Chuyên trang du lịch Rough Guides đã đưa ra danh sách 10 di sản thế giới đẹp nhất ở châu Á dưới đây
1. Các ruộng bậc thang Philippines: Nằm trong khu vực Cordillera phía bắc Luzon, những ruộng bậc thang được người Ifugao tạo ra và canh tác cách đây hơn 2.000 năm. Ruộng bậc thang tạo nên từ đá và bùn, thể hiện cho hệ thống kỹ thuật canh tác lúa nước trên sườn núi, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều thế kỷ. (Ảnh: Roughguides).
2. Công viên khảo cổ Angkor (Campuchia): Là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi đây gồm rất nhiều đền đài, hệ thống thủy lợi và các tuyến đường giao thông quan trọng của Đế chế Khmer từ thế kỷ 9-15. Trong đó, ngôi đền đáng chú ý nhất là Angkor Wat, được cho là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới được xây dựng từ đầu thế kỷ 12. Đền được xây dựng bằng các khối đá sa thạch khai thác từ núi Phnom Kulen, vận chuyển về bằng bè dọc theo sông Siem Reap. (Ảnh: Angkor-Cambodia).
3. Vịnh Hạ Long: Vịnh thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ. Cái tên Hạ Long xuất phát từ truyền thuyết về một con rồng bay từ trên trời xuống, phun ngọc ra từ phía trên mặt biển. Những viên ngọc này khi chạm nước đã tạo thành những hòn núi đá vôi để ngăn quân thù. Các ngọn núi đá vôi hùng vĩ nổi trên mặt biển xanh biếc tạo nên một khung cảnh ngoạn mục thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Pixabay/CCO).
4. Núi lửa Kamchatka (Nga): Nơi này nằm trên bán đảo Kamchatka, phía đông nước Nga, có có mật độ núi lửa dày đặc. Khu vực có hệ thống động thực vật hoang dã phong phú và cảnh quan thiên nhiên đẹp với bờ biển, hồ và sông. (Ảnh: Russia).
5. Trung tâm lịch sử của Bukhara (Uzbekistan): Có niên đại hơn 2.000 năm, thành phố Uzbek của Bukhara nằm trên con đường tơ lụa. Là một trong những thành phố lớn nhất của Trung Á, lại nằm ở vị trí ngã tư của các tuyến đường thương mại, Uzbek trở thành một trung tâm dành cho các thương gia và khách du lịch. Nổi bật trong các tòa nhà còn được bảo quản đến ngày nay là lăng Ismail Samanid, một ví dụ tuyệt vời của kiến trúc Hồi giáo thế kỷ 10. (Ảnh: Dreamstime).
6. Di tích lịch sử Kyoto (Nhật Bản): Kyoto là kinh đô, trung tâm văn hóa của Nhật Bản từ năm 794 đến thế kỷ 19. Thành phố này có kiến trúc gỗ truyền thống đặc trưng, và những khu vườn xinh đẹp, và là nơi có ngôi chùa ấn tượng, cung điện lớn cùng bảo tàng đẹp. (Ảnh: UNESCO).
7. Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc): Với chiều dài trên 20.000 km, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 17 để bảo vệ lãnh thổ, gồm tường thành, pháo đài, tháp canh được xây dựng bởi đất, gỗ, gạch và đá. Không chỉ là một bức tường bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm, nó còn bảo tồn văn hóa và truyền thống của Trung Quốc. (Ảnh: List25).
8. Hệ thống đường sắt trên núi (Ấn Độ): Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 dưới thời cai trị của thực dân Anh, hệ thống đường sắt trên núi của Ấn Độ thể hiện cho kỹ thuật nổi bật thời bấy giờ. Tuyến đường sắt này có ảnh hưởng đến mỗi khu vực nó đi qua, giúp thay đổi diện mạo kinh tế xã hội và văn hóa của các vùng này. Ngày nay, các tuyến đường sắt đi qua các vùng núi đá ghồ ghề nhưng mang phong cảnh tuyệt đẹp trở thành hành trình được nhiều du khách yêu thích. (Ảnh: Thebetterindian).
9. Đền vàng Dambulla (Sri Lanka): Tọa lạc tại trung tâm Sri Lanka, đây là tu viện hang động được bảo quản tốt nhất. 5 khu bảo tồn nép mình dưới hòn đá cao chót vót, được tôn tạo thành những bức tượng và tranh miêu tả cảnh Phật giáo. Đây là một địa điểm hành hương nổi tiếng với nhiều Phật tử ngay từ thế kỷ đầu tiên của Công nguyên. (Ảnh: SriLanka Experience).
10. Di sản rừng mưa nhiệt đới đảo Sumatra, Indonesia: Bao gồm 3 công viên quốc gia với tổng diện tích hơn 2 triệu ha, đây là nơi có thảm thực vật, động vật rất đa dạng: 10.000 loài thực vật, 201 loài động vật có vú và hơn 550 loài chim. Cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp với các hang động, thác nước, hồ băng và núi lửa. (Ảnh: UNESCO).