Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Thay Đổi Cách Sống

 

Hôm nay người viết vừa mới nghe  xong bài thuyết giảng của Hòa Thượng Tịnh Không trên internet  về đề tài  “Thay đổi cách sống”, xin được chia sẻ cùng các bạn.

 Hòa Thượng đã nêu lên quan niệm giáo dục đạo đức đời sống của Đông Phương Trung Quốc và Tây Phương Âu Mỹ.

 Đông Phương cho rằng đời người có bốn giai đoạn như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất trời.

1. Dưới 20 tuổi như Mùa Xuân  con nguời cần phải được giáo dục đạo đức.

2. Từ 20 - 40 tuổi như mùa Hạ con người cần phục vụ xã hội.

3. Từ 40 - 60 tuổi như mùa Thu con người cần truyền trao kinh nghiệm cho người kế thừa.

4. Sau 60 tuổi như mùa Đông con người cần về hưu để hưởng phước.


Trong khi đó Tây Phương lại quan niệm:

1.  Tuổi trẻ là tuổi để hưởng thụ cho nên tuổi thơ được ví như đang sống trong thiên đàng.

2. Tuổi trung niên sống trong chiến trường tranh đua danh lợi

3. Tuổi già sống buồn thảm  đi vào phần mộ.

 

Theo lời trình bày kể trên chúng ta cần phải chọn lựa và thay đổi cách sống như thế nào để có thể sống một cuộc đời an vui hạnh phúc, bạn nhỉ?

Bạn và tôi chắc chắn cũng đã từng gặp nhiều người cho ra thì ít mà muốn nhận lại thì nhiều. Những người này tiết kiệm từng nụ cười, từng lời nói ngọt ngào không chịu trao cho bạn bè thân hữu, thân nhân quyến thuộc mà lại đòi hỏi người khác phải đối xử tốt với mình, phải ngọt ngào với mình. Dĩ nhiên, nếu là một người có lương tâm trong sáng, bạn sẽ cho đấy là không công bằng (unfair) rồi đấy nhỉ?

Nói theo kiểu bình dân thông thường là “tiền trao cháo múc”, ít ra bạn phải đưa ra một số tiền nào đó thì mới nhận được tô cháo kia, chứ tại sao lại muốn nhận vào mà không chịu đưa ra. Lạ thật!


Cũng vậy, muốn nhận nụ cười, tình thương mến nơi người khác thì chúng ta phải trao cho họ nụ cười và tình thương mến trước chứ đừng đòi hỏi họ phải trao cho mình nụ cười, tình thương mến trước rồi mình sẽ trao lại sau hoặc là không trao lại gì cả. Hãy cho đi rồi bạn sẽ được nhận lại thì đời sống sẽ tốt đẹp hơn như câu chuyện của Mẹ Teresa dưới đây:

Hãy cho nhau nụ cười

Có lần mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện như sau:

Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: “Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn”.

Tôi liền bảo họ: “Quý vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.

Nghe vậy một người trong nhóm hỏi tôi:

- Bà có lập gia đình không?

Tôi gật đầu và nói:

- Ðôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi.

Và mẹ Têrêsa kết luận:

- Ðúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài.

Lạy Chúa! Nụ cười không mất tiền mua, không phải vất vả cực nhọc để đi xa mang về… Nụ cười thật dễ dàng để xuất hiện trên môi miệng và trên khuôn mặt nhưng sao con lại thấy thật khó khăn vất vả để trao tặng nụ cười trên khuôn mặt của con cho những người xung quanh… Con đã thay thế nụ cười bằng những cái nhăn mặt méo mó, bằng những ánh mắt giận dữ, bằng những cái lắc đầu xua tay và đôi khi bằng những lời nói làm đau lòng người khác. Xin cho con luôn ý thức rằng: mỗi khi con mang nụ cười đến cho những người xung quanh chính là lúc con dâng lên Thiên Chúa tình yêu và nụ cười, sức sống và hy vọng của đời con. Amen.

(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Mời Bạn đọc thêm một tài liệu khác rất hay về thay đổi cách sống để mình trở thành người không có gai được thiên hạ mến thương nhé.


  CÂY CÓ GAI VÀ CÂY KHÔNG CÓ GAI.

Sư phụ dẫn lũ đệ tử vào rừng. Cuối ngày, sư phụ hỏi đám học trò:

- Các con đã nhìn thấy cây nào có gai chưa?".

Các trò trả lời:

- Dạ rồi ạ.

Sư phụ lại hỏi:

- Vậy các con đã thấy cây nào có gai mà lại có thân to bằng một vòng tay ôm chưa?

Các trò đáp:

- Dạ chưa ạ.

Sư phụ mỉm cười và bắt đầu giải thích:

1. Loài cây có gai khó phát triển to lớn. Giả dụ nếu có loại to, lớn và có gai như vậy thì thân chúng lại không chắc. Cây có gai thường là nhỏ bé. Chúng luôn sợ bị xâm hại nên dùng gai nhọn để tự vệ, luôn ẩn nấp sau thân cây, tán cây khác. Do sống núp bóng nên nó nhận được ít ánh sáng mặt trời, do vậy mà thường không phát triển cao lớn, vững chắc được.

2. Cây có gai cô độc lắm bởi tại gai nhọn mà chẳng có cây leo nào bám vào nó cả. Cây leo chỉ bám vào những cây không gai, to lớn vươn cao và đón nhiều ánh sáng mà thôi.

3. Thân cây có gai rất vô dụng, mềm nhũn và chả dùng để làm gì được. Còn cây không gai, nó cao lớn, thẳng tắp, vững chắc, người ta dùng nó để làm nhà, làm cầu, làm thuyền...làm những việc có ích cho đời. Bởi thế, nếu muốn phát triển to lớn, muốn có ích, muốn là chỗ dựa cho cây khác thì phải biết tự loại bỏ gai ra khỏi thân nó trước.

4. Người cũng như cây vậy, cũng có loại có gai và không có gai. Người không có gai thì thường trở nên tốt đẹp, thành thủ lĩnh, thành người có ích, có nhiều bạn bè xung quanh; người có gai thường tự ti, hẹp hòi và hay xù lông. 

5. Bị gai gì đâm cũng đau, thậm chí làm chảy máu. Gai của người cũng vậy. Gai mọc từ miệng là lời nói gây tổn thương, gai mọc từ thân là hành vi bạo lực, gai mọc từ tâm thì làm tổn thương bằng thái độ. Vậy nên thi thoảng, ta cũng cần tự xem lại xem liệu ta đã từng mọc gai ở đâu và đã từng làm ai tổn thương chưa.

6. Nếu muốn lớn mạnh thì đừng chọn trở thành người có gai. Khi ta lớn mạnh, có thể, thi thoảng bị một vài cái gai nào đó đâm phải thì cũng chẳng hề hấn gì bởi ta đã to lớn, mạnh mẽ và vững chắc.

(Nguồn: LỜI HAY sưu tầm trên net) 

------------------------------------------------------

Mời Bạn xem: 

 

 

 Youtube Mảnh Chăn Ấm Áp Tình Người- (India Charity Jan 2024) Thích Tánh Tuệ

Như Nhiên Thích Tánh Tuệ

https://www.youtube.com/watch?v=oBKTyT6HkPI

 

 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn-Sương Lam/nguoiphuongnam