Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Các Biến Chứng Thận Của Bệnh Tiểu Đường


Tiểu đường đã và đang trở thành nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thận ở giai đoạn 
chót (thận trở nên hoàn toàn vô dụng trong việc thải các chất độc ra khỏi cơ thể, cần 
phải lọc thận hoặc thay thận) ở Mỹ và Châu Âu.

Ở Hoa Kỳ, bệnh thận gây ra do tiểu đường chiếm khoảng 40% các trường hợp mới của
 bệnh thận ở giai đoạn chót. Khoảng 20% đến 30% các bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 hoặc
 loại 2 sẽ bị bệnh thận.

Tỉ lệ sẽ bị tổn thương thận tiến triển đến giai đoạn chót của các bệnh nhân bị bệnh tiểu
 đường loại 2 thấp hơn so với những người bị tiểu đường loại 1. Tuy nhiên, vì trong số những
 người bị tiểu đường, số lượng những người bị tiểu đường loại 2 cao hơn nhiều so với loại 1,
 cho nên hơn phân nửa những bệnh nhân tiểu đường bắt đầu cần phải lọc thận, lại là các 
bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Sự tiến triển tự nhiên của tổn thương thận ở bệnh nhân tiểu đường 
 
Các dấu hiệu sớm nhất của tổn thương của thận ở các bệnh nhân tiểu đường là sự xuất
 hiện một số lượng (tuy) nhỏ (nhưng) bất thường của chất đạm (được gọi là) albumin bị 
thải ra trong nước tiểu, tiếng chuyên môn gọi dấu hiệu này là microalbumin (30 mg/mỗi ngày).

Nếu không được điều trị thích hợp, khoảng 80%, các bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 có 
microalbumin sẽ bị thải chất albumin ra trong nước tiểu ngày càng nhiều, với mức độ 
tăng khoảng 10% đến 20% mỗi năm, đến độ nặng gọi là macroalbumin (300 mg/mỗi ngày).
 Khi đã bị macroalbumin, ở các bệnh nhân tiểu đường loại 1, sự tiến triển đến mức thận 
hoàn toàn vô dụng sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể (được trị liệu ra sao, 
có kèm theo những bệnh gì khác, vân vân), nhưng nói chung, bệnh sẽ tiến triển đến giai
đoạn chót trong vòng 10 năm ở 50% các bệnh nhân, và trong vòng 20 năm ở 75% các bệnh
 nhân.

Ở các bệnh nhân tiểu đường loại 2, bệnh nhân thường tìm thấy bị microalbumin và 
macroalbumin sớm hơn sau khi được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường. Nếu không được
 điều trị thích hợp, 20% đến 40% những người bị microalbumin sẽ tiến triển đến mứ
 macroalbumin.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% những người tiểu đường loại 2 bị macroalbumin sẽ tiến triển 
đến giai đoạn chót trong vòng 20 năm. Con số này thấp hơn của những người bị tiểu 
đường loại 1, một phần vì những người lớn tuổi bị tiểu đường loại 2 có nguy cơ cao hơn
 bị chết do các bệnh liên quan đến sự tắt nghẽn của động mạch vành (cung cấp máu nuôi 
tim), khiến họ không kịp sống đến khi bệnh thận phát triển đến giai đoạn chót (với các 
tiến bộ trong việc điều trị các bệnh tim, ngày càng có nhiều bệnh nhân tiểu đường loại 2
 sống “được” đến khi bệnh thận phát triển đến giai đoạn chót).

Bên cạnh việc là dấu hiệu của tổn thương thận, sự xuất hiện của chất albumin trong nước 
tiểu cũng là một báo hiệu của nguy cơ bị bệnh tim cũng như tử vong do bệnh tim, ở cả các 
bệnh nhân tiểu đường loại 1 cũng như loại 2.

Do đó, microalbumin trong nước tiểu cũng là một chỉ định cho việc truy tầm các bệnh tim 
mạch và tăng cường việc làm giảm các nguy cơ tổn thương tim mạch, như là trị cao huyết
 áp chặt chẽ, hạ mức cholesterol xấu LDL, bỏ hút thuốc, thể dục đúng mức…
Ngược lại, cũng có một số chứng cứ ban đầu cho thấy hạ mức cholesterol cũng có thể
 giúp hạ việc albumin bị thải ra nước tiểu.

Thử albumin trong nước tiểu như thế nào 
 
Vì việc xuất hiện của albumin trong nước tiểu đóng vai trò báo hiệu quan trọng như vậy,
 nên việc xét nghiệm theo dõi điều này là điều quan trọng trong việc tìm thấy, phòng và chữa
 các biến chứng thận do bệnh tiểu đường. Xét nghiệm này nên được thực hiện ngay khi
 một bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2. Còn ở người bị tiểu đường loại 1, 
xét nghiệm này cần được thực hiện bắt đầu năm năm sau khi bệnh được chẩn đoán.
 

Vì mỗi trường hợp mỗi khác, nên việc xét nghiệm albumin trong nước tiểu này sẽ có thể được thực hiện 
sớm hơn tùy thuộc vào phán đoán của bác sĩ.
 Sau khi đã thử lần đầu, nếu không thấy
albumin trong nước tiểu, mỗi năm ta cần kiểm
 tra chuyện này lại một lần.
 
Có ba phương pháp chính để tìm albumin
 trong nước tiểu:
-Một là đo một cách ngẫu nhiên trong một mẩu 
nước tiểu.
-Hai là lấy nước tiểu của cả 24 tiếng đồng hồ trong ngày.
-Ba là lấy nước tiểu trong một khoảng thời gian nào đó, ví dụ như là sáu tiếng đồng hồ, 
qua đêm…

Cách thứ nhất tương đối tiện lợi nhất và cũng tương đối chính xác, và do đó thường được
 thực hiện nhất. Trong cách này, mẩu nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng thường tốt nhất 
vì người ta mức thải albumin trong nước tiểu vào các thời khắc khác nhau trong ngày đã 
được biết đến, và mức nước thải albumin vào lúc đầu tiên sau một đêm thường được khảo 
sát hơn cả để tính toán thành mức của cả 24 tiếng đồng hồ. Nếu không làm được điều này,
 mỗi lần lấy nước tiểu, ta nên thực hiện vào cùng một giờ giấc sẽ cho kết quả tương đối tốt
 hơn.

Một số yếu tố có thể làm mức albumin trong nước tiểu cao lên, là sau khi tập thể dục, lấy
 nước tiểu trong lúc mức đường máu đang cao, đang bị nhiễm trùng đường tiểu, đang bị 
bệnh gây sốt, huyết áp đang quá cao.
 
Sau khi đã tìm thấy albumin trong nước tiểu, việc điều trị sẽ được bắt đầu (nếu các thuốc
 này chưa được cho bệnh nhân dùng trước đó). Sau đó việc tiếp tục kiểm soát mức 
albumin trong nước tiểu sẽ có thể giúp các bác sĩ theo dõi hiệu quả của điều trị cũng như 
sự tiến triển của biến chứng thận.

Bên cạnh xét nghiệm quan trọng này, nhiều xét nghiệm khác cũng góp phần theo dõi
 chức năng và mức độ tổn thương của thận.

BS NguyenTranHoang