“Ăn để chết” là tựa đề của một bài báo trong nước về điều thường được gọi là “văn hóa ẩm thực” tại Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa.
Ngoài
tựa đề ra, bài viết chẳng có gì mới mẻ. Chuyện ăn uống của người Việt Nam trong nước
hiện nay là một đề tài không bao giờ cạn.
Thoạt đọc qua tựa đề, tôi không thể không liên tưởng đến bữa ăn cuối cùng của
các tử tội trước khi bị đem đi hành quyết. Mà suy cho cùng, dường như cái lối
ăn uống của nhiều người Việt Nam
trong nước hiện nay chẳng khác bao nhiêu với bữa ăn cuối cùng của các tử tội.
Bài
viết nói đến trường hợp của một bệnh nhân tại quận Đống Đa, Hà nội: “Bệnh
nhân 54 tuổi này đã rời xa các bàn nhậu từ khoảng gần một năm nay vì bệnh tiểu
đường. Trước đây, trong các cuộc nhậu của bạn bè, gần như ông không bao giờ
vắng mặt. Bác sĩ trưởng khoa Tim mạch tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội cho biết
ông đã gặp nhiều người (nói không ngoa) chết vì ăn, chết vì uống.
Ông bác sĩ này kể lại: “Một bệnh nhân mới 45 tuổi, khi còn nghèo khó thì làm
việc cật lực, chí thú kiếm tiền và tiết kiệm. Đến khi có nhiều tiền, anh quay
ra ăn uống nhậu nhẹt vô biên, ngày nào cũng nhậu, có ngày nhậu mấy cuộc. Ở tuổi
45, anh chết vì xơ gan sau một thời gian dài phải “đeo ba lô ngược” (bụng
quá phệ).
Cũng
theo bài viết, có nhiều bệnh nhân ăn uống vô độ, chỉ cao khoảng 1m63, nhưng
nặng đến gần một tạ. Gia đình bệnh nhân này lại có tiền sử mấy đời cao huyết
áp. Khi được bác sĩ khuyên cần phải giảm cân bằng cách giảm ăn, tăng vận động,
bệnh nhân từ chối hợp tác vì nhịn ăn là chuyện không thể.
Bác
sĩ trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội nhận định: “Nếu cứ như vậy thì
anh ta không phải ăn để sống, mà là ăn để chết. Tôi thấy xã hội chúng ta giờ
trọng chuyện ăn uống quá. Làm việc gì cũng phải có tiệc chiêu đãi toàn món
ngon, bổ béo”.
Bác
sĩ này cũng cho biết: đa số những người “ăn để chết” đều là những người giàu có
và các bệnh phổ biến hơn cả vẫn là tim mạch, huyết áp, gan, thận, tiểu đường.
Dĩ
nhiên, nếu có những người giàu “ăn để chết” thì cũng không thiếu người nghèo bị
buộc phải ăn thực phẩm rẻ tiền, không hợp vệ sinh, không an toàn do đó cũng bị
mang bản án “ăn để chết”. Tựu trung, người giàu chết vì béo phì, còn người nghèo
chết vì thiếu vệ sinh.
Phải
nói chẳng có nơi nào trên thế giới, người ta ăn nhậu tưng bừng như ở Việt Nam.
Sáng sớm, mới mở mắt đã thấy có người gánh hàng đi ngang trước nhà. Tối đến,
khuya lơ khuya lắc, không chỉ các nhà hàng sang trọng, mà các hàng quán rẻ tiền
cửa vẫn mở. Tiệc vui, người ta ăn nhậu đã đành, mà ma chay, người ta cũng nâng
ly “dzô” tới bến.
Không
biết có phải vì điếc mà người ta không sợ súng chăng? Người Pháp thường nói “bụng đói không có
tai”. Đây
là kinh nghiệm của cá nhân tôi.
Sau năm 1975, cái bụng đói của tôi hầu như không còn tai nữa. Cà phê được pha
chế cỡ nào, tôi cũng nốc. Thuốc lá có tẩm thuốc độc cỡ nào tôi cũng rít. Rượu
thì khỏi nói. Biết người ta bỏ thêm thuốc rầy Mitox vào để tăng nồng độ rượu,
tôi cũng chẳng chê. Còn thịt mỡ có thèm “nhỏ rãi” cũng chẳng có mà ăn, hơi đâu
mà quan tâm đến “Cholesterol”, tức mỡ trong máu. Cũng nhờ “được” sống trong
thiên đàng xã hội chủ nghĩa mà hầu như thịt gì tôi cũng nếm. Đúng là hễ con gì
cựa quậy, nhúc nhích là xơi được ráo!
Người Việt Nam nào đã từng sống dưới chế độ cộng sản có lẽ cũng đều đã trải qua
những cảnh phải tranh đấu với thiên nhiên để sống còn chẳng khác gì Bear
Gryllss trong chương trình truyền hình “Man vs Wild” (người chống chọi với
thiên nhiên).
Ngày
nay, sau gần nửa đời người sống ở xứ người, ý thức hơn về những đòi hỏi của
phép vệ sinh, nhất là vệ sinh trong ẩm thực, học được đôi chút về nếp sống văn
minh, tôi không thể hiểu được tại sao mình đã có thời ăn uống bừa bãi như thế
trong 5 năm sống dưới chế độ cộng sản.
Tôi
hiểu được phần nào phản ứng, cách suy nghĩ và ngay cả phán đoán gay gắt của ông
Joel Brinkley, giáo sư chuyên ngành báo chí thuộc trường đại học Stanford, Hoa
kỳ, về cách ăn uống hiện nay của người Việt Nam trong nước. Theo ông giáo sư đã
từng đoạt giải Pulitzer này, sở dĩ người Việt Nam “hung hăng, hiếu chiến” là vì
ăn nhiều thịt.
Giáo
sư Brinkley đã đưa ra nhận xét trên đây sau một chuyến du lịch 10 ngày xuyên
qua nhiều nơi tại Việt Nam.
Viết trên báo The Chicago Tribune, ông Brinkley cho rằng du khách đến Việt Nam hầu như chẳng còn thấy bóng dáng thú nuôi
hay động vật hoang dã nữa bởi vì đa số đều đã bị người Việt Nam hiện nay
săn tìm để xơi tái.
Ông
viện dẫn những cuộc chiến của Việt Nam Cộng Sản với Trung Quốc và Campuchia để
kết luận rằng vì thường xuyên ăn thịt cho nên người Việt Nam hung hăng hơn
nhiều so với người dân các nước lân bang.
Dĩ
nhiên, bài viết của ông giáo sư của trường đại học danh tiếng Stanford trên đây
đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người Việt khắp nơi trên thế giới,
khiến báo The Chicago Tribune phải chính thức lên tiếng xin lỗi.
Không
phải quơ đũa cá nắm, nhưng bất cứ người Việt hải ngoại nào về thăm Việt Nam một
lần cũng đều nhận thấy người Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản hiện nay “khác”
với người Việt Nam trước năm 1975.
Khác
nhiều thứ lắm. Khác nhất là cách ăn uống. Như ông bác sĩ ở Bệnh viện Hữu Nghị
Hà Nội trên đây đã nói, nhiều người Việt Nam trong nước hiện nay “ăn để
chết”. Nghe như một nghịch lý. Nhưng thực tế là như vậy. Không chết dần chết
mòn trong thân xác, thì cũng chết từ từ trong nhân cách.
Người Tây Phương có lý để nói rằng “we are what we eat” (tạm dịch: ăn cái gì
thì người như vậy). Tính khí của người ăn chay trường chắc chắn khác với kẻ
nhậu nhẹt quanh năm ngày tháng. Người ăn uống điều độ hẳn cũng có tư cách khác
với kẻ ăn uống bừa bãi, vô độ.
Người
Việt Nam
chúng ta thường nói: “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Kỳ thực, tự nó, miếng ăn
là điều tốt. Miếng ăn nuôi thân xác, tạo sự gặp gỡ, giúp thể hiện tình liên đới
và chia sẻ. Có tồi tàn chăng là trong tư cách của con người mà thôi. Chỉ biết
tới cái bụng của mình, chỉ biết ăn cho sướng cái lỗ miệng mà chẳng màng đến sức
khỏe, bệnh tật và những hệ lụy đối với người thân và xã hội, ăn như thế đúng là
ăn để chết và chết tồi tàn.
Trong
một bài viết về cái ăn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc cho rằng dân tộc Việt Nam bị
“ám ảnh” bởi cái ăn. Chuyện gì cũng quy về cái ăn. Từ nào cũng có thể được ghép
với chữ ăn. Thật ra, ông bà ta không hẳn theo triết lý hiện sinh, nhưng đã có
lý để xem cái ăn như chuyện quan trọng nhất trong đời người, cho nên mới xếp
việc “học ăn” lên đầu của mọi thứ học. Cứ như “học ăn” được thì chuyện gì cũng
học được hết!
Chúa
Nhật vừa qua, trong giờ Thánh lễ, tôi đã bị “thu hút” bởi cái miệng của một bé
gái khoảng một tuổi, ngồi với cha mẹ ở băng ghế phía trước. Trong các nhà thờ
Úc, người ta thường thiết kế một chỗ đặc biệt ở phía cuối dành riêng cho thơ
nhi đi cùng cha mẹ. Ngồi trong một “lồng kiếng” như thế, trẻ con tha hồ la hét.
Nhưng cũng có nhiều bậc cha mẹ phá lệ, mang trẻ thơ đến ngồi hòa đồng trong đám
đông. Gặp lúc muốn nghe bài giảng của vị linh mục thì trẻ thơ, dù có dễ thương
cách mấy, cũng làm cho mình khó chịu.
Nhưng khi vị linh mục giảng mà mình có chăm chú cách mấy cũng chẳng hiểu gì thì
trẻ thơ, dù có quậy phá cỡ nào, cũng vẫn là “thiên thần” cứu nguy khỏi cơn…ngủ
gục. Vị thiên thần ở trước mặt tôi quả đã mang lại cho tôi nhiều giây phút
“thoải mái” trong giờ lễ. Cô bé có cái miệng thật xinh. Có lúc cô nói bi bô. Có
lúc cô quay xuống cười với vợ chồng tôi. Nhưng động tác chính của cô vẫn là cầm
bất cứ món gì cũng cho vào miệng, không riêng miệng mình mà còn nhét vô miệng
cha mẹ nữa một cách thật dễ thương.
Tan
lễ, khi bàn đến cái miệng của cô bé thiên thần trong nhà thờ, nhà tôi nhắc lại
hai điểm nổi bật trong tư tưởng của cha đẻ phân tâm học Sigmund Freud
(1856-1939). Theo ông, đời người có hai giai đoạn: giai đoạn tuổi thơ tập trung
vào cái miệng; cái gì cũng đưa vào miệng. Giai đoạn trưởng thành lại xoay quanh
tính dục; bản năng tính dục chi phối mọi sinh hoạt của con người; động lực đàng
sau mọi hoạt động của con người luôn là tính dục.
Vai
trò của tính dục trong cuộc sống con người, theo quan niệm của Freud, có thể
còn trong vòng tranh cãi. Nhưng về vai trò của cái miệng ở tuổi thơ và ngay cả
trong tuổi trưởng thành, thì quả thật tôi thấy khó chối cãi được. Trong thân
thể con người, miệng không phải là cơ phận quan trọng nhất sao? Và trong các
chức năng của miệng, ăn không phải là sinh hoạt chính sao?
Đâu
phải chỉ có người Việt Nam
mới xem “chuyện ăn” là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người. Tôi nghĩ
đến câu chuyện ông bà nguyên tổ loài người Adam và Eva bị cám dỗ trong vườn địa
đàng. Cơn cám dỗ đầu tiên của hai ông bà này, dù có giải thích như thế nào đi
nữa, vẫn xoay quanh chuyện ăn. Điều này cho thấy cám dỗ lớn nhất trong đời
người có lẽ vẫn là chuyện ăn uống.
Cũng
trong Kinh Thánh, tôi đọc được rằng cơn cám dỗ đầu tiên mà Chúa Giêsu phải trải
qua sau 40 đêm ngày chay tịnh cũng chính là về cái ăn. Ma quỉ dụ dỗ Ngài: hãy
biến những hòn đá trước mặt thành bánh mà ăn!
Tôi
không biết Chúa Giêsu có phải là một người thích ăn uống nhậu nhẹt không. Nhưng
rất nhiều những sinh hoạt chính của Ngài được ghi lại trong Kinh Thánh lại liên
quan đến chuyện ăn uống. Hẳn Ngài cũng đã nhiều lần ngồi vào bàn nhậu để chén
thù chén tạc với phường thu thuế cho nên những kẻ chống đối Ngài rêu rao rằng
Ngài là một tên “bợm nhậu”. Chắc chắn Chúa Giêsu phải xem chuyện ăn uống là
điều quan trọng trong cuộc sống con người cho nên trong rất nhiều bài giảng,
Ngài thường xử dụng hình ảnh của bữa tiệc hay tiệc cưới. Rõ ràng nhất là trước
khi chết, nghi thức mà Ngài muốn trối lại cho các môn đệ để cử hành và tưởng
nhớ đến Ngài cũng chính là một bữa tiệc (thường gọi là Tiệc Ly).
Ngày
nay, mỗi lần gặp nhau trong các thánh lễ Chúa Nhật, các tín hữu Kitô cũng lập
lại nghi thức “ăn uống” ấy. Đỉnh điểm của đời sống tôn giáo của họ là một bữa
ăn. Họ lập lại bữa ăn ấy không chỉ để tưởng niệm Đấng Cứu Độ, mà còn để tự nhắc
nhở rằng cuộc sống tự nó phải là một bàn ăn trong đó mọi người đều được mời gọi
ngồi bên nhau và chia sẻ cho nhau. Cuộc sống vẫn mãi mãi là một trường dạy “học
ăn”.
Trong
lúc trà dư tửu hậu, khi chia sẻ với bạn bè thân quen, tôi thường nói rằng, với
tôi, trong các thứ học thì học làm người là điều khó nhất. Người, theo một định
nghĩa mà tôi vẫn cho là xác đáng nhất, là “một con vật có lý trí”. Xét dưới
nhiều phương diện, con người chẳng khác con thú bao nhiêu.
Có khác chăng là bởi con người có lý trí và luôn phải hành động theo lý trí.
Vứt cái lý trí đi thì con người sẽ hành động chẳng khác gì thú vật. Cụ thể là
chuyện ăn uống. Hãy thử tưởng tượng: khi ta tạm nghỉ chơi với lý trí để được tự
do ăn uống như súc vật, chuyện gì xảy ra nếu không phải là: con người chỉ còn
biết “ăn để chết”.
Có
lẽ vì học làm người là chuyện khó nhất trong cuộc sống và trong học làm người
thì ăn lại là chuyện phải học suốt cả một đời, cho nên trong tôn giáo nào cũng
có chuyện ăn chay. “Ăn chay” chính là “học ăn”. Ăn như thế nào để “ăn không
phải để chết” mà là để sống và sống sung mãn trong nhân cách vậy.
ChuThập /nguoiphuongnam