Một bài thơ với ngôn từ bình dân, giản dị mà chứa đựng triết lý sống nhẹ nhàng sâu sắc hiện đang lan toả trên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen.
Bài thơ không rõ tác giả, tiêu đề gốc là gì, tạm gọi nôm na là bài thơ “Là Được”, vì các câu thơ trong bài hầu như đều kết thúc với hai chữ này. Mời quý vị cùng thưởng thức:
Tiền nhiều tiền ít, đủ ăn là được
Người xấu người đẹp, nhìn được là được
Người già người trẻ, mạnh khỏe là được
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được
Chồng về sớm – trễ, có về là được
Vợ nói nhiều – ít, đảm đang là được
Con cái lớn nhỏ, có hiếu là được
Tiến sĩ thì tốt, bán rau cũng được
Nhà lớn nhà nhỏ, ở đủ là được
Đồ hiệu đồ thường, dùng được là được
Hai bánh bốn bánh, chạy được là được
Ông chủ tốt xấu, nhẫn được là được
Bao nhiêu phiền não, bỏ được là được
Ngoan cố chấp nhặt, buông được là được
Không phải có tiền, mọi chuyện sẽ tốt
Tâm tốt việc tốt, mệnh sẽ thay đổi
Ai đúng ai sai, Trời biết là được
Tu phước tu huệ, biết tu là được
Nói tới nói lui, hiểu được là được
Trời đất vạn vật, tùy duyên là được
Nhiều sự nhiều việc, nhìn thấu là được
Người người đều tốt, ngày ngày sẽ tốt
Bạn tốt tôi tốt, thế giới sẽ tốt
Tốt hơn hết là: BIẾT ĐỦ THƯỜNG VUI!
Sự thú vị của bài thơ là ở chỗ, nó diễn tả một triết lý nhân sinh uyên thâm trong văn hoá truyền thống bằng ngôn từ bình dị, dễ hiểu, mang hơi thở thời đại.
Mấy nghìn năm trước, Lão Tử từng nói: “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc, cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là: Không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết thế nào là có đủ thì sẽ luôn có đủ.
Tư tưởng biết đủ của Lão Tử bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. “Biết đủ” là cầu bên trong mà không cầu bên ngoài, là theo đuổi bản tính chất phác và sự dồi dào về tinh thần. “Tri túc giả phú”, người biết đủ là người giàu có.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người vì chạy theo truy cầu danh lợi, hưởng thụ vật chất mà thân tâm mệt mỏi. Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ cảm xúc rằng bài thơ trên đây giúp họ cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn.