“Laughter is the most inexpensive and most effective wonder drug”
Bertrand Russel
Ta thường nghe nói: “Cười bằng mười thang thuốc bổ ”, “Cười là dược phẩm tuyệt hảo”, hoặc “Cười mang vui cho người, cho ta”..
Những ý kiến về sự ích lợi của nụ cười với sức khỏe này không phải là khám phá mới lạ, nhưng khoa học thực nghiệm ngày nay đã chứng minh các nhận xét đó là đúng.
Cụ Nguyễn Công Trứ của ta chẳng lấy nụ cười để giải cơn sầ
“Ngồi buồn mà trách ông Xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười;
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Vâng, làm cây thông ngạo nghễ vươn cao lên mà reo cười chẳng thú lắm sao.
Cụ Nguyễn Khuyến thì:
“Được thua hơn kém lưng hồ rượu,
Hay dở khen chê, một trận cười”
để xóa bỏ mọi tỵ hiềm trách móc khen chê.
Cụ Phan Bội Châu thì lấy nụ cười để xóa bỏ mọi dị biệt, oán thù giữa con người với con người:
“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Nhưng nhân ái hơn vẫn là nụ cười của mẹ hiền:
Ví mà tôi đổi thời gian được,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” - Trần Trung Đạo
Friedrich Nietzche triết lý “Trên thế gian, con người chịu nhiều đau đớn quá ghê gớm khiến họ bắt buộc phải sáng tạo ra tiếng cười.”
Nhà nhân chủng học Francois Rabelais thì cho “Cười là đặc tính của con người”.
Triết gia Pháp Henri Louis Bergson thêm “ Biết cười và biết chọc cười là hai đặc tính của con người và là một hiện tượng tích cực của xã hội.”
Vậy Cười là gì nhỉ?
Theo Tự Điển Việt Nam của Nguyễn Như Ý, cười là “tỏ rõ sự vui vẻ, thích thú bằng sự cử động môi hoặc miệng và có thể phát ra thành tiếng”.
Các tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa cười là “nhích môi, há miệng, nhe răng, phát ra tiếng hay không để tỏ sự vui mừng hay một ý tứ gì”.
Một tác giả khác giải thích “cười là một hành động tạo ra những âm thanh và cử động của mặt và thân thể, biểu thị một cách sôi nổi một sự thích thú, vui vẻ hoặc khinh bỉ”.
Cười là một động tác bẩm sinh, xuất hiện ở bất cứ em bé nào sanh ra được dăm tuần lễ, dù các em chẳng may có bị tật nguyền khiếm khuyết thính thị. Bé mới sanh 10 ngày tới sáu tháng chưa biết nhột mà cảm thấy khó chịu khi ta cù vào chân. Sau tuổi đó, khi cù thì bé lại lăn ra ngủ vì không biết cách đối phó. Mãi tới bốn tuổi bé mới biết nhột và cười khi ta cù gãi vào chân.
Nói chung, để được gọi là cười, phải có sự phối hợp của ba yếu tố: hơi thở thoát khỏi miệng từng hồi đứt đoạn; tiếng động do không khí chạm vào thanh quản và sự co giựt của bắp thịt trên mặt. Các bắp thịt này rất nhỏ, ngắn nhưng tương ứng với nhau: một cơ chuyển động thì các cơ khác cũng phụ họa theo.
Cười bắt đầu ở cửa miệng với sự nhếch mép làm chuyển động các bắp thịt ở miệng, mũi, má, quanh mắt. Chuyển động lan xuống khí quản, dây thanh âm, các bắp thịt ở bụng, hoành cách mô, phổi. Hơi thở thoát ra rồn rập và nếu kéo dài có thể đưa tới hụt hơi, ngộp thở.
Những kiều cười
Trên mặt có 15 cặp bắp thịt tham dự vào việc cười, trong khi đó thì có tới 72 bắp thịt cần được vận dụng để nhăn nhó, khó chịu. Y lý và võ thuật Đông phương cho là có cả trăm huyệt cười trên cơ thể, với ba huyệt chính: một nằm ở gan bàn chân, huyệt đại tiếu ở nách và huyệt kinh môn ở lưng.
Tùy theo các bắp thịt co mà ta có những nụ cười khác nhau:
nụ cười nửa miệng, cười miếng chi, chúm chím;
cười duyên, cười tình, cười con mắt có đuôi;
cười rúc rích với nhau như mấy bé gái nói vụng với nhau về mấy cậu trai cùng trường;
cười khì, cười hề hề thành thật vì vui không hậu ý, vô thưởng vô phạt;
cười khoái trá, cười giòn tạo không khí vui vẻ, sung sướng;
cười hóm hỉnh ranh mãnh nhìn vào mắt kẻ đối thoại như muốn tỏ rằng mình đã biết cái bí ẩn, bề trái của họ;
cười xòa, cười huề bỏ qua mọi căng thẳng cho xuôi công việc;
cười ngoại giao, cầu tài nịnh, cười lỏn lẻn, dã lã để được việc cho mình;
cười mát chế riễu, cười khẩy coi thường, cười nhạt không bằng lòng, cười quỷ quyệt ngọt ngào nhưng đầy âm mưu xấu;
cười tới chẩy nước mắt, vãi đái và đau cả bụng;
Lịch sử kim cổ đã có nhiều nụ cười đáng nhắc nhở như tiếng cười ô trọc, ngạo mạn củaVõ Tắc Thiên; cười khêu gợi của Dương Quý Phi; nụ cười thầm kín, huyền bí khi ẩn khi hiện trên bức tranh của thiếu phụ Joconde; nụ cười hứa hẹn của Điêu Thuyền khi chuốc rượu Lã Bố; cười vô tư, tự do của bầy trẻ vừa tan lớp học; cười đáng giá ngàn vàng của Bao Tự; cái cười khoái trá, liên tục đến chết của Trình Giảo Kim trước tình đời đen bạc tráo trở; cười hà hà, khanh khách, the thé rồi ằng ặc của Bành Trưởng Lão khi bị Hoàng Dung thôi miên; cười thỏa mãn của Ngưu Cao khi nhẩy xuống sông bắt sống được tướng địch Ngột Duật.. Hoặc
“Miệng cười bừng nở hàm răng lựu;
Sáng cả trời xanh mấy dặm trường”, qua thơ Huy Cận.
Và công dụng của Cười ra sao?
Kinh nghiệm dân gian Việt Nam vẫn nói “Cười bằng mười thang thuốc bổ.»
Cách ngôn Ái Nhĩ Lan có câu “Một nụ cười thoải mái, một giấc ngủ ngon là các liều thuốc hữu hiệu nhất của các thầy thuốc.»
Voltaire đã có ý kiến «Nghệ thuật của y học là giữ cho người bệnh được thoải mái để cho thiên nhiên làm hết bệnh» Thiên nhiên đây phải chăng là nụ cười.
Đã có nhiều quan sát, nghiên cứu thực nghiệm về công dụng của nụ cười với sức khỏe.
1 - Ích lợi thể xác
a - Với bệnh Tim
Theo bác sĩ thần kinh tâm trí William Fry, chuyên viên về hài hước và sức khỏe, thì đã có những chứng minh khoa học là sự cười đùa thích thú kích thích đa số các hệ thống sinh lý trong cơ thể. Một cơn cười rung bụng làm tim đập mau hơn, máu lưu thông dễ dàng hơn, các bắp thịt vận động co duỗi tốt hơn. Nó giống như một sự vận động và sau trận cười ta cảm thấy thư giãn thoải mái. Những nụ cười như vậy ngăn cơn suy tim bằng cách làm tâm thần thoải mái, nhẹ nhàng, tan biến buồn rầu, tức giận, giảm ứ đọng máu lưu thông tránh tai biến não, làm giảm khó chịu vì nan bệnh ung thư..
Trên Tạp san Y Học Hoa Kỳ JAMA ngày 12-7- 1984, bác sĩ Donald Black cho hay cơn cười vui tái tạo sự thăng bằng, kích thích máu lưu thông và tạo ra cảm giác thoải mái.
Tại Đại Hội lần thứ 73 của hiệp Hội Tim Hoa Kỳ tại thành phố New Orleans, Hoa Kỳ, ngày 15 tháng 11 năm 2000, bác sĩ chuyên khoa Tim Mạch Michael Miller trình bầy là người bị bệnh tim cười 40% ít hơn so với người cùng lứa tuổi không có bệnh tim. Họ thường ít nhận ra hoàn cảnh đáng cười hoặc là lợi dụng hoàn cảnh đó để thoát ra khỏi một khó chịu. Ngoài việc cười ít hơn , họ còn dễ giận hờn dù hoàn cảnh có tích cực, đáng vui. Theo bác sĩ Miller, cho tới bây giờ, để giảm nguy cơ lên cơn suy tim, ta thường giảm chất béo, vận động cơ thể, không hút thuốc lá. Nhưng trong tương lai, có lẽ lời khuyên để có một trái tim lành mạnh, sẽ gồm có vận động cơ thể, ăn uống đúng cách, giảm chất béo, không hút thuốc lá kèm theo một hoạt động hữu ích khác là cười đùa vui vẻ nhiều lần trong ngày.
Người ta chưa biết tại sao cười ngừa được bệnh tim nhưng chắc chắn là sự căng thẳng tâm thần có liên hệ tới tổn thương viêm thành mạch máu rồi chất béo đóng trên động mạch vành, đưa tới lên cơn đau tim. Nên nhớ một trong những nguy cơ của cơn suy tim là căng thẳng, lo âu.. Khi tươi cười thì ta cảm thấy tự tin, tích cực và kiểm soát được sự hoảng sợ và sẽ phục hồi mau hơn.
b - Với Huyết áp
Nụ cười làm hạ huyết áp. Khi mới cười thì huyết áp hơi nhích lên một chút. Nhưng sau một tràng cười, cơ thể đã thoải mái rồi thì huyết áp giảm xuống.
c - Tăng sức đề kháng
Cười tăng khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Theo Hội Tiếu Trị Liệu American Association for Therapeutic Humor, cười tăng sản xuất T cell chống lại vi khuẩn, tăng sức đề kháng, tăng hóa chất tốt trong cơ thể.
d - Cười với viêm xương khớp
Nhà báo Norman Cousins bị bệnh viêm cứng khớp đốt xương sống. Ông ta thấy mỗi ngày khi cười rung bụng mươi phút thì giảm đau và ngủ thoải mái được hai giờ mà không cần dùng thuốc men gì. Theo Cousins, sự cười có tác dụng tốt vào tâm trí ông ta do đó giảm khó khăn bệnh hoạn. Cười làm thư giãn bắp thịt bằng cách tăng hóa chất catecholamine, hóa chất này lại kích thích tiết ra một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể là endorphins.
đ - Cười giảm cơn đau
Nhiều bệnh viện đã áp dụng trị liệu bằng Cười như một thứ thuốc làm giảm đau đớn, lo âu ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Hiện nay có trên 1300 Câu Lạc Bộ Cười Laughter Club trên thế giới do bác sĩ Kataria bên Ấn Độ khởi xướng thành lập. Ta nhớ rằng có nhiều cơn đau cũng do cảm xúc mà ra và nếu ta ngâm mình trong sầu bi, tự trách thì cơn đau tăng, mà qua sự vui cười hớn hở thì đau cũng giảm lần.
e - Cười với hô hấp
Cười làm hô hấp tốt hơn và giảm thán khí trong máu; tăng cường hệ miễn dịch, có nhiều huyết cầu tố chống lại nhiễm hô hấp; cung cấp nhiều dưỡng khí cho não bộ, khiến ta suy nghĩ tốt hơn; giảm huyết áp, giảm u sầu; làm bắp thịt mạnh hơn. Có người đã nói rằng nếu ta thực hiện từ 100 tới 200 cơn cười mỗi ngày thì sẽ mang lại ích lợi cho cơ thể tương đương với mươi phút chạy bộ.
g - Cười với trí não
Những nụ cười giúp máu huyết lưu thông dễ dàng, do đó não cũng được nuôi dưỡng đầy đủ. Các chức năng của não hoạt động hữu hiệu hơn, con người tinh anh sáng suốt hơn.
h - Cười với vận động cơ bắp
Trong khi ta cười thì các bắp thịt ở hoành cách mô, lồng ngực, trên mặt, trong ruột... đều chuyển động và trở nên mạnh mẽ, dẻo dai hơn, tiêu hóa thực phẩm hữu hiệu, dưỡng khí vào phổi nhiều...Cười cũng giup tiêu hao một số năng lượng dư thừa nằm trong các tế bào mỡ ở bụng, ở mông, tương tư như một lúc đi bộ.
2 - Ích lợi Tinh thần
Victor Hugo có nói: «Tiếng cười là ánh nắng mặt trời làm tan biến mùa đông trên gương mặt lạnh như tiền».
Còn Arnold Glasgow thì cho tiếng cười là viên thuốc an thần không có tác dụng phụ».
Các nghiên cứu cho hay, nụ cười làm giảm căng thẳng, làm tinh thần phấn khởi, làm thư giãn tâm hồn và giúp ta cảm thấy thoải mái.
Óc hài hước thay đổi thái độ con người. Họ trở nên nhãn nhặn, hiền hòa, dễ thương hơn. Không có óc hài hước, con người như ù lì, trì trệ, cau có.
Theo Joe Goodman, Giám Đốc Chương Trình Hài Hước Humor Project, thì một số kích thích tố tiết ra do căng thẳng đều bị cơn cười vui làm tan biến. Trong đời sống hàng ngày, ta không thể tránh được những phút căng thẳng, nhưng một cơn cười phá đều làm nó hết đi. Ta có thể tự hài hước mà không mất tiền mua, không cần gia nhập câu lạc bộ sức khỏe hoặc đi khám bác sĩ.. Ông ta đề nghị chúng ta lập một thư viện với nhiều phim, sách hài hước khác nhau. Khi thấy dấu hiệu buồn phiền thì vào coi một đoạn phim, đọc một đoạn văn vui, để rồi cười phá lên.
Freud coi cười là môn thuốc tẩy xổ ưu phiền.
Darwin coi cười là đối nghịch với khóc mà khóc là dấu hiệu của phiền não, đau đớn.
Từ lâu, các nhà y học đã nhận thấy rằng những bệnh nhân yêu đời, tự tin và hy vọng đáp ứng thuận tiện hơn với điều trị và mau lành hơn người lúc nào cũng u sầu, than thân, nản lòng.
Voltaire có ý kiến tương tự: “Có người cười như lên cơn động kinh; người ta cũng nói có kẻ chết vì cười; điều này tôi không tin lắm nhưng chắc chắn là có nhiều người chết vì sầu thảm”.
Tác giả Nguyễn Gia Thiều cũng đã viết:
“Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa”.
3 - Cười với tương quan xã hội
Nhà văn tiền phong Nguyễn Văn Vĩnh thì: “Việt nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”
Cười làm ta tự tin, yêu đời hơn, tăng giao hảo với mọi người. Nơi làm việc mà có sự hòa thuận, vui vẻ thì nhân viên làm việc với nhiều hiệu năng, giảm căng thẳng, tăng sản xuất và tăng tình cảm đẹp giữa người này với người khác.
Nụ cười có sức mạnh hàn gắn mọi xích mích, bất hòa, đổ vỡ vì nụ cười mang con người xích lại với nhau, tạo ra quan hệ tốt. Có người đã nói «Nụ cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai con người».
Cười cũng cho ta một khoảng cách để lùi lại, một thời gian để suy nghĩ và đối phó với khó khăn rồi tiếp tục tiến tới.
Làm sao để có nụ cười
Cười là một xúc động lành mạnh dễ lan truyền, chứ không nguy hiểm như lây lan cúm gia cầm, cúm người. Đây là một hoạt động giải trí tự nhiên, không tốn tiền, không có tác dụng xấu, thích hợp cho mọi người, mọi tuổi. Chỉ một nụ cười nhỏ nhưng niềm vui có thể lan truyền khắp trái đất.
Cho nên khi thấy một nụ cười, hãy tiếp nhận, đừng để nó lạc lõng và hãy tạo ra một dịch cười, khiến mọi người cùng nhiễm cái vui. Cũng may là rất ít người miễn nhiễm, dị ứng với cười, dù là đến từ ai.
Để có óc hài hước, có nụ cười:
Mỗi ngày hày tìm kiếm cơ hội để cười
- Tăng tiếp xúc với nguồn hài hước
- Mỗi ngày dành mươi mười lăm phút để cười
- Khi nghe một câu chuyện cười thích thú thì ghi lại
- Cười VỚI mọi người chứ không cười VỀ người ta. Người với người khác làm tan băng giá mà cười (diễu) về người khác là tạo ra băng đá.
- Tránh nói chuyện buồn
- Cười khi thấy thích hợp
- Học cười ở trẻ em : tới tuổi mẫu giáo, các em cười 300 lần mỗi ngày, còn người lớn giòi lắm chỉ cười được 17 một ngày. Liêu có hà tiện quá không nhỉ ?!!
Kết luận
Nói về ích lợi của Cười đối với cơ thể thì nhiều vô tận.
Xin kết luận với câu nói của Steve Bhearman: “Hài hước có sức mạnh chữa trị rất lớn đối với xúc động. Ta không thể vừa tức giận, sợ hãi, đau đớn khi ta đang ôm bụng cười phá lên.”
Và của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Nếu ta duy trì một tình cảm thân ái và đầy tình thương thì tự nhiên cửa lòng ta mở rộng. Qua cánh cửa đó, ta sẽ đối thoại dễ dàng với mọi người. Ta sẽ thấy rằng họ cũng như ta và từ đó ta sẽ sẵn sàng liên hệ với họ và tạo ra một tình bạn tốt, sẽ bớt đi sự e dè, không còn cảm giác sợ hãi, nghi ngờ, bất an”.
Người Nhật mỗi buổi sáng đều chào đón bình minh với lời cầu nguyện và vỗ tay, như để khơi động mở màn cho một ngày mới. Chỉ với vỗ tay là tiếng gọi thể xác bừng tỉnh, làm ta thấy vui vẻ, sung sướng.
Giá kề, ai cũng làm được như vậy, thì thế giới sẽ tràn ngập những nụ cười...
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC/vet bao