- Viện Giám sát Cúm Châu Âu mới đây khuyến cáo những người nghi mắc bệnh cúm cần phân biệt rõ các biểu hiện "cảm lạnh" và "cúm" theo đúng nghĩa y học.
Theo Giáo sư Koos van der Velden, làm việc tại Viện Giám sát Cúm Châu Âu, cúm là một bệnh lý do virus có tên influenza (thể A hoặc B) gây ra, có thể gọi là "cúm dịch".
Trên thực tế, bệnh "cúm" nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với chứng "cảm lạnh". So với cúm dịch, chứng cảm lạnh thông thường có diễn biến chậm hơn và không bị biến chứng vào phổi.
(Ảnh: medicinenet.com, TTO)
Các nghiên cứu của Viện Giám sát Cúm Châu Âu còn cho thấy chứng cảm lạnh thường xảy ra vào đầu tháng 9 ở đối tượng là trẻ em, trong khi bệnh cúm dịch lại bắt đầu sớm nhất vào tháng 12 và kéo dài không quá từ 5 đến 8 tuần. Đối tượng dễ mắc bệnh cúm nhất là thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, ở độ tuổi này, bệnh cúm thường được chữa trị dễ dàng và không để lại di chứng. Những người ở tuổi trung niên trở lên, mặc dù khó nhiễm bệnh hơn, nhưng khi mắc lại thường là những ca phức tạp, có nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, một khi có các biểu hiện cúm, người bị bệnh cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cho đến nay, cách phòng chống cúm dịch hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắcxin, nhưng theo các nhà chuyên môn, hiệu quả tiêm vắcxin cũng không phải là tuyệt đối. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả phòng ngừa của vắcxin cúm giảm nhanh hoặc chậm tùy theo cơ thể mỗi người.
Chính vì vậy, Giáo sư Velden khuyến cáo không nên tiêm vắcxin quá sớm trước mùa dịch cúm. Ngay cả đối với những người đã tiêm vắcxin phòng cúm vẫn có tới từ 5-40% trường hợp nhiễm cúm do không phát huy được các kháng thể cần thiết.
Đối với các trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo nên dùng các loại thuốc chống virus đặc trị với liều lượng thích hợp để tránh các biến chứng phức tạp hơn.
Cách đơn giản phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm
Sốt là cúm
Dấu hiệu của bệnh cúm là sốt. Với bệnh cúm, sốt sẽ rất cao, tuy nhiên nếu chỉ bị cảm lạnh, những dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt. Nhưng sốt còn là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu... Nếu chỉ phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm thì sốt thường xuất hiện ở bệnh cúm nhiều hơn.
Cúm thường làm cho cơ thể đau nhức
Nhức mỏi là dấu hiệu khác liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, hãy lập tức nghĩ ngay đến bệnh cúm. Người bệnh cần đề phòng lây lan cho người khác vì bệnh cúm rất dễ lây do tiếp xúc thông thường. Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm.
Cảm giác ớn lạnh cho thấy bệnh cúm
Đây là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh. Nếu thấy ớn lạnh đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu thấy ớn lạnh, kèm theo sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Mệt mỏi là do cúm
Hãy lắng nghe cơ thể bạn để biết được mình đang mắc căn bệnh gì, nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi hãy nghĩ đến bệnh cúm nhiều hơn.
Cảm lạnh sẽ bị hắt hơi
Các triệu chứng như hắt hơi, nói ra bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì đích thị đó là khi bạn bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng. Đó là khi bạn đã mắc cảm lạnh sâu.
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh
Đây là một trong số ít các triệu chứng khó phân biệt nhất giữa 2 loại bệnh, tuy nhiên nếu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh đầu tiên, tuy nhiên những triệu chứng này cũng có khi xuất hiện ở cảm cúm.
Các triệu chứng dồn dập, đột ngột hãy ưu tiên cúm
Nếu các triệu chứng vừa nói ở trên như lạnh, ho, sốt tấn công cơ thể đột ngột và dồn dập với mức độ nặng tăng nhanh, đó là bệnh cúm. Thậm chí có thể đây là loại cúm gây tử vong cao như các chủng H1.
Có cảm giác khó chịu, bứt rứt - chỉ là cảm lạnh
Khi cơ thể cảm thấy không thoải mái, khó chịu với tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nặng có thể đau họng – đó chỉ là cảm lạnh, khi đó bạn vẫn có thể làm các công việc ưa thích bình thường. Nhưng nếu bị cúm, người bệnh sẽ kèm theo mệt mỏi, sốt và không muốn làm bất cứ việc gì.
Dùng thuốc
Đối với bệnh cúm, không có thuốc đặc trị bệnh bởi cúm là do virus gây ra, nó sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày với các loại cúm thường. Hiện nay việc điều trị thuốc cho người bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi bệnh cúm biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng lan rộng rất nguy hiểm đến tính mạng như chủng virus H1N1, H5N1 hiện nay. Còn ở người cảm lạnh, ban đầu có thể điều trị bằng những thuốc thông mũi, viêm họng. Tuy nhiên tùy thuộc vào dấu hiệu của bệnh bác sĩ sẽ cho chỉ định tốt nhất để bạn thoát khỏi tình trạng cảm lạnh hay cảm cúm mắc phải.
Cập nhật: 31/12/2015 Theo TTXVN, Tuổi trẻ, Sức khỏe đời sống