Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Phân biệt mỡ máu 'tốt' và 'xấu'

Phân biệt mỡ máu tốt và xấu - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. Nguồn: oukas.info
Cùng với hút thuốc và huyết áp cao, tăng cholesterol máu là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Có thể giảm lượng cholesterol trong máu nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và uống thuốc.
Có hai loại cholesterol chính là lipoprotein tỷ trọng cao (High Density Lipoprotein - HDL), hay cholesterol "tốt", và lipoprotein tỷ trọng thấp (Low Density Lipoprotein - LDL), hay cholesterol "xấu". Cơ thể cần có một lượng cholesterol nhất định, nhưng mức độ cao có thể nguy hiểm.
HDL cholesterol so với LDL cholesterol
LDL cholesterol thường được gọi là cholesterol "xấu". Nếu có quá nhiều LDL cholesterol trong máu, nó sẽ tích tụ trong thành mạch máu, khiến mạch máu bị hẹp và cứng.
Tích tụ LDL cholesterol làm giảm lưu lượng máu và có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
HDL hay cholesterol "tốt" có thể đưa LDL cholesterol từ máu đến gan để giáng hóa và phân hủy như chất cặn bã. HDL cholesterol được gọi là cholesterol tốt vì nó làm giảm mức cholesterol trong máu.
Mức HDL cao hơn có liên quan đến giảm nguy cơ đau tim và bệnh tim.
Phạm vi lý tưởng là bao nhiêu?
Cholesterol được đo bằng miligam trên mỗi decilít (mg/dL). Các hướng dẫn về mức cholesterol khỏe mạnh như sau:
- Cholesterol toàn phần dưới 200 mg/dL;
- Cholesterol LDL dưới 100 mg/dL;
- Cholesterol HDL trên 40 mg/dL.
Các khu vực và quốc gia khác nhau có thể có các hướng dẫn khác nhau, do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các phạm vi chính xác và cập nhật nhất.
Tỷ số cholesterol toàn phần/HDL cholesterol
Tỷ số cholesterol toàn phần/HDL cholesterol có thể giúp biết được liệu bạn có ăn đủ cholesterol tốt và hạn chế các nguồn cholesterol xấu hay không. Nó có thể được tính bằng cách chia chỉ số cholesterol toàn phần cho chỉ số HDL.
Lý tưởng nhất, tỷ số này phải dưới 4. Con số này càng thấp thì mức cholesterol của người đó càng lành mạnh.
Cholesterol toàn phần thường dao động, vì vậy có thể cần làm nhiều xét nghiệm máu để đánh giá chính xác. Chỉ số này có thể thay đổi theo bữa ăn, vì vậy đôi khi xét nghiệm máu sẽ được thực hiện vào buổi sáng trước khi ăn sáng.
Các nghiên cứu gợi ý rằng tỷ số cholesterol toàn phần/HDL cholesterol là một chỉ báo chính xác hơn về nguy cơ mắc bệnh tim so với chỉ số LDL cholesterol đơn thuần.
Cholesterol không HDL
Một phương pháp đánh giá chỉ số cholesterol khác là tính chỉ số cholesterol không HDL. Con số này được đo bằng cách lấy chỉ số cholesterol toàn phần trừ đi HDL cholesterol.
Phương pháp này được một số bác sĩ coi là chính xác hơn bởi vì nó bao gồm cả chỉ số lipoprotein tỷ trọng rất thấp (Very Low Density Lipoprotein - VLDL) trong tính toán.
Tương tự như LDL cholesterol, VLDL cholesterol cũng có thể tích tụ bên trong thành mạch máu, điều không mong muốn.
Lý tưởng nhất, chỉ số cholesterol không HDL nên dưới 130 mg/dL. Giá trị cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nguyên nhân khiến LDL cholesterol cao
Các nguyên nhân khiến LDL cholesterol cao bao gồm:
- Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo hydro hóa có thể làm tăng mức LDL cholesterol.
- Ít vận động: Không tập thể dục đủ có thể dẫn đến tăng cân, có liên quan đến tăng cholesterol.
- Béo phì: Những người thừa cân có nguy cơ cao bị tăng cholesterol.
- Hút thuốc lá: Một chất trong thuốc lá làm giảm mức cholesterol HDL và làm hỏng lớp niêm mạc mạch máu, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch.
- Bệnh nội khoa: Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến cholesterol LDL bao gồm tiểu đường loại 2, nhược giáp, bệnh thận hoặc gan, và nghiện rượu.
- Mãn kinh: Đối với một số phụ nữ, cholesterol có thể tăng sau khi mãn kinh.
- Di truyền: Tăng cholesterol máu gia đình (Familial Hypercholesterolemia  - FH) là một thể bệnh cholesterol cao di truyền khiến người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tim sớm.
Cách giảm LDL cholesterol
Những thay đổi lối sống sau đây có thể giúp giảm LDL cholesterol:
- Duy trì cân nặng lành mạnh;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Bỏ thuốc lá;
- Sử dụng liệu pháp statin khi được kê đơn;{*)
- Bổ sung niacin (vitamin B-3).Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin B-3 có thể làm giảm cholesterol LDL trong khi tăng HDL. Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung niacin.
Những người đang muốn giảm LDL cholesterol cũng nên tránh ăn các chất béo bão hòa và chất béo trans. 
Thực phẩm cần tránh là:- Bánh ngọt và bánh quy;- Thực phẩm ăn sẵn đông lạnh, ví dụ như pizza đông lạnh;- Macgarin;- Đồ ăn nhanh chiên rán;- Kẹo nhân kem;- Bánh rán;- Kem:-- Bánh pudding đóng gói;- Bánh sandwich ăn sáng làm sẵn;- Khoai tây chiên.
Các bí quyết ăn uống khác để ngăn LDL tăng cao bao gồm:
- Thay đổi nguồn chất béo: Thay chất béo bão hòa bằng dầu hạt thực vật và chất béo không bão hòa chuỗi đơn từ dầu ô liu, quả bơ và dầu canola.
- Tăng lượng chất xơ: Chế độ ăn nhiều chất xơ được cho là tốt cho chỉ số cholesterol toàn phần trong máu. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong các loại trái cây, rau và yến mạch đặc biệt có lợi.
- Ăn nhiều tỏi hơn: Tỏi giàu các hợp chất có thể giúp giảm lượng cholesterol trong máu. Các tác dụng có lợi chỉ thấy được khi ăn tỏi thường xuyên trong hơn 2 tháng./.
----------------------------------------------------------------------------------------
( *) Tác dụng phụ của thuốc giảm mỡ máu
Sau khi chúng ta dùng thuốc giảm mỡ máu một thời gian dài có thể dẫn đến tác dụng phụ hay tác dụng ngoại ý từ nhẹ đến nặng. Hầu hết các bác sĩ đã điều trị, đặc biệt bác sĩ chuyên khoa tim mạch hay nội tiết lại rất thận trọng kê toa thuốc cho bạn và thường họ sẽ chọn loại thuốc thích hợp, chi phí kinh tế thích hợp và đặc biệt tác dụng ngoại ý thấp nhất có thể cũng như đúng với chỉ định, liều lượng và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng ngoại ý khi dùng.
Dưới đây là một số tác dụng ngoại ý khi bạn dùng các thuốc giảm lipid máu hay giảm triglyceride, giảm cholesterol toàn phần
- Đối với hệ gan mật: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm rối loạn chức năng gan như tăng men SGOT/SGPT. Nghĩa là làm hoại tử tế bào gan ít nhiều. Khi SGOT (ASAT) và SGPT (ALAT) tăng trên gấp 3 lần bình thường, bắt buộc phải ngừng thuốc đang dùng. Những trường hợp viêm gan cấp hoặc mãn có men gan tăng kéo dài thì chống chỉ định dùng thuốc trị tăng mỡ máu;
- Đối với hệ tiêu hóa: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm rối loạn tiêu hóa (1%) như ăn uống khó tiêu, táo bón khi dùng thuốc nhóm fibrate; đầy hơi (khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn) khi dùng thuốc nhóm statin;
- Đối với hệ thần kinh: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên;
- Đối với hệ da, cơ, xương, khớp: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm đau cơ khi sử dụng loại atorvastatin hoặc yếu cơ, đôi khi nhức mỏi các khớp, dị ứng da, ngứa, nổi mày đay;
Khi phối hợp với thuốc kháng đông uống phải theo dõi hàm lượng prothombin qua chỉ số INR chặt chẽ vì dễ tăng nguy cơ chảy máu, thuốc điều trị tăng mỡ máu có thể làm tăng hoặc hạ đường máu. Tăng creatin phosphokinase (CPK) trên 10 lần mức bình thường phải ngưng dùng atorvastatin. Tuyệt đối không phối hợp với perhexiline gây viêm gan cấp tính có thể gây tử vong.
Một số lưu ý quan trọng khác là các thuốc điều trị tăng mỡ máu bị chống chỉ định trên phụ nữ có thai và phụ nữ thời kỳ đang cho con bú. Đối với nhóm fibrate nên uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn chính; đối với nhóm thuốc statin uống trước hoặc sau ăn đều có tác dụng như nhau.
(theo tuoitre)