Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Thuốc giả : cuộc chiến dài hơi chống mạng lưới buôn lậu toàn cầu


Thuốc giả : cuộc chiến dài hơi chống mạng lưới buôn lậu toàn cầu

Hàng năm, gần 800.000 người chết vì thuốc giả (hay tân dược giả). Tình trạng buôn bán thuốc giả ngày càng phát triển mạnh, không chỉ ở những quốc gia kém phát triển mà ngay cả tại các nước công nghiệp. Song song với những chuyến vận chuyển bằng đường thuỷ hay đường bộ, hiện nay mạng internet trở thành môi trường béo bở cho loại hình kinh doanh bất hợp pháp và bất nhân này.

Đài phát thanh RFI dành một chương trình đặc biệt để phản ánh về hiện trạng này nhân Quỹ Chirac phát động ra chiến dịch chống thuộc giả bắt đầu từ ngày 14/09/2015. Hiện trạng buôn bán thuốc giả được RFI giải thích thành sáu điểm dưới đây :

Quy mô của tệ nạn buôn thuốc giả

Tháng 02/2014, hải quan Pháp tại cảng Le Havre (miền bắc Pháp) đã phát hiện 2,4 triệu sản phẩm thuốc giả trên bao bì ghi tên “Trà Trung Quốc”. Chúng gồm các loại thuốc aspirine, thuốc tăng cường sinh lý dành cho nam giới hay những sản phẩm nhái không có tác dụng và còn gây nguy hiểm tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Không những lập kỉ lục tại châu Âu về số lượng bị thu giữ, chuyến dịch trên cũng cho thấy thị trường thuốc giả - từ các khâu sản xuất, phân phối, kinh doanh bất hợp pháp và tiêu thụ - còn đầy tiềm năng.

Một con số thống kê khác do Viện Nghiên cứu chống thuốc giả quốc tế (Iracm) cung cấp cũng gây sửng sốt : 1/4 số kiện hàng bị hải quan châu Âu kiểm tra đều chứa thuốc giả. Từ vài năm trở lại đây, thuốc tân dược trở thành mặt hàng được làm giả nhiều nhất, vượt qua cả thuốc lá.

Thủ đoạn lừa gạt người tiêu dùng này không phải gần đây mới xuất hiện, nhưng ngày càng trở nên chuyên nghiệp, quốc tế hoá và phát triển mạnh trong vòng hai thập kỷ gần đây. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration) của Hoa Kỳ thẩm định 1/10 thuốc tân dược được bán ra trên thế giới là hàng giả.

Hiện tượng này tác động tới toàn thế giới tuy không cùng phương thức và quy mô. Châu Phi là vùng đất có các mạng lưới tội phạm hoành hành nhiều nhất. Tùy theo từng quốc gia, khoảng 30-70% số lượng thuốc bán ra trên lục địa đen là thuốc giả. Chúng được bán công khai ngoài chợ, giữa thanh thiên bạch nhật và do các phòng điều chế bất hợp pháp tại Ấn Độ hay Trung Quốc cung cấp hàng container. Theo Interpol, Kenya, Nam Phi, Nigeria và một phần Tây Phi là những thị trường béo bở của “tình trạng tội phạm dược phẩm”. Trong khi đó, các nước Bắc Phi lại có thị trường trực tuyến nở rộ và khó lòng phân biệt được “thật hư lẫn lộn”.

1/2 số lượng dược phẩm bán trực tuyến là hàng giả

Internet là môi trường lý tưởng, là thị trường mở và tự do giúp tình trạng buôn bán thuốc giả ngày càng phát triển mạnh. Nếu như khó có thể đưa ra con số thống kê chính xác thị phần thuốc giả bán ra trên thị trường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định khoảng 1/2 số lượng thuốc bán ra là hàng giả.

Còn theo hai tổ chức Mỹ chống kinh doanh dược phẩm trực tuyến, LegitScript (dịch vụ xác minh và giám sát dược phẩm trực tuyến) và National Association of Boards of Pharmacy (NABP), 95% các trang kinh doanh dược phẩm trên mạng internet hoạt động không đúng pháp luật.

Cụ thể là, trong số 35.610 “hiệu thuốc” hoạt động trên internet, thì từ 200-300 là hợp pháp (chiếm 0,6%), 1.819 có thể là hợp pháp (5,1%), trong khi đó có tới 33.579 hiệu thuốc là bất hợp pháp (94,3%). Danh sách này chắc còn kéo dài nếu tính thêm trường hợp khoảng 350 website bán dược phẩm bị đóng cửa tại Tây Ban Nha trong năm 2014.

Thị trường Pháp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ông Bernard Leroy, tổng giám đốc viện Iracm, phân tích chi tiết : “Pháp cũng bị ảnh hưởng mạnh vì hoạt động kinh doanh thuốc trên internet. Những kẻ tội phạm có thể can thiệp vào các giao dịch trên các website hợp pháp để tráo các trang này bằng các trang giả mà người sử dụng internet không hề hay biết”.

Lỗi này thường do tệp tin (cookie) gây nên. Cookie là những đoạn văn bản ghi thông tin mà người sử dụng internet đã tạo ra và được lưu lại trên trình duyệt khi truy cập internet. Đôi khi, những cookie này rất hữu ích, nhưng chúng thường được sử dụng để quảng cáo sản phẩm tương đương mà người sử dụng internet vừa tìm kiếm.

Các loại dược phẩm bị làm giả

Các loại dược phẩm bị làm giả rất đa dạng, tuỳ theo từng nước mà các mạng lưới phạm pháp nhắm tới. Không có một loại bệnh nào, dù nhẹ hay nan y, mà không trở thành nạn nhân của thuốc giả. Những kẻ buôn lậu đáp ứng đủ mọi nhu cầu chữa bệnh : từ bệnh sida tới ung thư, từ bệnh tiểu đường tới huyết áp cao, hay chỉ là đau đầu, sổ mũi.

Tại châu Phi khu vực Sahara, chủ yếu là sản phẩm bắt chước các loại vắc-xin, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc tiểu đường, thuốc tránh thai, thuốc chống bệnh ung thư. Các loại bệnh lây nhiễm như bệnh sốt rét, virus HIV hay bệnh lao là những con mồi được ưu tiên.

Còn tại các nước phát triển ở bắc bán cầu, các loại sản phẩm thường không được hệ thống bảo hiểm y tế hoàn trả lại là địa hạt của thuốc giả. Thường đó là những “sản phẩm chức năng” như thuốc giảm béo, các loại sản phẩm chống rối loạn chức năng sinh lý, các chất steroid hay hooc-môn.

Bác sĩ Caroline Atlani, giám đốc điều phối chống hàng giả tại công ty dược Sanofi cho biết : “Các sản này không chứa đủ lượng hoạt chất cần thiết và không hề đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn. Vì vậy, bệnh nhân có thể sẽ bị nhiều rủi ro : ngoài lượng độc tố có mặt trong thuốc giả, thì các loại dược phẩm này có thể vô tác dụng và dẫn tới nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hay gây biến chứng cho bệnh nhân”.

Viện Iracm chia thành sáu loại thuốc giả : loại không có hoạt chất chính giúp chữa bệnh (chiếm 32,1% trường hợp), loại chứa các hoạt chất giả (21,4%), loại không đủ liều lượng (20,2%), các trường hợp còn lại là bao bì giả, chứa chất bẩn trong thuốc và là thuốc nhái sản phẩm thật. Ông Bernard Leroy lấy ví dụ : “Tại Niger, cách đây vài năm, 2.500 trẻ em được tiêm vắc-xin làm từ nước sông”.

Những kẻ sản xuất và buôn thuốc giả luôn biết nắm bắt cơ hội. Sau khi biến thuốc thú y thành thị trường đầy lợi nhuận, những nạn dịch mới đây, như dịch Ebola, và các loại cúm trở thành miếng bánh béo bở cho loại hình tội phạm này.

Các yếu tố giúp thị trường thuốc giả nở rộ

Lợi nhuận là yếu tố đầu tiên. Sản xuất một loại thuốc thật rất tốn kém, mà trước hết là chi phí cho công việc nghiên cứu, sau đó là sản xuất thành thuốc. Thuốc giả mang giả mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. Theo thẩm định của Iracm, với khoản đầu tư chừng 1.000 đô la, một kẻ buôn thuốc giả có thể thu về tới 400.000 đô la, gấp 20 lần so với buôn ma tuý (20.000 đô la). Ông Bernard Leroy phân tích : “Một máy nén thuốc có giá khoảng 2.500 đô la. Và nó có thể đóng tới 500.000 viên chỉ trong vòng một buổi chiều”. Lợi nhuận của thị trường này có thể lên tới 200 tỉ đô la mà không cần phải đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng hay trang thiết bị. Chính vì vậy, mạng lưới tội phạm không ngừng phát triển trong lĩnh vực này.

Ông Bernard Leroy cũng lo ngại trước tiến bộ của công nghệ in ba chiều (3D) giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất thuốc giả. Ông nói : “Các phương tiện truyền thông nói rất nhiều tới rủi ro đối với các phụ tùng xe hơi, nhưng lại không đề cập tới dược phẩm giả, như van tim nhân tạo chẳng hạn”. Trái ngược với lo ngại của ông Leroy, đầu tháng 08/2014, dược phẩm đầu tiên được in bằng công nghệ ba chiều đã được cấp phép tại Hoa Kỳ.

Vậy những kẻ buôn lậu thuốc giả sẽ gặp những rủi ro nào ? Tại nhiều nước, nguy cơ rủi ro rất hãn hữu, do đường biên giới trùng điệp, do hệ thống pháp lý rườm rà thiếu đồng nhất và chưa được quốc tế hoá. Những kẻ buôn lậu thuốc giả cũng biết tận dụng điểm yếu của hệ thống bảo hiểm xã hội, thậm chí tại một số nước còn không có loại hình phúc lợi xã hội này như tại châu Phi, thậm chí cả Hoa Kỳ. Việc thanh toán tiền thuốc chiếm một phần quan trọng trong thu nhập của một các nhân hay một gia đình. Vì vậy, một số người tìm cách mua thuốc rẻ hơn thường được bán tại các địa điểm không có phép. Chính tại đây, rủi ro mua phải thuốc giả vô cùng cao. Ông Bernard Leroy lấy ví dụ trường hợp viêm gan C tại Ai Cập :

“Phần lớn dân cư mắc bệnh này (tại Ai Cập). Có một loại thần dược chữa khỏi tới 90% các trường hợp mắc bệnh. Nhưng chỉ một viên thuốc đã có giá tới 10 đô la, và phải theo liều điều trị kéo dài 90 ngày. Chỉ cần như vậy cũng có thể hình dung ra được mạng lưới phạm pháp đầu tư khai thác thị trường này như thế nào.”

Vẫn theo ông Bernard Leroy, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp thuốc giả lớn nhất thế giới : “Nước này có rất nhiều công ty bào chế nổi tiếng. Nhưng người ta thấy nhiều công ty bào chế ban ngày hoạt động hợp pháp, còn ban đêm thì lại phạm pháp và họ sản xuất những loại thuốc chỉ chứa 5% hoạt chất. Chính vì vậy, họ có thể vượt qua mọi cuộc kiểm tra”. Và các loại thuốc chứa ít hoạt chất vẫn được đưa ra bán, kể cả chúng không có tác dụng.
Cuối cùng, chính việc không phải tiết lộ danh tính trên internet đã tạo cơ hội cho nhiều “hiệu thuốc ảo” bất hợp pháp hoạt động và tuồn hàng giả, với khối lượng lớn, ra thị trường. Trong khi việc hợp tác tư pháp liên quốc gia vẫn còn chưa được thiết lập, phá vỡ một mạng lưới buôn thuốc giả ở nước ngoài vẫn còn là một thách thức đối với ngành hải quan và những kẻ buôn lậu vẫn còn cơ hội lộng hành.

Lực lượng chống tệ nạn buôn thuốc giả
 

Tổ chức Hải quan quốc tế (OMD), được viện Iracm hỗ trợ, đã tiến hành nhiều chiến dịch mạnh tay tại 15 cảng lớn ở châu Phi. Trong năm 2013, 550 triệu viên thuốc con nhộng bị tịch thu. Năm 2008, tập đoàn bào chế dược phẩm Sanofi đã thành lập riêng một phòng nghiên cứu thuốc giả (LCAC). Nhân viên của Sanofi đã phân tích hơn 20.000 sản phẩm có dấu hiệu khả nghi do các cơ quan y tế, cảnh sát hay hải quan cung cấp. Và để đối phó với nhu cầu ngày càng tăng, trong vòng 5 năm, số lượng nhân viên của phòng thí nghiệm tại thành phố Tours đã tăng gấp đôi.

Interpol cũng thường xuyên tiến hành nhiều chiến dịch, chủ yếu tại châu Phi, trong đó phải kể đến chiến dịch Pangea hàng năm, quy tụ các ngành hải quan, cơ quan y tế, cảnh sát quốc gia và cả lĩnh vực tư nhân, nhắm vào việc kinh doanh bất hợp pháp các loại thuốc và thiết bị y tế trên mạng internet.

Chiến dịch Pangea VIII kéo dài từ 09-16/06/2015 đã quy tụ được 115 nước tham gia với kết quả là 156 vụ bắt giữ trên toàn thế giới và thu giữ 20,7 triệu loại thuốc có thể gây nguy hiểm với tổng trị giá lên tới 81 triệu đô la. Chiến dịch Pangea VIII cũng tiến hành 429 cuộc điều tra, rút 550 quảng cáo trực tuyến liên quan tới dược phẩm bất hợp pháp và đóng 2.414 website. Ngoài các tổ chức quốc tế, tham gia vào chiến dịch này còn có lĩnh vực tư nhân liên quan tới internet, như Google, Mastercard, Visa, Paypal hay LegitScript.

LegitScript là một trang mạng được thành lập năm 2007 cho phép xếp loại các hiệu thuốc trực tuyến. Trang này làm việc với nhiều tổ chức khác trong lĩnh vực y tế như NABP, hay với các nhà cung cấp dịch vụ internet và các công cụ tìm kiếm như Google, Bing hay Yahoo!

Các biện pháp được tiến hành và trong tương lai

Theo ông Bernard Leroy : “Các chính phủ không có chiến lược lâu dài, cũng như pháp chế phù hợp. Cần phải xem lại ba điều : thứ nhất là định nghĩa của “hàng giả”, phải dự tính được các cách thức phạm pháp và cuối cùng là các mức án thích đáng. Ngoài ra còn phải đào tạo thêm nhiều nhân viên hơn nữa.”

Lấy một ví dụ cụ thể về việc thiếu sự hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. Hiệp ước Medicrime hiện là công cụ pháp lý quốc tế duy nhất và đầy đủ nhất để quy tội việc sản xuất, phân phối thuốc giả, nhưng mới chỉ được… 5 quốc gia ký kết, gồm Ukraina, Guinea, Tây Ban Nha, Hungari và Moldova.

Liên quan tới thị trường ảo, viện Iracm khuyến cáo nên “gắn cho website bán thuốc trực tuyến một nhãn bảo đảm và một biểu tượng (logo) để xác nhận độ an toàn rằng “hiệu thuốc” này kinh doanh hợp pháp và bán các loại thuốc phù hợp với tiêu chí chất lượng và độ tin cậy. Ngoài ra, cũng nên phổ biến trên mạng internet danh sách chính thức các trang bán hàng tin tưởng.”


Cuối cùng, có lẽ biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tới hỏi ý kiến các dược sĩ tại hiệu thuốc để tránh bị nhầm lẫn. Vì “Người ta không chết vì đeo túi giả hay mặc áo phông giả. Ngược lại, thuốc giả lại có thể gây chết người.” (Howard Zucker, phó giám đốc tổ chức Y tế thế giới, WHO). 

20 /01/2016