Cách đây vài năm đã xảy ra mấy cuộc biểu tình trên đường phố sau khi một viên quản ngục nhà tù Guantanamo Bay bị buộc tội là đã vứt quyển kinh vào bồn cầu và giật nước cho nó trôi đi.
Ngày hôm sau, một ký giả tờ báo địa phương gọi điện thoại cho tôi, nói rằng anh ta đang viết một bài về sự việc vừa xảy ra, muốn hỏi các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo chính ở nước Úc cùng một câu hỏi anh đặt ra cho tôi:
" Ajahn Brahm, thầy sẽ làm gì nếu có người bỏ cuốn kinh Phật vào bồn cầu rồi giật nước cho nó trôi đi?"
Chẳng chút do dự, tôi trả lời: "Thưa ông, nếu có người bỏ cuốn kinh Phật vào bồn cầu và giật nước cho nó trôi đi thì việc trước tiên tôi sẽ làm là gọi thợ chuyên thông cống!"
Sau khi cười một hồi, anh ký giả cho biết đó là câu trả lời đầu tiên có vẻ thực tế nhất mà anh nhận được.
Tôi bèn nói thêm.
Tôi giải thích rằng, có thể có người làm nổ tung nhiều tượng Phật, đốt phá đền chùa, hay giết hại tăng ni; họ có thể diệt tất cả, nhưng tôi sẽ không bao giờ cho phép họ tiêu diệt đạo Phật. Bạn có thể giật nước bồn cầu cho quyển kinh trôi đi, nhưng tôi không bao giờ để bạn giật nước bồn cầu cho trôi đi sự bao dung tha thứ, sự bình an, và lòng bi mẫn.
Quyển kinh không phải là tôn giáo. Cũng như tượng đài, đền miếu, hay người tu sĩ. Những thứ này chỉ là "đồ chứa" mà thôi.
Quyển kinh dạy chúng ta những gì? Tượng đài biểu trưng cho điều gì? Những phẩm hạnh gì người tu sĩ phải có? Đó là những "đồ được chứa".
Khi chúng ta hiểu sự khác biệt giữa đồ chứa và đồ được chứa, chúng ta sẽ giữ lại đồ được chứa cho dù đồ chứa có bị tiêu hủy.
Chúng ta có thể in thêm kinh, xây thêm đền miếu và tượng đài, đào tạo thêm tăng ni, nhưng khi chúng ta đánh mất tình thương, lòng tự trọng và sự kính trọng người khác, và thay thế nó bằng sự bạo động, thì toàn bộ tôn giáo đã trôi xuống hầm cầu rồi.