựng từ bộ 50 từ và yêu cầu người đàn ông tưởng tượng mình diễn đạt câu này, chẳng hạn như “làm ơn đưa kính qua cho tôi” và để hệ thống trí tuệ nhân tạo giải thích các tín hiệu sóng não.

Kết quả cho thấy tỷ lệ lỗi từ trong các câu mà hệ thống thu được chỉ là 25%.

Anne-Lise Giraud, một nhà thần kinh học tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, cho rằng kết quả này thật đáng kinh ngạc. Bà nói rằng sau hơn mười năm mất chức năng ngôn ngữ, cấu trúc của não có thể đã thay đổi, và vùng chức năng ngôn ngữ có thể không tạo ra tín hiệu ngôn ngữ. Thí nghiệm này cho thấy khu vực này vẫn duy trì khả năng tổ chức các tín hiệu này, kết quả này thật bất ngờ.

Báo cáo nghiên cứu cho biết bằng cách này, người đàn ông có thể diễn đạt khoảng 18 từ mỗi phút.

Một nhà thần kinh học khác tại Đại học Bang San Diego, Stephanie Riès-Cornou, cho biết sử dụng hệ thống này nhanh hơn nhiều so với việc thể hiện thông qua các cử động của đầu. Tuy nhiên, người bình thường có thể diễn đạt khoảng 120 đến 180 từ mỗi phút bằng tiếng Anh, vì vậy công nghệ này vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện. 

(theo dkn.tv)