1- Chóng mặt có phải là bệnh không?
Chóng mặt, mất thăng bằng cơ thể là chuyện thường xảy ra cho mọi người. Ða số trường hợp đều lành tính, thoảng qua. Nhưng cũng có khi bệnh trầm trọng và cần được các bác sĩ chuyên môn khám nghiệm, điều trị tức thì.
Ta có thể áp dụng các mẹo như sau để giảm thiểu chóng mặt:
– Ý thức được là mình dễ bị mất thăng bằng và có thể bị té ngã, thương tích. Rồi tự tránh các động tác có thể gây ra khó chịu. Chẳng hạn hãy chậm rãi khi ngồi hoặc nằm mà muốn đứng dậy, quay mình từ từ khi muốn nhìn qua phải trái hoặc phía sau. Tránh ngoảnh cổ quá mạnh và nhanh;
– Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt;
– Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường hay bị choáng váng;
– Ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ nhìn sự vật chung quanh;
– Dùng gậy tựa khi di chuyển để bước đi vững chãi;
– Tránh dùng nhiều cà phê, rượu, thuốc lá vì các chất này làm bệnh nặng hơn;
– Tránh tiếp xúc với các chất liệu hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích;
– Giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt;
– Tránh leo trèo cao;
– Tránh đọc sách báo khi ngồi trên xe hơi.
2- Công dụng của caffeine đối với cơ thể
Caffeine là một hóa chất hữu cơ thuộc nhóm purine. Sau khi uống, caffeine thấm nhập rất mau vào khắp các bộ phận của cơ thể. Thời gian bán hủy là 3 giờ nên caffeine không tích tụ trong cơ thể. Ða số caffeine được thải khỏi cơ thể qua nước tiểu.
Tác dụng chính của caffeine là kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng sinh hoạt trí tuệ, làm ta tỉnh táo nhất là khi con người mỏi mệt hoặc chán nản. Với giấc ngủ thì ảnh hưởng tùy người: có người gặp khó khăn, có người lại ngủ tốt khi uống cà phê.
Caffeine làm thư giãn cơ thịt trong thành động mạch, tăng sức co bóp của tim, tăng máu từ tim đưa ra, tăng huyết áp.
Caffeine tăng dịch vị bao tử nên nhiều người thích uống cà phê sau khi ăn để dễ tiêu hóa thực phẩm.
Caffeine làm tăng sức chịu đựng của vận động viên thể thao, vì thế Ủy Ban Thế Vận không cho phép vận động viên dùng quá nhiều chất kích thích này.
Caffeine làm tăng sự bài tiết nước tiểu.
Bình thường cơ thể chịu đựng được khoảng 200mg caffeine. Khi dùng trên 1000mg thì có người thấy mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh, thở hổn hển, buồn tiểu, ù tai, xót ruột.
Tử vong xảy ra khi dùng trên 10gram caffeine tức là từ 80-100 ly cà phê!
Chúng tôi cũng xin nói thêm là với các quốc gia Tây phương, mời nhau cà phê là tượng trưng cho lòng hiếu khách. Người Việt ta thì nước trà, miếng trầu là đầu câu chuyện. Tại các công sở, cà phê cũng được pha sẵn để mọi người dùng trong giờ giải lao. Cà phê đã đồng nghĩa với tình bạn và sự thư giãn tâm hồn. Người ta rủ nhau ra quán cùng nhau uống ly cà phê để có cơ hội tâm sự cũng như bàn bạc chuyện này chuyện nọ. Còn đối với các bạn học sinh sau nhiều giờ học, ít giờ ngủ thì cà phê là ly được coi như là “thần dược” để giúp đầu óc tỉnh táo.
3- Thuốc kháng sinh là gì và có giết chết virus
Bác sĩ cho kháng sinh trong mười ngày để trị bệnh nhiễm phổi. Bệnh nhân uống được một tuần, thấy hết sốt, bớt ho, bèn ngưng thuốc. Vì sợ uống nhiều, nóng trong người.
Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Hoa Kỳ cho biết, hàng năm có tới 12 tỷ toa thuốc kháng sinh được biên cho các bệnh nhân không cần đến thuốc này.
Và Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng như cơ quan y tế tại mọi quốc gia đã lên tiếng báo động rằng, hầu hết các loại kháng sinh hiện có đã trở thành bất lực với đa số các vi khuẩn gây bệnh. Họ cũng hô hào mọi người hãy cùng tiếp tay để cứu lấy những dược phẩm có tác dụng kỳ diệu này.
Vậy Kháng sinh là gì? Tại sao chúng lại đang ở trong tình trạng lâm nguy, cần được bảo vệ, cứu giúp?
Antibiotics có nguồn gốc Hy Lạp: anti là chống lại hoặc đối nghịch + bios là sự sống. Ta vẫn thường gọi là Trụ sinh hoặc Kháng sinh.
Về phương diện y học, thuốc kháng sinh là chất có thể tiêu diệt hoặc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, còn gọi là vi trùng (bacteria). Thuốc tấn công màng bao che để hủy hoại vi khuẩn hoặc tiêu hủy ribosome là chất tạo ra protein khiến cho vi khuẩn thiếu dinh dưỡng mà chết.
Kháng sinh chỉ công hiệu với vi khuẩn (bacteria), chứ không có tác dụng với các tác nhân gây bệnh virus.
Xin nhắc lại Vi Khuẩn là những sinh vật có cấu tạo rất đơn giản với một tế bào chưa có nhân, hầu hết sinh sản bằng lối phân đôi. Vi khuẩn có khắp mọi nơi, từ môi trường thiên nhiên đất, nước, không khí, cho tới trong cơ thể người, súc vật và thực vật. Không phải vi khuẩn nào cũng gây bệnh, vì một số có ích lợi cho môi trường cũng như các sinh vật khác. Vi khuẩn có thể nhìn thấy qua kính hiển vi quang học và có thể tiêu diệt bằng thuốc kháng sinh.
Virus hoặc siêu vi trùng là các vật rất nhỏ, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi điện tử. Cấu tạo của virus thực ra rất giản dị với một nhân DNA hoặc RNA bao bọc bằng một lớp chất đạm. Các khoa học gia không coi chúng như một sinh vật mà là một “phân tử gây nhiễm”. Chúng gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như Cúm, Tê Liệt Trẻ Em, Sốt Xuất Huyết, Liệt Kháng, HIV-AIDS. Không có dược phẩm chuyên trị virus, nhưng may mắn là có thể phòng ngừa một số bệnh bằng thuốc chủng vaccin.
4- Lợi ích của việc đi trong nước
Nếu có một hồ tắm với mức nước ngang ngực thì đi trong nước là một hình thức vận động lý tưởng. Trước hết, đi trong nước an toàn. Không như chạy bộ có thể làm thương tổn đầu gối và khuỷu chân; bơi lội khiến toàn thân mệt mỏi; tập tạ có thể làm bắp thịt co rút. Ði bộ trong nước không có những rủi ro kể trên.
Khi đi bộ trong hồ nước với mực nước ngang ngực thì ta cảm thấy sức cản của nước. Ta có thể điều chỉnh sức cản đó bằng cách tăng hay giảm tốc độ bước đi. Ði bộ trong nước khiến ta tiêu thụ chừng 460 calôri mỗi giờ.
Một chương trình gồm có 20 phút đi bộ trong nước, ba lần mỗi tuần, có thể đem lại những lợi ích cho thân thể như đi bộ hoặc chạy bộ.
Các lợi ích gồm có: tăng cường các bắp thịt, các chức năng của tim, sự mềm dẻo của thân thể. Ði bộ trong nước không làm đổ mồ hôi, với những rủi ro như đi trên bộ.
Ði trong nước cũng an toàn đối với những người bị bệnh tim, cao huyết áp, nhức khớp xương, bởi vì nước gánh chịu 90% sức nặng của thân thể. Do đó nhiều người không thể đi bộ thoải mái trên đất đều có thể đi thoải mái trong nước.
Hiệu lực trị liệu của môn đi trong nước khiến nhiều chuyên viên trị liệu phục hồi dùng môn này trong chương trình lấy lại sức khỏe cho những lực sĩ bị thương trong các cuộc vận động biểu diễn.
Nhiều người thực hành đi trong nước khám phá một số lợi điểm khác. Họ cảm thấy cơ thể như được xoa bóp (massage) và sự căng thẳng thần kinh cũng tan biến. Một cụ bà 70 tuổi nói rằng cụ thích vừa đi trong nước vừa chuyện trò với các bạn đồng hành và quên rằng mình đang tập thể dục.
Bằng các động tác khác nhau, phương pháp đi trong nước có thể chuyển động mọi bắp thịt của thân thể. Ði tới đi lui, đi ngang, vung hai tay dưới nước là những động tác để thực hiện một cuộc vận động thân thể toàn diện.
Quý cụ cao niên có bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình vận động bằng phương pháp đi trong nước.
5- Theo dõi Trái Tim
- Cách đo Huyết Áp
Huyết áp là sức ép của máu vào thành động mạch và giúp cho máu lưu thông. Nếu huyết áp ở mức trung bình thì sức ép này không gây ra trở ngại gì cho các động mạch. Nhưng nếu bị cao huyết áp kinh niên hay bị huyết áp rất thấp đều là rủi ro cho sức khỏe, và là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm.
Ðo huyết áp như sau:
Huyết áp được đo làm hai giai đoạn: Trước hết, là đo huyết áp tâm thu khi tâm thất bên trái bóp vào và đẩy máu ra các động mạch. Rồi đo huyết áp tâm trương khi tâm nhĩ thư giãn để máu vào đó. Huyết áp tâm thu được ghi ở trên còn huyết áp tâm trương được ghi ở dưới. Huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân.
Ðể đo huyết áp, ta dùng một dụng cụ gọi là máy đo huyết áp.
Người đo sẽ quấn một băng vải mềm, bơm không khí vào để phồng lên được ở chung quanh cánh tay trái và bơm không khí vào máy cho tới khi áp suất lên cao và làm ngưng máu chảy ở động mạch. Ðó là huyết áp tâm trương.
Sau đó, người đo huyết áp thả dần không khí ra cho tới khi không nghe thấy tiếng tim đập trở lại, đó là huyết áp tâm thu.
- Huyết áp bình thường là bao nhiêu?
Với số đo huyết áp cũng như các con số khác về sức khỏe, chữ bình thường không áp dụng cho mọi người được.Tuy nhiên, huyết áp trung bình cho một bạn trẻ là 115-120 mmHg trên 75 tới 80 mmHg số dưới.Trẻ em mới sinh ra có huyết áp tâm trương là 20 và 60 mmHg và các số này tăng lên vào mỗi mươi năm.
Huyết áp bình thường tùy thuộc vào một số yếu tố như sức mạnh của tim khi bơm máu, sự khép của các van, độ đàn hồi của thành động mạch và số lượng cũng như cấu tạo của máu. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới huyết áp là tiêu hóa, hút thuốc lá, mập hoặc gầy và nhiều xúc động.
- Những nguy hiểm của huyết áp cao là gì?
Huyết áp rất cao có thể gây ra đột quỵ hoặc tràn máu não và cơn suy tim; nếu cao nhẹ mà kéo dài cũng có thể giảm tuổi thọ. Một rủi ro của cao huyết áp kinh niên là phình động mạch.Trong trường hợp trầm trọng, phình động mạch có thể nguy hiểm tới tính mạng đặc biệt là khi một động mạch bị vỡ, máu chảy ra rất nhiều vào các vùng lân cận và làm huyết áp xuống quá thấp và bệnh nhân có thể chết.
- Liệu Cao Huyết Áp có di truyền không?
Một loại Huyết Áp gọi là “huyết áp căn bản” có vẻ như di truyền. Người ta không hiểu tại sao nhưng nhiều người trong gia đình thường bị bệnh này và có tỷ lệ khá đông.Thường thường bệnh này chỉ xuất hiện vào tuổi trung niên và có thể kiểm soát được với dinh dưỡng, dược phẩm và một chương trình giảm trọng lượng cơ thể.
Một loại khác gọi là “huyết áp thứ phát”, dường như không do di truyền. Nguyên nhân là do một bệnh khác như bệnh thận, bệnh tim. Ðôi khi là do dùng viên thuốc ngừa thai. Khi nguyên nhân xa được biết rõ và được điều trị thì huyết áp trở lại bình thường.
Muối rất cần thiết cho đời sống để điều hòa lượng nước của các mô bào. Nhưng nhiều người dùng muối quá nhiều mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ muối mỗi ngày, Nghiên cứu cho hay nếu dinh dưỡng có nhiều muối quá thì huyết áp lên cao.Cho nên những ai bị cao huyết áp đều được khuyên là phải giảm muối.
Muối không những chỉ có trong thực phẩm mà còn có trong dược phẩm như các thuốc trị acid trong bao tử và nhuận tràng, cũng như các loại nước uống sủi bọt và thực phẩm chưa nấu chín.
- Phải làm gì khi huyết áp quá thấp?
Huyết áp dù có thấp hơn bình thường cũng không phải là điều đáng ngại. Nó không gây ra nguy hiểm gì ngoại trừ chóng mặt hoặc ngất xỉu. Một hoàn cảnh rất hiếm gọi là huyết áp thấp vì tư thế xảy ra khi đứng dậy quá nhanh nhưng chỉ vài giây là hết.
Người cao và gầy thường hay bị huyết áp thấp vì áp suất do trái tim bơm ra thường mất đi khi máu tới đầu lâu hơn là người thấp. Người cao cũng hay bị xỉu.
- Tâm điện đồ cho biết gì về trái tim?
Ðối với người thường thì tâm điện đồ là một cái gì bí mật. Nhưng đối với các bác sĩ thì những đường lên xuống bất thường của tâm điện đồ cho biết về trái tim cũng như của hệ tuần hoàn.
Một tâm điện đồ có ích là để định bệnh tim, ghi lại mô bào bị thương tích hoặc thoái hóa, nhưng sẽ thành vô dụng khi nói về tương lai ở một người khỏe mạnh. Nhiều người cũng “hai năm mươi” vì bị cơn suy tim sau khi chỉ vài ngày trước có tâm điện đồ bình thường.
6- Xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực và dấu hiệu của đau tim.
1-Vữa xơ động mạch được xác định bằng kỹ thuật chụp tim thông X-Quang (cardiac catheterization). Ðây là một kỹ thuật rất hữu ích và khá chính xác để biết tình trạng tốt xấu của hệ thống tuần hoàn.
Chụp X-Quang mạch máu được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Khi có dấu hiệu đau động mạch tim như là cơn đau trước ngực;
– Ðau không biết nguyên nhân ở ngực, cằm, cổ, cánh tay mà các thử nghiệm khác đều không xác định được tại sao;
– Khi có cơn đau mới xảy ra ở ngực;
– Không có triệu chứng gì nhưng qua vài thử nghiệm khác cho thấy có thể bị bệnh tim mạch;
-- Khi sẽ có phẫu thuật không liên hệ tới tim mạch nhưng có thể gây bệnh tim trong khi giải phẫu;
– Khi sẽ có giải phẫu về van tim;
– Khi đã có bệnh tim bẩm sinh;
– Khi đang bị suy tim;
– Khi có chấn thương ngực hoặc một bệnh tim nào đó.
2- Cơn đau thắt ngực (Angina Pectoris)
Cơn đau thắt ngực xảy ra khi tim không được cung cấp đầy đủ dưỡng khí.
Ðau co thắt phần ngực sau xương ức, lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay. Bệnh nhân cũng bị buồn nôn, ói, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, da nhợt nhạt.
Ðau thắt ngực thường xảy ra khi ta leo lên một ngọn đồi hoặc đi cầu thang lên lầu, khi đi trong gió lạnh, mang vật nặng, cào lá, làm vườn… Ðôi khi xảy ra trong lúc giao hợp hoặc khi thịnh nộ, lo âu. Cũng có trường hợp đang ngủ, cơn đau xuất hiện đánh thức nạn nhân dậy ôm ngực, nhăn nhó.
Cơn đau kéo dài không quá 10 phút và hầu như chấm dứt khi ta ngưng hoạt động gây ra đau hoặc đặt dưới lưỡi một viên nitroglycerin.
Nếu cơn đau xảy ra lần đầu, nên cho bác sĩ hay ngay để được hướng dẫn theo dõi, điều trị. Nếu cơn đau liên tiếp xảy ra thì phải kêu xe cấp cứu.
3-Dấu hiệu báo trước cơn đau tim (Heart attack)
– Cảm giác đau rất khó chịu như có vật nặng đè ép trên ngực, kéo dài mấy phút rồi hết, nhưng có thể đau lại.
– Ðau từ ngực chạy lên vai, cổ hoặc lan ra cánh tay; đầu ngón tay cảm thấy tê tê.
– Choáng váng, muốn xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở.
– Lo sợ, nóng nảy, bồn chồn.
– Da xanh nhợt.
– Nhịp tim nhanh, không đều.
Nếu cảm thấy một trong những dấu hiệu trên thì phải cho bác sĩ hay hoặc tới bệnh viện để được khám bệnh hoặc cấp cứu ngay. Nhiều người trì hoãn vì cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của ăn khó tiêu, ợ chua, nên khi tới bệnh viện thì đôi khi đã quá trễ.
BS Nguyễn Ý Đức (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)