Ý
niệm “vinh quang” thường sánh đôi với những mỹ từ như “dũng cảm”, “hào
hùng” “kiên cường” “bất khuất” v.v… và hầu như không bao giờ chịu cặp kè
với từ “SỢ”. Cho nên khi đặt nhan đề cho bài viết là “VINH QUANG CỦA
NGƯỜI SỢ VỢ” tôi cảm thấy hồi hộp, ngại ngùng, không biết rủi như bà xã
tôi mà đọc được thì nàng có hiểu thấu cho lòng ngưỡng mộ sâu sắc của tôi
khi nghĩ đến nàng, viết về nàng không, hay nàng lại tưởng tôi có ý chơi
chữ để chế diễu nàng.Sợ, cho dù là sợ ai thì cũng là “sợ”. Mà sợ thì
chẳng những không có gì vinh quang mà còn hèn lắm các bạn ạ.
Khi
tưởng tượng đến một người đang sợ, trong trí ta hiện lên hình ảnh một
kẻ đang co ro, khép nép, mặt mũi xanh lè, tay chân run lẩy bẩy, giọng
nói ấp a ấp úng… Nói chung hình ảnh một người đàn ông như vậy không có
gì là vinh quang cả.
Người
đàn ông vinh quang là người làm chủ bà vợ của mình. Thậm chí không cần
ra lệnh mà chỉ trừng mắt một cái là bà vợ đã phải ngoan ngoãn vâng lời
hoặc dẹp ngay ý định phản đối. Ngồi vào bàn ăn mà không có chai bia hả?
Ném đũa xuống bàn rồi đứng dậy là bà vợ khiếp vía. Một anh chồng thường
khoe: Tiền bạc tớ quản lý. Mọi việc trong nhà tớ quyết định. Muốn đi
đâu, mua sắm gì, phải xin phép tớ. Tớ bảo gì, nghe nấy. Người xưa gọi
cái đạo lý ấy là “phu xướng phụ tùy.”
Bậc vua chúa còn danh giá hơn vạn lần. Các ngài có rất nhiều vợ. Chẳng
cần yêu đương, tán tỉnh, cũng đếch thèm viết thư tình, cứ phát hiện ra
chỗ nào có gái đẹp là a-lê “tiến cung”, ba mươi giây là thảy lên giường.
Nhưng cũng có khi đến ba mươi năm chưa chắc đã được hưởng ơn mưa móc.
Thời Tần Thủy Hoàng mỗi tối các bà vợ được tắm rửa, điểm phấn tô son,
khử mùi lông nách… rồi cứ để trần truồng như thế, bọc trong cái chăn
lớn. Hai tên quân hầu khỏe mạnh vác cả người lẫn chăn đem đến tận long
sàng dâng vua, giống như đầu bếp dâng khoanh giò lụa. Vua hé chăn ra
coi, thích thì “ngự” không thích thì bảo đổi người khác. Hai tên quân
hầu lại vác một khoanh giò lụa khác. Cứ thế, chạy rầng rậc cả đêm. Về
sau này các ông con Trời ở bên Tàu đổi mốt khác. Buổi tối các ngài
ngự trên chiếc xe dê, tà tà đi dọc các hành lang của tam cung lục viện.
Ơn mưa móc của các ngài tưới vào đâu tùy thuộc vào sự ngẫu hứng của chú
dê kéo xe. Rõ ràng là các bậc đế vương coi chuyện chăn gối với những bà
vợ mình như một trò chơi ru-lét: Trái banh dừng ở chỗ nào là trúng
thưởng ở chỗ đó.
Tóm lại, ngày xưa cũng như ngày nay, trong dân gian hay trong cung cấm
cánh đàn ông thường tự hào về quyền lực của mình đối với đàn bà và coi
khinh những người sợ vợ.
Nhưng làm một đấng nam nhi đứng trong trời đất mà không biết sợ vợ thì uổng cả một đời trai!
Như vậy bạn đã hiểu tại sao người ta sợ vợ rồi chứ? Một người đàn ông
hay bắt nạt vợ bằng la hét hay trừng mắt, tưởng là ngon, thực ra đó là
người chồng bất hạnh nhất trên đời. Bởi vì hắn đã coi vợ mình như một
chiếc xe cà tàng, chẳng có gì thú vị, chẳng cần phải nâng niu trân trọng.
*Một người sợ vợ trước hết vì vợ anh ta đẹp.
Đắc
Kỷ vợ Trụ Vương, Bao Tự vợ U Vương … là những tuyệt sắc giai nhân mà
hai ông vua đầy uy quyền của lịch sử Trung Quốc kia phải sợ hãi vâng lời
răm rắp. Trụ là một người có tài về quân sự, có sức mạnh hơn người, ông
đánh thắng bộ tộc Di, nhưng thua cái vòng số một nõn nà của Đắc Kỷ. Ông
là kẻ bạo ngược, mọi người đều sợ ông nhưng ông thì sợ Đắc Kỷ.
Nhan
sắc của Bao Tự cũng lừng danh trong thiên hạ, nàng đã khéo dùng cái
“vốn tự có” của mình để làm mê mẩn U Vương và quay ông ta như quay dế.
Bữa nọ nàng làm bộ buồn và bảo: Ta bị stress. U Vương bèn cho massage
thư giãn, cũng vẫn buồn, gọi các danh hài vô quậy, cũng chẳng vui được
chút nào. Hỏi làm sao hết buồn thì đáp: Thiếp chỉ thích nghe tiếng xé
lụa. Bao Tự vốn xuất thân là cô bé quê mùa do nhặt được trên nương rẫy
đem về, nhưng kiểu giải trí này thì quả nhiên quá cầu kỳ và tốn kém. Bởi
vì lụa Tô Châu, Hàng Châu ngày nay mua một mét cũng mất 50 đô la Mỹ,
thời đó chắc cũng không rẻ gì, thế mà cứ đem cả ngàn mét lụa ra xé để
mua lấy một cái nhếch môi cười. Chiều vợ mà như U Vương quả trên đời chỉ
có một. Cho nên người Trung Quốc đã hoảng hốt mà thốt lên rằng: “Sắc
bất ba đào dị nịch nhân.” Có nghĩa là Vẻ đẹp của người nữ tuy không có
sóng gió bão bùng nhưng rất dễ làm chìm đắm con người.
Vào
khoảng đầu thế kỷ 20 ở Paris có chàng văn sĩ tài ba gốc người Áo tên là
Rilke, tuy cách xa Trung Quốc ngàn dặm nhưng chắc vì cũng có kinh
nghiệm mê gái đầy mình và có lẽ cũng đã từng bị các nương tử tóc vàng đì
cho sói trán nên bèn nắm mấy cái sừng trên đầu mình mà khóc rằng: “Đẹp
là một cái gì đáng sợ.”
Người sợ vợ, dĩ nhiên rất yêu vợ, cưng và quý
như một báu vật trên đời. Người vợ muốn được chồng cưng và quý như thế
phải là một người như thế nào chứ! Ngoài nhan sắc, tính tình phải dịu
dàng, phải có tri thức, phải có đời sống tình dục và đời sống tinh thần
hòa hợp với chồng. Nói chung là một người không thể thiếu trong đời sống
của anh chồng. Có như thế anh chồng mới sợ mất, sợ sứt mẻ tình cảm, sợ
không làm vợ mình hài lòng, sợ nàng buồn bã, nhan sắc sẽ tàn phai.
Tôi biết có anh chồng cưng vợ đến nỗi có lần ghen mà không dám nói nặng, tất nhiên cũng không dám đánh, nhưng vì tức quá nên anh ta rút một cây nhang trên bàn thờ đập vào vai nàng một cái. Sách
thánh hiền thường dạy: Chớ bao giờ đánh người đẹp dù là đánh bằng một
đóa hoa. Anh bạn của chúng ta chắc cũng hiểu cái đạo lý ấy nên mới dùng
một cọng nhang. Bởi vì đó là thứ dùng để thờ lạy, để tỏ lòng tôn kính.
Đánh vợ mà đánh bằng một cọng nhang thì có khác gì quỳ trước mặt nàng mà
hành lễ?
Nghĩ
cho cùng, sợ vợ mà kiểu như U Vương, Trụ Vương thì chỉ đem lại tai họa.
Nhưng sợ vợ mà biết nâng niu chiều chuộng nàng thì đúng là cái phước
lớn của thiên hạ. Và nói theo triết học Thiền tông thì: Biết sợ vợ là đã
NGỘ rồi vậy.
| Đào Hiếu |
|
|