Từ xưa tới nay, ngâm chân được Trung y ứng dụng rộng rãi trong dưỡng sinh và trị bệnh. Nhiều nghiên cứu y học của Hàn Quốc đã chứng thực được rằng, phương pháp này có thể điều trị các loại bệnh như trầm cảm, hội chứng tiền mãn minh, đau mỏi…
Công hiệu bảo vệ sức khỏe của bàn chân từ lâu đã được y học cổ truyền Trung Quốc coi trọng. Ưu điểm của ngâm chân là đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả vượt trội, đã được ưa chuộng từ hàng nghìn năm nay.
Thần y Hoa Đà trong tác phẩm Túc Tâm Đạo của mình cũng từng nhấn mạnh bàn chân có vị trí quan trọng trong cơ thể người. Ông nói: “Thụ khô căn tiên kiệt, nhân lão cước tiên suy” (ý nghĩa là: Cây khô trước tiên rễ khô kiệt, người già thì trước tiên chân bị suy yếu). Ông ví bàn chân của con người cũng giống như rễ cây. Cây cối khi khô héo, trước tiên phần rễ sẽ khô kiệt, người khi già yếu, trước tiên phần chân sẽ suy yếu đi.
Hoa Đà cho rằng, việc ngâm chân vào bốn mùa đều rất quan trọng, mỗi mùa lại có tác dụng khác nhau. “Mùa xuân ngâm chân, giúp thăng dương cố thoát; mùa hè ngâm chân, có thể khử nóng ẩm; mùa thu ngâm chân, ích phổi nhuận tràng; mùa đông ngâm chân, làm ấm đan điền.”
Ở đây ông đề cập, ngay cả trong mùa hè nóng nực, ngâm chân cũng có chỗ tốt. Vào mùa hè, nắng nóng và khí ẩm nghiêm trọng, sẽ xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, dễ buồn ngủ, mệt mỏi và buồn bực… Ngâm chân có tác dụng loại bỏ nóng ẩm, khiến tinh thần sảng khoái, tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giúp ngủ ngon.
Tô Đông Pha, đại văn hào của văn học Trung Quốc cổ đại cũng rất chú trọng việc ngâm chân dưỡng sinh. Ông cho rằng kiên trì ngâm chân còn hiệu quả hơn uống thuốc bắc để giữ gìn sức khỏe. Ông nói: “Phương pháp ngâm chân bằng nước ấm ban đầu hiệu quả có thể không rõ ràng, nhưng sau thời gian khoảng một trăm ngày, công dụng sẽ không tính được, so với uống thuốc mà nói, hiệu quả gấp trăm lần.”
Càn Long, vị hoàng đế sống thọ nhất trong lịch sử Trung Quốc cũng là người rất thích ngâm chân. Ông đã tổng kết chế độ chăm sóc sức khỏe cho chân là “sáng đi 300 bước, tối một chậu nước ấm”; “tối một chậu nước ấm” đề cập đến ở đây chính là việc ngâm chân.
Nguyên lý phản xạ học của khoa học hiện đại đã chứng minh rằng, trên bàn chân con người có những vùng phản xạ tương ứng với các tạng phủ và bộ phận khác nhau. Khi ngâm chân bằng nước ấm có thể kích thích các vùng phản xạ này, thúc đẩy tuần hoàn máu, nâng cao chức năng các cơ quan trong người, điều hòa hệ thống nội tiết, không chỉ có tác dụng phòng bệnh mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.
Ngâm chân cũng là một phương pháp điều trị bên ngoài thường được sử dụng trong Trung y. Nếu thêm các vị thuốc Đông y khác nhau vào nước nóng khi ngâm chân, sẽ hỗ trợ làm giảm đau ở các bộ phận như thắt lưng, chân, vai và cổ, đồng thời điều trị hệ thần kinh, phụ khoa và các bệnh khác.
Y học cổ truyền của Hàn Quốc cũng tin rằng ngâm chân có tác dụng hỗ trợ đối với các bệnh như huyết áp cao, phù thũng, trầm cảm, đau đớn và hội chứng mãn kinh của phụ nữ.
Tháng 1 năm 2021, Tạp chí Hiệp hội sức khỏe bà mẹ và trẻ em Hàn Quốc đã công bố một nghiên cứu của Trường đại học y khoa thuộc Đại học Hàn Quốc về việc ngâm chân giúp cải thiện chứng trầm cảm và đau nhức cơ thể. Đối tượng của nhóm nghiên cứu là 23 phụ nữ đơn thân, họ thực hiện ngâm chân mỗi ngày một lần trong thời gian 4 ngày. Kết quả cho thấy, chỉ số trầm cảm trung bình của những đối tượng nghiên cứu trước khi ngâm chân là 9.39 điểm, sau 2 ngày ngâm chân đã giảm xuống còn 5.87 điểm; sau 4 ngày ngâm chân, chỉ số giảm xuống còn 5.35 điểm. Chỉ số đau nhức trung bình của cơ thể (VAS) cũng giảm lần lượt từ 5.39 xuống 4.43 và 3.96.
Tháng 9 năm 2020, Tạp chí của Hiệp hội Chữa bệnh tự nhiên Hàn Quốc đã công bố một nghiên cứu về việc ngâm chân làm giảm hội chứng mãn kinh. Đối tượng của nhóm nghiên cứu là 10 phụ nữ ở độ tuổi 50 mắc hội chứng mãn kinh. Họ thực hiện liệu pháp ngâm chân 3 lần/tuần với thời gian liên tục trong 12 tuần. Kết quả cho thấy, chỉ số (MRS) của 10 loại hội chứng thời kỳ mãn kinh như sắc mặt đỏ, khó chịu ở tim, có vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm, mệt mỏi cả về tinh thần và thể xác… của những đối tượng nghiên cứu này trước khi nghiên cứu là từ 3.1-3.9 (trung bình 3.53), sau khi tham gia nghiên cứu đã giảm xuống còn 1.4 – 2.0 (trung bình 1.54)..
Tạp chí Nghiên cứu điều dưỡng lâm sàng Hàn Quốc cũng cho rằng ngâm chân có thể cải thiện tình trạng phù nề chi dưới, căng thẳng, mệt mỏi. Đối tượng của nhóm nghiên cứu là 50 y tá làm việc trong phòng mổ của một bệnh viện thuộc trường đại học. Họ cần thực hiện 12 lần ngâm chân trong 3 tuần. Kết quả cho thấy, chỉ số mức độ phù thũng chân trung bình từ 21.17 giảm xuống còn 20.96, chỉ số căng thẳng trung bình từ 28.32 giảm xuống còn 24.64, chỉ số mệt mỏi trung bình từ 28.44 giảm xuống còn 23.04.
Cách thực hiện ngâm chân rất đơn giản.
Bạn nên ngâm chân trong nước ấm cao hơn nhiệt độ cơ thể, thường là 38°C đến 43°C, độ sâu nước phải ngập từ mắt cá chân đến giữa và phần dưới của bắp chân. Thời gian ngâm là 20-30 phút. Đặc biệt, cần lưu ý ngâm chân phải kiên trì, bền bỉ thì mới đạt được hiệu quả giữ gìn sức khỏe và điều trị bệnh.
Thời điểm tốt nhất nên ngâm chân là sau khi ăn một giờ, chỉ ra mồ hôi một chút là được. Phụ nữ có thai, phụ nữ đang hành kinh, bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng khi ngâm chân, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thích hợp ngâm chân.
Ngoài ra, tùy theo tình hình mà có thể cho vào nước ấm các “gia vị” như: dấm trắng có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, gừng có tác dụng xua tan cảm lạnh, muối có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ và chống lão hóa.
Theo Epoch Times