Cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của bộ não bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm trọng, làm mất oxy và dinh dưỡng mô não. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dẫn đến di chứng nặng nề cho bệnh nhân hoặc tử vong. Có thể chia thành hai dạng: tai biến do tắc nghẽn mạch máu não và tai biến do vỡ mạch máu não.
Cần cẩn trọng với chứng tai biến này, vì nếu bệnh nguy kịch sẽ dẫn đến tử vong, đặc biệt là người thuộc 4 nhóm bệnh dưới đây:
1. Bệnh tim
Bệnh nhân bị bệnh tim hoặc từng phẫu thuật tim là những người dễ bị tai biến mạch máu não.
2. Huyết áp cao
Theo nghiên cứu, việc giảm huyết áp hiệu quả ở bệnh nhân tăng huyết áp có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ bị tai biến mạch máu não, do đó cao huyết áp là một yếu tố quan trọng dẫn đến đột quỵ.
3. Tiểu đường
Bệnh nhân bị tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao, đường trong máu cao không chỉ dễ gây xơ cứng động mạch, mà còn làm tăng nguy cơ tắc mạch máu não.
4. Thiếu vận động
Thường xuyên hoạt động thể chất cũng làm giảm tỷ lệ bị tai biến mạch máu não, cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành, giúp hạ huyết áp, giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Tỷ lệ người bị tai biến mạch máu não khá cao, đặc biệt là đối với người già, vì thế cần biết đề phòng trước. Nhìn chung, tỷ lệ tai biến do thiếu máu cục bộ cao hơn so với tai biến do xuất huyết não, trường hợp bị nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay dường như chưa có phương pháp điều trị tai biến hiệu quả, đa số cho rằng phòng ngừa là cách tốt nhất.
Một trong những yếu tố quan trọng gây tai biến là huyết áp cao, vì thế trước tiên cần hạ huyết áp, học cách kiểm soát mức huyết áp hợp lý, kịp thời chữa trị các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch vành. Khi khuôn mặt đột nhiên cảm thấy tê, méo miệng, thường xuyên chóng mặt thì nên chú ý, vì đây có thể là dấu hiệu báo trước tai biến.
Bệnh nhân bị bệnh mạch máu não, trước hết hãy đề phòng sự xuất hiện các bệnh như cao huyết áp và tiểu đường, sau đó chú ý đến kiểm soát huyết áp, cần giữ huyết áp ổn định trong phạm vi an toàn, có thể cân nhắc điều trị bệnh mạch máu bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.
Một điều quan trọng nữa cần chú ý là xây dựng những thói quen sống tốt, bỏ thuốc lá và bia rượu, kiểm soát cân nặng, tập thể dục đầy đủ, ăn ít chất béo, duy trì thói quen sống lành mạnh, thái độ sống lạc quan.
Thanh Xuân/ tuoitre.vn