Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

10 đột phá y học thế giới năm 2018

Hàng năm, các nhà nghiên cứu vẫn lặng lẽ phát minh ra nhiều tiến bộ mới cho y học. Dưới đây là 10 đột phá y học lớn đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền y học năm 2018, theo Thisisinsider.

 
10 đột phá y học thế giới năm 2018








 
"Vắcxin" loại bỏ khối u ở chuột.

Tháng 1/2018, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford thông báo tìm các bệnh nhân ung thư để thử nghiệm lâm sàng vắcxin ung thư, sau khi họ đã loại bỏ thành công khối u ở chuột.

Nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện tiêm "một lượng nhỏ hai chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào khối u rắn ở chuột có thể loại bỏ mọi dấu vết ung thư ở động vật, kể cả ung thư di căn".


Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 90 con chuột và 87 trong số đó đã được chữa khỏi bệnh ung thư. 3 con chuột còn lại ung thư tái phát tuy nhiên các khối u đã thoái lui sau lần điều trị thứ hai.

"Tôi tin rằng loại vắcxin này có thể chữa được mọi loại bệnh ung thư, miễn là nó có thể xâm nhập vào hệ thống miễn dịch của cơ thể", Ronald Levy, giáo sư chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.



10 đột phá y học thế giới năm 2018







Cấy ghép mặt lần hai

Tháng 4/2018, Hamon 43 tuổi ở Pháp, là người đầu tiên được cấy ghép mặt lần thứ hai thành công trên thế giới.

Người đàn ông này bị u xơ thần kinh tuýp 1. Đây là một dạng rối loạn di truyền gây ra các khối u lành tính, biến dạng trên khuôn mặt. Hamon đã trải qua một ca cấy ghép mặt vào năm 2010, đến năm 2016 cơ thể xuất hiện hiện tượng đảo thải ghép. Anh sống hai tháng mà không có mặt, sau đó được các bác sĩ tiến hành cấy ghép mặt lần thứ hai. Ca ghép lần hai có sự giám sát của Laurent Lantieri, bác sĩ thực hiện ca cấy ghép đầu tiên của Hamon. 

Ca phẫu thuật thành công và mang lại cho Hamon một khuôn mặt mới.
 
10 đột phá y học thế giới năm 2018









Thuốc giảm chất béo trong máu

Thuốc kê đơn Vascepa được phát hiện có công dụng giảm nguy cơ tim mạch lên đến 25%. Loại thuốc này chỉ có một hoạt chất là ethyl icosapent đã được FDA cấp phép vào năm 2015 để điều trị cho người có hàm lượng chất béo trong máu cao. Năm 2018, công dụng của loại thuốc này trong điều trị tim mạch mới được chính thức công nhận.

"Đây thực sự là nghiên cứu quan trọng nhất trong lĩnh vực giảm rủi ro về tim mạch", tiến sĩ Matthew Budoff, bác sĩ tim mạch tại UCLA cho biết.

10 đột phá y học thế giới năm 2018









Thuốc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mũi tiêm có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Bệnh thường đi kèm với buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.

Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến khoảng 39 triệu người Mỹ, giải pháp điều trị cho tình trạng suy nhược gần như không có.

Tháng 5/2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố đã phê duyệt Aimovig là phương pháp điều trị dự phòng cho chứng đau nửa đầu. Phương pháp này được thực hiện mỗi tháng một lần thông qua tiêm.

Đây là loại thuốc đầu tiên được công nhận có tác dụng ngăn chặn hoạt động của peptide liên quan đến gen calcitonin, một phân tử có liên quan đến các cơn đau nửa đầu.

Hiệu quả của Aimovig trong điều trị dự phòng chứng đau nửa đầu được đánh giá cao trong ba thử nghiệm lâm sàng. Thuốc được ghi nhận có khả năng giảm tần suất đau nửa đầu của bệnh nhân.

 10 đột phá y học thế giới năm 2018









Kiểm soát khả năng sinh sản.

Tháng 3, các nhà nghiên cứu Đại học Washington, Seattle, Washington đã tuyên bố thử nghiệm thành công thuốc tránh thai dành cho nam là dimethandrolone undecanoate hoặc DMAU. Thuốc hoạt động tương tự như thuốc tránh thai cho phụ nữ bằng cách kết hợp các loại hormone nam như testosterone và proestin. Liều lượng uống mỗi ngày một lần, không dùng cho bệnh nhân bị giảm cholesterol HDL. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là ngăn chặn sản xuất tinh trùng và giảm sản xuất testosterone. Tuy nhiên, đây không phải là bước đột phá duy nhất.

Tháng 12, Gizmodo báo cáo rằng các nhà khoa học đã bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng lớn để thử nghiệm kiểm soát sinh sản nam bằng gel. Gel thoa lên lưng và vai mỗi ngày một lần, có chứa sự kết hợp của hợp chất proestin và testosterone được hấp thụ qua da.

Đây là một bước tiến lớn về y tế. Một số người còn cho rằng phương pháp này thuận tiện hơn các phương pháp kiểm soát sinh sản hiện tại cho phụ nữ.

10 đột phá y học thế giới năm 2018





T



Thuốc điều trị trầm cảm

Ketamine, loại ma túy được ưa chuộng của thập niên 60, có thể giúp điều trị trầm cảm.

Tháng 5/2018, Johnson's johnson, một trong những công ty dược phẩm chuyên về thuốc chống trầm, đã trình bày một số nghiên cứu mới đầy triển vọng. Phiên bản ketamine của họ là thuốc xịt mũi được làm bằng một hợp chất gọi là esketamine, hình ảnh phản chiếu hóa học của ketamine.

Trong thử nghiệm lâm sàng thuốc, các nhà nghiên cứu đã cho 236 người trưởng thành bị trầm cảm điều trị bằng thuốc chống trầm cảm truyền thống trong bốn tuần cùng với thuốc xịt mũi esketamine. Một nửa dùng thuốc xịt, nửa còn lại dùng thuốc truyền thống.

Sau 28 ngày, kết quả cho thấy những người sử dụng thuốc xịt thực sự đã có cải thiện đáng kể về các triệu chứng trầm cảm của họ so với những người dùng loại thuốc truyền thống.

 10 đột phá y học thế giới năm 2018







Kính áp tròng thông minh theo dõi đường huyết

Kính áp tròng thông minh có thể theo dõi đường huyết ở những người bệnh tiểu đường để giảm bớt sự bất tiện cho bệnh nhân, nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan ở Hàn Quốc. Kính áp tròng mới có khả năng phát hiện nồng độ glucose ở bệnh nhân tiểu đường. Theo thông cáo báo chí, ống kính thông minh được tích hợp các thiết bị điện tử trong suốt, dễ uốn, sử dụng nước mắt để theo dõi nồng độ glucose.

"Những chiếc kính áp tròng thông minh này được làm bằng vật liệu nano trong suốt, do đó không cản trở tầm nhìn của người đeo", Jihun Park - tác giả đầu tiên của sáng chế này cho hay. "Bên cạnh đó, vì hệ thống sử dụng ăng-ten không dây để đọc thông tin cảm biến, không có nguồn năng lượng riêng biệt nên các cảm biến kính áp tròng thông minh họat động nhờ pin".

Đến nay, các kính áp tròng chỉ mới được thử nghiệm trên thỏ sống, chưa được thử nghiệm ở người.

10 đột phá y học thế giới năm 2018









Thuốc điều trị ung thư vú và buồng trứng

Thuốc ức chế PARP là một bước đột phá trong điều trị ung thư vú và buồng trứng, được sử dụng cho 20.000 bệnh nhân trên toàn thế giới.

PARP, polybo ADP ribose polymerase, là một protein được tìm thấy trong các tế bào có khả năng giúp các tế bào DNA bị tổn thương tự phục hồi. Đây là loại thuốc mới có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa sự tiến triển của ung thư vú và buồng trứng, thực hiện chức năng phục hồi, tái cấu trúc các các tế bào ung thư và tế bào chết.

Vào tháng 10, một loại thuốc khác, Lynparza, cũng đã được ghi nhận có khả năng giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy khi được kết hợp với hóa trị liệu, Lynparza đã ngăn chặn hoặc đảo ngược sự phát triển khối u ở 60% bệnh nhân sau ba năm thử nghiệm, tỷ lệ này là 27% với nhóm chỉ được điều trị hóa trị.

Thuốc được chỉ định dùng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư vú di căn. 




10 đột phá y học thế giới năm 2018







Kích thích não sâu của người bị liệt do đột quỵ

Kích thích não sâu (DBS) là một bước đột phá cho bệnh nhân bị liệt do đột quỵ được các nhà nghiên cứu của Phòng khám Cleveland đã sử dụng.

Andre Machado, MD, Ph. D. và Kenneth Baker, Ph. D. đã thử nghiệm DBS trên một phụ nữ 59 tuổi bị liệt nửa người sau khi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. 5 tháng sau khi bệnh nhân được cấy ghép một điện cực DBS trong tiểu não, các nhà nghiên cứu nhận thấy các chức năng vận động của người phụ nữ này có sự cải thiện đáng kể.

Tháng 5/2018, nhóm nghiên cứu đã được trao 2 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia để nghiên cứu thêm về lợi ích của DBS ở bệnh nhân đột quỵ.
"Nếu nghiên cứu này thành công, nó sẽ mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân bị đột quỵ và tê liệt", Machado nói. "Đó là cơ hội giúp bệnh nhân bị liệt có thể phục hồi được chức năng vận động".

10 đột phá y học thế giới năm 2018









Em bé sinh ra từ tữ cung người chết ghép vào cơ thể mẹ

Ngày 4/12, lần đầu tiên Brazil công bố một bé gái khỏe mạnh đã được sinh ra bằng tử cung của một người đã chết ghép vào cơ thể mẹ. Em bé này chào đời từ cuối năm 2017.

Từ năm 2014, ca sinh con nhờ tử cung ghép đã được ghi nhận thành công song đều là tử cung hiến từ người còn sống. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con nhờ tử cung cấy ghép từ người hiến tặng đã qua đời.

Thành công của ca cấy ghép mở ra một cánh cửa mới cho những người không thể mang thai do bệnh lý ở tử cung.



Thùy An/ vn express