Não úng nước
Chuyện kể rằng vào thời nhà Tùy, có một thư sinh hiếu học, tài giỏi, tính tình lại hóm hỉnh tên là Hầu Bạch. Một lần, Hầu Bạch gặp Dương Tố. Dương Tố hỏi:
– Nếu bây giờ mà chú nhảy xuống một cái hố lớn, sâu đến mấy trăm trượng thì chú làm cách nào để ra?
Hầu Bạch nói:
– Tôi chẳng cần cái gì khác cả. Chỉ cần dùng mỗi một cây kim là xong thôi.
Thấy Dương Tố tỏ vẻ nghi hoặc, Hầu Bạch mới thủng thẳng đáp:
– Thì tôi dùng kim chọc một lỗ trên đầu cho nước bên trong chảy ra. Nước dâng ngập cái hố đó là có thể nổi lên được thôi.
Dương Tố lại hỏi:
– Trong đầu thì làm gì mà có nhiều nước như thế này chứ?
Hầu Bạch nói:
– Nếu trong đầu không có nhiều nước như thế này thì tại sao lại nhảy xuống cái hố sâu như thế kia?
(Ngày nay, khi muốn nói đầu óc ai đó không tốt, hay suy nghĩ vẩn vơ, người ta thường nói “não bị úng nước rồi”. Có thể nói, Hầu Bạch chính là ông tổ của cụm từ “não úng nước”.)
Mọi sự không thành
Ngày xửa ngày xưa, có một người dù học hành chăm chỉ mà thi đến ba lần vẫn trượt.
Sau đó, anh ta chuyển sang học võ. Lúc luyện bắn cung trên sân tập võ, anh ta bắn trúng người đánh trống nên bị đuổi học.
Thế là anh ta lại đi buôn. Kết quả là bị lừa một vố rồi gặp phải cướp một lần.
Không đi buôn nữa, anh ta chuyển sang làm ruộng. Kết quả là một năm bị lụt, một năm hạn hán, một năm thì còn gặp nạn châu chấu nữa.
Cuối cùng anh ta đi học nghề y. Sau khi học được một ít kiến thức, anh ta bèn tự biên soạn một đơn thuốc rồi tự mình thử thuốc. Kết quả là chết ngắc luôn.
Sau khi chết, anh ta đến Âm phủ đứng chờ Diêm vương thăng đường. Thế nhưng chờ rất lâu mà vẫn không thấy Diêm vương tới. Anh ta mới đến hỏi quỷ sai. Quỷ sai trả lời:
“Diêm vương xem quyển tông của nhà ngươi mà cười quá trời quá đất. Kết quả là ngài ấy bị choáng luôn rồi, đến giờ cũng đã tỉnh lại đâu”.
Mia (dịch) / Truyện vui dân gian Trung Quốc / Văn nghệ CA/anle20