Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Miển dịch trị liệu dùng tế bào T-cells: một đột phá trong việc trị liệu ung thư

Theo kết quả nghiên cứu, rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vốn chỉ còn sống được vài tháng đã cho thấy sự suy giảm gần như hoàn toàn các dấu hiệu của ung thư sau khi áp dụng liệu pháp mới này.

Các tế bào ung thư đang phát triển

Các trang Sky NewsThe Independent cùng đồng loạt đưa tin, trong buổi họp báo thường niên mới đây của Liên hiệp Khoa học Tiến Bộ Mỹ (AAAS)  một kết quả nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson nằm tại Seattle (Mỹ) cho thấy, một liệu pháp tế bào T (T-Cell) mới đã đem lại hiệu quả điều trị đáng kinh ngạc đến mức nhiều phương pháp khác đã "bó tay" nhưng liệu pháp này vẫn tỏ ra có tác dụng vượt ngoài mong đợi.


Nhưng trước khi vui mừng với thông tin này, các bạn nên chú ý rằng vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân không có phản ứng với liệu pháp này và thậm chí, tình trạng một số bệnh nhân còn tệ hơn khi được điều trị. Tuy nhiên, đây là một đặc điểm chung của việc điều trị ung thư và luôn có một tỷ lệ rủi ro nhất định.

Còn nhìn theo hướng tích cực, có nhiều loại ung thư đã có phản ứng tốt với liệu pháp này. Đặc biệt như ung thư máu - loại ung thư không thể phẫu thuật mà chỉ có thể hoá trị, xạ trị hoặc ghép tuỷ (tuỷ dùng để ghép phải phù hợp với cơ thể bệnh nhân), liệu pháp T-Cell cũng tỏ ra hết sức khả quan. Ví dụ như 35 bệnh nhân ung thư lympho cấp tính (ALL) được điều trị thì có đến 94% đã chuyển sang tình trạng suy giảm hoàn toàn các dấu hiệu bệnh lý. Tình trạng suy giảm bệnh lý trên không có nghĩa là bệnh đã được chữa khỏi vì chúng vẫn có thể quay trở lại, song cũng đã phần nào cải thiện đáng kể sức khoẻ của người bệnh
.
Một tế bào bạch huyết đang phát triển thành T-Cell hoàn thiện

GS. Stanley Riddell, người đứng đầu dự án nghiên cứu, mô tả: "Trong phòng thí nghiệm cũng như các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi ghi nhận các phản ứng mãnh liệt trên các bệnh nhân mang các khối u vốn rất cứng đầu với liệu pháp hoá trị nồng độ cao truyền thống. Đó là những bệnh nhân đã thất bại với mọi phương pháp (đã biết). Hầu hết các bệnh nhân trong thử nghiệm của chúng tôi dự kiến chỉ còn sống được từ 2 - 5 tháng nữa. Kết quả này thật ngoài sức tưởng tượng. Thực lòng mà nói, đây là điều chưa từng có trong giới y học, khi mà tỷ lệ phản ứng lại cao đến như vậy ở những bệnh nhân đã bị nặng đến thế".

Liệu pháp T-cell là gì?

Về cơ bản, liệu pháp T-Cell này sử dụng những tế bào T đã được thay đổi để nhận dạng tốt hơn các tế bào ung thư. T-Cell là một trong số những thành phần quan trọng của hệ miễn dịch chúng ta. Chúng nhận diện các loại virus và vi khuẩn có hại khi các mầm bệnh này xâm nhập vào cơ thể. T-Cell đặc biệt còn có khả năng "nhớ" để mỗi khi các mầm bệnh trên tấn công trở lại (một đợt bùng phát dịch mới chẳng hạn) thì chúng sẽ phản ứng nhanh để dập tắt dịch bệnh sớm hơn những cơ thể mới bị bệnh đó lần đầu.

Vấn đề đáng nói ở đây là các tế bào ung thư, về bản chất, lại chính là các tế bào do cơ thể tự sinh ra. Chúng không phải yếu tố ngoại lai như vi khuẩn hay virus đến từ bên ngoài nên T-Cell thường không phân biệt được tế bào ung thư và tế bào thường. Nên một trong số các hướng để tiêu diệt ung thư là các nhà khoa học "huấn luyện" T-Cell để nhận dạng được đâu là "cư dân tốt" và đâu là "cư dân nổi loạn" bên trong cơ thể. Bằng cách gắn các đầu thụ cảm kháng nguyên dạng khảm (chimaeric antigen receptor - CAR) lên bề mặt T-Cell, nhóm của GS. Riddell đã thực hiện được điều tuyệt vời trên.

Chìa khoá để T-Cell có thể tiêu diệt được ung thư là các đầu thụ cảm giúp nhận diện ra chúng

Các đầu thụ cảm (receptor) có thể hiểu như những cánh tay hay đôi mắt của T-Cell. Câu chuyện sẽ dễ hình dung hơn khi xem T-Cell như là cảnh sát và mầm bệnh như tội phạm. Khi đi "tuần tra" trong cơ thể, T-Cell sẽ "chặn" các tế bào lại và "kiểm tra danh tính" của chúng bằng cách chạm các đầu thụ cảm này lên "đối tượng nghi vấn". Các đầu thụ cảm này vốn dĩ chỉ gắn kết được với một số cấu trúc phân tử đặc biệt vốn chỉ có ở các mầm bệnh. Nếu quá trình gắn kết này xảy ra, T-Cell sẽ hiểu tế bào vừa bị "bắt" chính là tội phạm đang bị truy nã và sẽ tiến hành tiêu diệt chúng, nhờ đó mà ngăn chặn được dịch bệnh. Tất nhiên vẫn có một tỷ lệ nhận "nhầm" nhỏ song về cơ bản, việc "giết nhầm hơn bỏ sót" này đã giúp toàn bộ cơ thể sống khoẻ mạnh trong suốt hàng chục năm qua mà chúng ta hầu như không hề biết gì về sự hiện diện của chúng.

Riêng với tế bào ung thư, như đã nêu, vì chúng là các tế bào "nổi loạn" nên T-Cell thường không nhận diện được chúng. Bằng việc tách T-Cell từ chính cơ thể bệnh nhân ra, sau đó thêm vào các đầu thụ cảm CAR được trích ra từ một dòng chuột biến đổi gene, nhóm các nhà khoa học của trung tâm Fred Hutchinson đã tạo ra được loại T-Cell đặc biệt phân biệt được đâu là tế bào "lành" và "nổi loạn".

Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như thế, làm sao để CAR T-Cell sau khi cấy trở lại cơ thể bệnh nhân vẫn hoạt động ổn định và không gây phản ứng nhiễm độc cho cơ thể là một điều khó. Phản ứng nhiễm độc này hay có thuật ngữ riêng là cytokine storm, trong đó thể hiện sự phản ứng mãnh liệt thái quá của hệ miễn dịch (đặc biệt là tế bào bạch cầu) khi phát hiện mầm bệnh.

Sau khi phát hiện ra mầm bệnh (trở lại với ví dụ trên), T-Cell sẽ tiết ra cytokine vốn là một nhóm các protein đặc biệt có chức năng tương tự còi báo động. Sự xuất hiện của cytokine sẽ gây chú ý cho các tế bào bạch cầu xung quanh và chúng sẽ "phong toả" khu vực có sự cố để tiến hành vây bắt những mầm bệnh còn sót lại. Thông thường quá trình báo động này sẽ kết thúc khi mầm bệnh được tiêu diệt hết và mọi thứ trở lại bình thường.

Tuy vậy ở vài trường hợp (chưa rõ nguyên nhân), số lượng tế bào bạch cầu tập trung ở khu vực có mầm bệnh quá đông và chúng cùng tiết ra quá nhiều cytokine. Sự tập trung cao hàm lượng cytokine khiến nó trở thành một độc chất đối với bộ phận đó và các mô tế bào liên quan. Nếu so sánh với các bộ phim Hollywood, cytokine storm cũng giống việc các siêu anh hùng đánh nhau với tội phạm và phá nát cả một góc thành phố. Dĩ nhiên việc này chưa xảy ra trong xã hội chúng ta nhưng ở trong cơ thể, đó là một tình huống nghiêm trọng và hậu quả có thể gây chết người nếu cơ quan bị nhiễm độc đóng một vai trò quan trọng. Một số nghiên cứu cho rằng các trận dịch cúm gần đây như cúm gia cầm 2009 hoặc SARS 2003, số lượng trẻ em tử vong vì chính mầm bệnh còn ít hơn vì sự phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.

Các bước của liệu pháp T-Cell
1 - Trích T-Cell bình thường từ cơ thể bệnh nhân, 2 - Biến đổi T-Cell bằng cách bổ sung các đầu thụ cảm đặc biệt
3 - Nuôi cấy T-Cell để tăng trưởng về số lượng, 4 - Bệnh nhân trước đó được điều trị tạm bằng hoá trị
5 - Đưa ngược T-Cell đã được biến đổi trở lại cơ thể

Trở lại với T-Cell CAR, cũng có một số trường hợp đã có phản ứng nhiễm độc. 7 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giải phóng cytokine (sCRS) và có 2 trường hợp quá nặng đã dẫn đến tử vong. Do đó, nhóm của GS. Riddell vẫn đang cố gắng ổn định hơn các tế bào được biến đổi này để chúng ít nguy hiểm hơn với chính cơ thể bệnh nhân. Song cũng cần nói thêm là đa số bệnh nhân được thử nghiệm đều đang ở giai đoạn cuối và sức khoẻ của họ cũng đã yếu đi rất nhiều.

Một vấn đề khác nữa cần giải quyết là khả năng giữ lại các đầu thụ cảm mới trong cơ thế bệnh nhân. Cũng như các tế bào khác, T-Cell cũng chết theo thời gian và nếu "kinh nghiệm" của chúng không được lưu giữ cho thế hệ T-Cell sau, liệu pháp này sẽ không có tác dụng lâu dài. Lý do vì khác với các mầm bệnh đến từ bên ngoài, ung thư tự sản sinh từ trong cơ thể. Sự suy giảm triệu chứng trong một khoảng thời gian chỉ có nghĩa là số lượng các tế bào ung thư đã bị giảm đi, hoặc bị ức chế năng lực hoạt động, do sự xuất hiện của T-Cell CAR. Nhưng nếu T-Cell CAR biến mất, các mầm ung thư lại có cơ hội sẽ tăng trưởng trở lại vì không còn ai tìm diệt chúng.

GS. Riddell nói thêm: "Những tế bào này có năng lực sinh sôi mạnh. Chúng có khả năng sống sót trong thời gian dài giống như các tế bào nhớ (của hệ miễn dịch). Và chúng cũng có khả năng phân biệt được các dòng tế bào khác nhau vốn là điều cần thiết trong việc điều hoà các hoạt động ngăn ngừa khối u".

Liệu pháp hoá trị để lại nhiều tác dụng phụ nhưng không chắc chữa được hết mầm ung thư

Năng lực phân biệt tế bào "lành" và "bệnh" là một điều khá quan trọng. Các liệu pháp trị ung thư như hoá trị và xạ trị thường không có năng lực này và cả tế bào không bệnh cũng bị tiêu diệt. Điều này không chỉ làm lãng phí số thuốc điều trị mà quan trọng hơn, nó khiến cho bệnh nhân bị mệt mỏi và suy kiệt vì nhiều tế bào lành đóng vai trò xây dựng nên cơ thể.

Ngoài ra, liệu pháp T-Cell được cho là có hiệu quả hơn với các loại ung thư "chất lỏng" như ung thư máu và tuỷ xương. Điều này cho là vì T-Cell thường xuyên có mặt trong các mạch máu lẫn tuỷ hơn ở những khu vực khác. Một trường hợp thử nghiệm cũng dựa trên T-Cell nhưng của nhóm nghiên cứu khác cho thấy những tế bào biến đổi này vẫn tiếp tục tồn tại trong mạch máu của bệnh nhân suốt 14 năm sau khi được truyền dịch vào cơ thể.

GS. Chiara Bonini, thuộc ĐH Vita-Salute và học viện Khoa học San Raffaele ở Milan (Ý), nhận xét về liệu pháp T-Cell: "Lần cuối cùng tôi thấy một sự thay đổi về tỷ lệ suy giảm triệu chứng ung thư như vậy là từ tận 2000. Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Tôi nghĩ chúng ta đang ở điểm xuất phát của một con đường. Tôi nghĩ sản phẩm đầu tiên (dựa trên T-Cell) sẽ sớm có mặt thôi. T-Cell là một loại thuốc sống, mà thực tế, chúng có tiềm năng bám trụ trong cơ thể chúng tôi suốt cả quãng đời".

Huyền Thế (theo vnreviews.vn)