Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

10 khám phá thú vị về cơ thể người năm 2019


Con người là cơ thể sống kỳ diệu nhất trên Trái Đất. Chân họ đủ khỏe để chạy marathon. Não họ đủ thông minh để biết có vật chất tối vô hình đang tồn tại. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều con người chưa hiểu hết về cơ thể chính mình. Vậy nên chúng ta liên tục phát hiện ra những bí mật mới về cơ thể con người. Dưới đây là 10 khám phá thú vị về con người trong năm 2019 vừa qua.
Thạch thính giác
 
              ẢNh: MIT Micromechanics Group)
Con người có thể nghe tốt như vậy là nhờ vào một “chiếc đàn violin” nhỏ xíu nằm trong tai. Khối mô mỏng và giống như thạch rau câu có tên gọi là “màng mái” này có 97% thành phần là nước.

Mô này giúp truyền sóng âm thanh từ tai đến các thụ thể thần kinh, bộ phận này sau đó sẽ chuyển những rung động của sóng âm thanh thành tín hiệu điện để não có thể đọc được.
Nghiên cứu mới thực hiện trên chuột đã phát hiện ra thạch trong tai này giúp ốc tai (một khoang nằm ở tai trong, có chứa các thụ thể thần kinh) phân tách các sóng âm tần số cao với sóng âm tần số thấp. Nó làm được điều này bằng cách điều chỉnh dòng nước chạy qua các lỗ nhỏ trong mình nó, qua đó thay đổi độ cứng của khối thạch, tương tự như cách bạn so dây của đàn violin hay đàn guitar.
Mao mạch siêu nhỏ
                                                 (Ảnh: Nature Video/Youtube)
Xương của chúng ta có thể chứa nhiều các đường hầm siêu nhỏ. Những đường hầm này có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển các tế bào miễn dịch – vốn được tạo ra trong xương – tới hệ tuần hoàn.
Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hàng trăm các mao mạch máu nhỏ trong xương chân của chuột. Nhưng như thế không có nghĩa là xương người cũng có các mao mạch như vậy. Vậy nên một trong số các nhà nghiên cứu kể trên đã quyết định cho chân mình vào máy chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI). Kết quả quét MRI cho thấy có những lỗ trong mô xương và chứng minh những mao mạch này cũng có thể tồn tại ở người.
Khi nào nên dừng uống nước
 10 khám phá thú vị về cơ thể người năm 2019(Ảnh: Knight lab/UCSF)
Não bộ giúp chúng ta không uống quá nhiều hay quá ít nước bằng cách sử dụng một cơ chế dự đoán trong dạ dày. Một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra điều này bằng cách cấy các sợi cáp quang và thấu kính vào vùng dưới đồi trong não chuột. Đây là vùng điều tiết huyết áp và các quá trình khác của cơ thể, đồng thời chứa các “tế bào khát nước”.
Ít giây sau khi uống cái gì đó, miệng và cổ họng bắt đầu bắn tín hiệu cho não bộ. Những tín hiệu này nói cho não bộ biết rằng bạn cảm thấy bớt khát hơn – vậy là bạn dừng uống nước. Bằng cách đó, bạn không tiếp tục uống quá nhiều nước tới mức tự làm loạn cơ thể của mình.
Nhưng miệng và cổ họng chỉ báo cho não bộ biết bạn không khát nữa, chứ không nói rõ thứ chất lỏng bạn uống vào là gì. Cần phải có một tín hiệu bí ẩn nữa được gửi tới cho não bộ, và nó đến từ hệ tiêu hóa, để đảm bảo rằng não biết thứ bạn uống vào là nước có muối – vốn khiến cơ thể mất thêm nước, hay không có muối – thứ thực sự giải khát cho cơ thể bạn.
Cơ quan nội tạng mới
                                                    (ẢNh: Hind Abdo)
Năm 2019 vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cơ quan nội tạng mới mà trước đây chúng ta chưa từng biết. Cơ quan này nằm ngay dưới da và có thể giúp bạn cảm nhận được các vết đau do bị kim châm.
Trước đây người ta tưởng rằng vết đau do kim châm được các đầu dây thần kinh nằm ngay dưới lớp biểu bì cảm nhận. Tuy nhiên một nghiên cứu mới thực hiện trên chuột (và được cho là cũng có thể áp dụng trên người) phát hiện ra rằng các đầu dây thần kinh này bị buộc trên một loại tế bào đặc biệt giúp chúng ta cảm nhận được cảm giác này.
Mạng lưới các tế bào chia nhánh có tên gọi “tế bào Schwann” và các đầu dây thần kinh hợp thành một “cơ quan cảm giác” mới vì nó phản hồi lại với các tín hiệu áp lực từ bên ngoài (như kim tiêm) và chuyển các thông tin đó cho não bộ.
Các cơ bắp nhỏ giống thằn lằn
                                                      (Ảnh: Rui Diogo, Natalia Siomava và Yorick Gitton)
Phôi thai người phát triển các cơ bắp giống với thằn lằn ở tay và chân của đứa trẻ, tuy nhiên các cơ này sẽ biến mất trước khi chúng được sinh ra. Bằng cách nghiên cứu các bức hình 3D từ một cơ sở dữ liệu ảnh phôi thai người, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra vào tuần thứ 7 của thai kỳ, tại tay và chân phôi thai người có khoảng 30 cơ. 6 tuần sau đó, con số này giảm xuống 20. Trước khi bé được sinh ra, các cơ này một là nhập vào các cơ khác hoặc là biến mất, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết là tại sao và bằng cách nào.
Những người già nhất thế giới
                                                          (Ảnh: Stredic/Wiki)
Trong tiếng Anh có từ “Supercentenarian” để chỉ những người đạt tới 110 tuổi hay già hơn. Một nghiên cứu được công bố năm 2019 phát hiện ra những người supercentenarian có mật độ cao hơn bình thường của một tế bào miễn dịch có tên “tế bào giúp việc T”. Tế bào này có thể bảo vệ họ khỏi virus và bệnh tật.
Chủng tế bào có tên CD4 CTLs này có khả năng tấn công và giết chết các tế bào khác. Tất nhiên, chưa rõ là liệu những người siêu già này có sống lâu vì có các tế bào miễn dịch này hay không, nhưng trong nghiên cứu trước đây trên chuột, các tế bào như vậy đã được chứng minh là có khả năng tấn công các tế bào bệnh tật và bảo vệ cơ thể khỏi các loại virus.
Hiệu năng của não
                                                                    (Ảnh: RUB, Erhan Genç)
Hẳn phải có một lý do nào đó giải thích chuyện một số người rất thông minh và dường như “biết tất cả mọi thứ”. Lý do đó có thể là một bộ não được kết nối hiệu quả với nhau.
Một nhóm các nhà khoa học Đức đã phân tích não bộ của 324 người có mức độ hiểu biết về các kiến thức chung khác nhau, dựa trên những câu hỏi khảo sát liên quan đến nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, kiến trúc và khoa học.
Kết quả quét não những người tham gia cho thấy: những người có thể nhớ được nhiều kiến thức chung hơn thường có kết nối não bộ hiệu quả hơn – các kết nối giữa các tế bào não chặt chẽ hơn và ngắn hơn.
Lấy ví dụ với câu hỏi này: “Con người đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu vào năm nào?” Chúng ta có thể có từ  “Mặt Trăng” được lưu trữ trong một khu vực nào đó của não, từ  “đáp lên Mặt Trăng” ở một khu vực khác, và kiến thức về năm xảy ra sự kiện đó lại ở một khu vực khác nữa. Người có não làm việc hiệu quả hơn có thể kết nối các khu vực khác nhau đó tốt hơn và trả lời được câu hỏi nhanh hơn.
Tế bào miễn dịch X
 (Ảnh: Shutterstock)
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại tế bào mới trong cơ thể người có tên “tế bào miễn dịch X”. Nó có thể hoạt động như 2 loại tế bào miễn dịch khác, và đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến người ta phát bệnh tiểu đường loại 1.
Khả năng cao là không có nhiều tế bào dạng này trong cơ thể người – có lẽ chỉ có 7 trên 10.000 tế bào bạch cầu, nhưng chúng lại có thể là những nhân tố quan trọng trong việc dẫn động quá trình tự miễn dịch – khi cơ thể nhầm lẫn tế bào của chính mình là tế bào ngoại lai và đi tấn công chúng.
Trong trường hợp bệnh tiểu đường loại 1, các tế bào miễn dịch tấn công nhầm lẫn các tế bào beta khỏe mạnh trong tuyến tụy vốn có vai trò sản xuất hoóc-môn insulin. Các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy các tế bào X tồn tại trong các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1, nhưng không có trong các cá thể khỏe mạnh. Tuy vậy, chưa rõ là liệu chỉ có một loại tế bào hay nhiều tế bào gây ra căn bệnh này.
Lưỡi có thể ngửi
(Ảnh:Chip Griffin/Flickr)
Các tế bào nằm trên lưỡi của con người có thể ngửi. Các nhà khoa học đã phát hiện ra điều này sau khi nuôi các tế bào vị giác của con người trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện ra các tế bào này có chứa một cặp phân tử có trong các tế bào khướu giác – vốn nằm trong mũi để phụ trách việc ngửi của người ta.
Khi các nhà nghiên cứu cho chúng tiếp xúc với các phân tử mùi hôi, chúng phản ứng giống như các tế bào khướu giác. Nhưng điều này không có gì là bất thường – các tế bào khướu giác trước đây đã được tìm thấy trong dạ dày, trong tinh trùng và cả ở tóc.
Mặc dù chúng ta đã biết vị và mùi thường có liên hệ đan xen nhau (ví như khi người bị nghẹt mũi nếm thức ăn sẽ thấy nhạt hơn), nghiên cứu này cho thấy các tế bào vị giác của con người có thể phức tạp hơn nhiều so với chúng ta tưởng.
Giới hạn sức bền của con người
                                                           (Ảnh: Public Domain)
Con người, bao gồm cả các vận động viên bền bỉ nhất, cũng có giới hạn về năng lượng. Các nhà khoa học đã tính toán ra giới hạn sức bền của con người là vào khoảng 2,5 lần tốc độ đốt cháy calo của cơ thể cho các nhu cầu thể chất cơ bản như duy trì nhiệt độ cơ thể hay hít thở, hoặc vào khoảng 4.000 calo một ngày cho một người bình thường.
Họ tính ra con số này bằng cách phân tích các số liệu từ một số cuộc thi sức bền khắc nghiệt nhất trên Trái Đất, như sự kiện Race Across the USA, và bằng cách so sánh các dữ liệu đó với các sự kiện thi sức bền khác.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự kiện kéo càng dài thì càng khó để đốt calo. Nhưng các vận động viên không gục xuống đường khi họ đạt đến ngưỡng 2,5 lần này. Họ có thể tiếp tục chạy nhưng không thể duy trì cân bằng giữa số lượng calo tiêu thụ và số lượng bị đốt cháy, vậy nên họ bắt đầu giảm cân và điều này không thể duy trì trong thời gian dài.
Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra phụ nữ có thai tiêu hao khoảng 2,2 lần tốc độ đốt calo trong lúc nghỉ ngơi, chỉ để nuôi em bé. Vậy là dù cho bạn hoạt động như thế nào, mang thai, đạp xe hay chạy bộ, cơ thể dường như có một giới hạn cho mức năng lượng mà nó có thể cung cấp cho bạn trong thời gian dài.
Theo LiveScience / Hạ Chi dịch/anle20