Đêm qua Sài Gòn mưa, mưa lớn lắm. Từ gần nửa đêm, mưa trắng trời, tôi đứng trên balcon nhà mình nhìn dãy phố bên kia qua màn mưa lờ mờ. Tôi nghĩ đến những người bệnh đang nằm ngoài sân và hành lang ở bệnh viện 115 mà tôi đã xem hình hôm qua. Không biết họ xoay xở thế nàotrong cơn mưa như thác đêm nay.
Họ là những người đang bị nhiễm dịch, đa số là người già và phần lớn là đang bệnh nặng. Chắc qua đêm nay sẽ có con số tử vong cao.
Đang không thở được phải nhờ oxy mà nằm dưới tấm bạt che phất phơ thế kia thì thần chết dễ mang đi lắm. Tấm bạt có thể che nắng chứ không thể che mưa. Chỉ nghĩ đến đó đã muốn khóc cho những thân phận người mang bệnh. Sài Gòn không chỉ có cảnh như thế ở bệnh viện 115 mà còn nhiều nơi khác nữa cũng trong tình trạng đấy. Và biết bao con người hôm trước tìm đường về quê nhưng không về được. Nhà trọ không còn, không chốn nương thân, gia đình họ đêm mưa này sẽ trú ở đâu. Đau lòng quá cho đồng bào tôi trong cơn dịch.
Thành phố đề nghị chính phủ chi 28.000 tỷ VNĐ và 142.000 tấn gạo để hỗ trợ cho các hộ lao động nghèo khoảng 4,5 triệu người gặp khó khăn qua các đợt giãn cách và trong cơn đại dịch. Nếu được thế thì dân nghèo cũng ráng cầm cự cho qua đại nạn.
Đã có vài địa phương đã nhận được quà và tiền của chính quyền. Theo ý kiến của dân, chính quyền nên gởi trực tiếp cho dân bằng tiền mặt là tiện nhất. Dù đang giãn cách, chợ truyền thống đóng cửa nhưng tất cả các quận huyện trên thành phố đều có mở các cửa hàng mua bán online, hàng gì cũng có, không thiếu thứ gì chỉ ngại shipper hơi khó khăn. Nhưng hiện giờ, các shipper có giấy phép đều có thể lưu thông liên quận nên cũng đã gỡ khó phần nào.
Một người dân đưa lên mạng một gói quà và phong bì 1.200.000 đồng. Trong gói quà có 5 trái táo, chai dầu ăn, túi gạo 5kg và vài món lặt vặt khác tổng trị giá 400.000 đồng. Theo người dân, túi quà không đúng với số tiền ấy nên đề nghị để tránh những thắc mắc và suy nghĩ tiêu cực trong dân, cứ gởi cho tiền mặt là cụ thể nhất. Với số tiền đấy, họ có nhu cầu như thế nào thì mua theo nhu cầu ấy, vừa tiện lợi và nhanh chóng đến tay dân, khỏi phải qua trung gian nào.
Những ngày gần đây, số người nhiễm ở Sài Gòn không giảm bao nhiêu mà số nhiễm dịch trong cộng đồng tăng cao và con số tử vong tại nhà cũng rất nhiều nhưng không thống kê được.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố tối 16.8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu thực trạng, trung bình 24 tiếng, thành phố có khoảng 240 ca tử vong, hàng trăm bệnh nhân nặng phải thở oxy, hàng nghìn bệnh nhân hồi sức cấp cứu. Cùng với đó là hàng trăm nghìn người rời thành phố về quê, trong đó có lý do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào.
Thành phố cũng đang cố gắng tổ chức phối hợp để hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê như tiêm vaccine, tổ chức xe đưa đón, phối hợp với địa phương về như thế nào cho an toàn, xét nghiệm cho người dân trước khi về, cố gắng không gây thêm khó khăn cho các địa phương.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết những ngày qua, tỉ lệ F0 trong cộng đồng tại thành phố đang tăng, cao hơn tỉ lệ trong khu phong tỏa. Trước đây, tỉ lệ F0 trong các khu phong tỏa chiếm khoảng 80%.
“Những ngày gần đây, xu hướng ca F0 mới xuất hiện trong cộng đồng ngày càng cao, cụ thể hôm 16.8 có 3.342 ca, số ca cộng đồng chiếm 53%”.
“Khi chưa có dịch, người dân đem sức lao động đóng góp cho sự phát triển cho thành phố. Mùa dịch này các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho người dân. Phải hết sức chủ động, lưu ý thống kê đầy đủ, không được bỏ sót người nào”, ông Phong nhấn mạnh. Ông Phong khẳng định rằng: “Bệnh viện tư nào từ chối bệnh nhân thì lập biên bản, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép”.
Theo bản tin dịch tối 17.8 của Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 16.8 đến 18h ngày 17.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh dịch ghi nhận 9.595 ca nhiễm mới trong nước. Trong đó, riêng thành phố có 3.559 ca mắc. Đặc biệt, theo dữ liệu từ cổng thông tin thành phố lúc 20h ngày 17.8, trong ngày, TP xét nghiệm 15.124 mẫu, ghi nhận 3.540 ca mắc mới, trong đó có đến 2.568 ca cộng đồng với 285 ca tử vong.
Như vậy, tính riêng trong ngày 17/8, tỉ lệ ca F0 trong cộng đồng chiếm đến 72,5% so với tổng số ca mắc (ngày 16.8 tỉ lệ ca F0 trong cộng đồng tại TP được ghi nhận là 53%).
Số ca mắc mới trong cộng đồng ngày 17.8 tại TP HCM được ghi nhận nhiều nhất tại các quận: Bình Thạnh, Tân Bình, Quận 3, Huyện Hóc Môn, Bình Tân và Gò Vấp...
Đặc biệt, ở quận Bình Thạnh, số ca cộng đồng chiếm đến gần 90% số ca nhiễm trên địa bàn vào ngày 17.8. Những con số đáng lo ngại.
Trong lúc tình hình căng thẳng, những phát biểu thẳng thắn, có lợi cho dân đều được hoan nghênh dù biết rằng từ phát biểu đến thực hiện là một khoảng cách khá lớn không dễ để thực thi.
Từ con số 4,5 triệu người và ít nhất là 2,5 triệu người trong số đó đang thật sự lâm vào khó khăn không lối thoát mới thấy Sài Gòn không hoa lệ như lâu này nhiều người vẫn nghĩ. Con số ấy là 1/3 dân số của Sài Gòn. Một con số khá lớn và cho thấy người lao động nghèo ở thành phố này chiếm số đông.
Những cao ốc, những chung cư đắt tiền, những chiếc xe bạc tỷ, những lối sống hào nhoáng và xa xỉ chỉ là lớp áo ngoài che dấu những cảnh nghèo của một tầng lớp dân nghèo thành thị mà lúc khó khăn mới được phơi bày. Trong những khu dân cư lao động, trong những ngõ ngách đang bị rào kín lâu nay là hàng triệu số phận lắt lay kiếm sống hàng ngày. Giờ bị phong toả, bị cách ly, bị giãn cách họ lâm vào bế tắc. Mong những kế hoạch hỗ trợ cấp bách nhanh chóng được đến tay tầng lớp này. Mong những người nhận trách nhiệm này hãy nghĩ về đồng bào ruột thịt của mình, nghĩ đến những người già, những trẻ em đang mong chờ những đồng bạc trợ cấp của nhà nước mà bỏ cái tính xà xẻo quen tay, bỏ cái tật ăn chận như là một thuộc tính để người dân đỡ khổ, đồng tiền, món quà đến tay họ được trọn vẹn.
Những người có trách nhiệm hãy đến những khu xóm lao động ngay trong nội thành này, quý vị sẽ thấy thực trạng cuộc sống của dân nghèo sau thời gian dài giãn cách và hi vọng khi thực tế như thế, họ sẽ không nghĩ đến chuyện kiếm chút tư lợi cho cá nhân.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng nên mạnh tay kỷ luật thật nặng những cán bộ thừa hành lợi dụng cơ hội để kiếm chác trên xương máu và nỗi khổ của dân.
Trong ngày qua, nhiều hình ảnh thương tâm xuất hiện trên báo chí lấy nước mắt mọi người. Dịch bệnh khiến bao gia đình phải ly tán vì tiễn biệt người thân. Con mất cha mẹ, ông bà. Cha mẹ mất con. Tre già khóc măng non. Một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người cha già 70 tuổi đau đớn trước cái chết của con trai vừa 29 tuổi. Khi nhận tin con vừa mất, người đàn ông tuổi 70 đến làm thủ tục với hy vọng sẽ được nhìn mặt con lần cuối. Thế nhưng, điều ước đó chẳng thể thực hiện. Giây phút tiễn biệt con lên xe đi tới nhà hỏa táng, người cha già ngã quỵ bật khóc. Giữa đường phố vắng lặng, tiếng than trách, ai oán của người cha già khiến khung cảnh càng thêm não nề, bi thương. Nhìn cảnh người cha già gần như quỳ rạp xuống đất trước linh cửu của con thực sự khiến người ta rớt nước mắt.
Một hình ảnh khác cũng gây nhiều xúc cảm. Một cô bé 7 tuổi, mẹ mất vì đột quỵ phải ở với ông bà ngoại và ngay từ bé đã không biết mặt cha. Cả nhà dính dịch, bà không qua khỏi. Hai ông cháu bị cách ly ở bệnh viện dã chiến số 4. Bé đủ điều kiện xuất viện, ông còn nằm lại. Trước đó ở trọ ở quận 8, lúc này chẳng có nơi để về, đành gởi bé về nhà người quen ở Long An. Hai ông cháu chào nhau mãi chẳng ai chịu đi. Ông mếu máo vẫy tay, cháu nghẹn ngào tay vẫy. Không biết rồi ông có cầm cự được cơn dịch này không? Mong rằng cháu bé sẽ còn có được người ông, không trở thành đứa bé côi cút một mình trên cõi đời này. Cánh cổng bệnh viện đóng lại, chiếc xe rú ga chạy đi, tiếng còi hụ như thắt vào lòng người.
Sài Gòn mỗi ngày chứng kiến bao cảnh chia ly đau đớn thế này? Một nữ hộ sinh đang mang thai tử vong vì dính dịch ở Bình Dương. Đây là nhân viên y tế đầu tiên của tỉnh Bình Dương tử vong vì virus trong đợt dịch lần thứ 4 này. Con virus đã cướp đi hai sinh mạng. Có gần 12.500 ca F0 đang được điều trị trong các cơ sở y tế tại Bình Dương. Trong đó có trên 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm dịch.
Vừa nhận được tin Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê thị Kim Liên vừa qua đời vì nhiễm dịch lúc 9h sáng nay tại bệnh viện 175, thọ 75 tuổi. Chị Kim Liên là Hội viên Hội NSNA Việt Nam, Hội viên Hội Nhiếp Ảnh TP HCM, Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ Thuật TP HCM. Phó chủ nhiệm CLB Người cao tuổi SG, Chi Hội trưởng Chi hội Hải Âu TP. HCM. Nguyên Chánh văn phòng Hội Nhiếp Ảnh TP HCM. Vô cùng thương tiếc và cầu nguyện chị sớm tiêu diêu.
Mọi người cũng đau lòng trước cảnh một cụ già quỳ lạy cám ơn đội từ thiện khi nhận được mấy kí gạo. Cả nhà đói mấy hôm rồi, nay nhận được túi gạo, ông mừng rớt nước mắt, quỳ trên đất lạy tạ mọi người. Đời còn nhiều người khổ quá! Nếu không có những tấm lòng của nhiều người, cái đói chắc cũng lấy đi nhiều sinh mạng.
Dịch bệnh lấy đi của chúng ta biết bao thứ của cuộc đời. Dịch bệnh cũng gây biết bao bi thương và chết chóc. Bi kịch ở Sài Gòn vẫn còn tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ. Mỗi giây phút qua đi là mỗi công dân thành phố này từ giã cõi đời. Người già có, thanh niên có, trẻ em cũng có. Ngành nghề nào cũng có người mất vì dịch bệnh. Những vành khăn tang chưa kịp có để tiễn đưa, những nhành hoa, nén nhang chưa kịp thắp để làm cuộc chia ly vĩnh viễn.
Nỗi đau có mặt khắp nơi và chưa
thấy dấu hiệu lạc quan nào. Tôi vừa nghe tin anh bạn thân bị nhiễm dịch sau khi
dính từ nơi tiêm chủng đang phải thở máy. Cầu mong cho vợ chồng anh qua cơn khổ
nạn này. Cầu mong cho tất cả được bình an. Nỗi đau của Sài Gòn có lẽ đã đến tận
cùng. Chỉ còn biết chắp tay cầu nguyện
Đỗ Duy Ngọc/nguoiphuongnam