Một Mẹ nuôi đủ năm con,
Năm con không nuôi nỗi một Mẹ.”
(tục ngữ)
Hai ngày trước lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm nay, tại tiểu bang Arizona, cụ bà Anna Mae Blessing (92 tuổi, người Mỹ) đã dùng súng bắn chết người con trai 72 tuổi của mình vì ông này có ý định đưa bà vào nhà dưỡng lão. Nhà Dưỡng Lão (Nursing Home) phải chăng là cơn ác mộng của người già. Vạn sự bất đắc dĩ, hầu hết những vị cao niên, không ai muốn cuối đời phải vào sống trong nhà dưỡng lão. Chúng ta có giải pháp gì để giúp Cha mẹ già trong hoàn cảnh này không?
Người Việt ở Hoa Kỳ có hai ngày để nhớ mẹ, đó là ngày “Mother’s Day” của Mỹ và ngày Vu Lan của Phật Giáo. Bây giờ những lời cầu nguyện cho bình an của Mẹ đã qua đi, chuông mõ đã lắng yên, những bông hồng trắng, đỏ cài trên áo đã héo khô. Mẹ đã trở lại cuộc sống bình thường hằng ngày, trong xưởng may, bên bếp lửa nóng, ngồi trước màn ảnh của phim bộ hay trằn trọc trong “nursing home” đêm nay.
Các nhà thơ, các nhà văn đã nói nhiều về Mẹ, với những hình ảnh dịu dàng và thân ái biết bao nhiêu: “Mẹ và Quê Hương”, “Mẹ và Em”, “Mẹ là Thơ”... Thế mà hôm nay, tôi đã tàn nhẫn đem Mẹ gắn liền với “nursing home”, nơi mẹ sống những ngày cuối cùng lặng lẽ, sầu muộn và câm nín. Tôi muốn nói đến “nursing home”, nơi Mẹ sẽ chết vì cô đơn buồn bã, nơi Mẹ cũng có thể bị hành hạ đối xử tệ bạc, cũng có thể là nơi mẹ chết vì uống nhầm thuốc hay người bị mất nước, ghẻ lỡ vì thiếu vệ sinh. Đây là tiếng nói chính thức của các cơ quan y tế công và tư của Hoa Kỳ, không phải là tiếng nói có thành kiến của một người tỵ nạn võ đoán, hàm hồ.
Theo cơ quan “Non-profit California Healthcare Foundation” thì tại tiểu bang này, năm 2001, 3/4 “nursing home” không hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu. 1/5 có những vi phạm gây ra bệnh nặng và đưa đến cái chết cho những bệnh nhân. Vào ngày 11 tháng 3-2005, tại Santa Rosa, California, một bà cụ 76 đã qua đời vì bị cho uống nhầm thuốc. Viên y tá này đã thừa nhận rằng y quên kiểm tra lại tên bệnh nhận trên băng đeo (armband). Theo nghiên cứu của Colorado và Georgia Health Care Facilities thì trong 5 trường hợp có 1 cho nhầm thuốc. Một báo cáo khác vào tháng 3-2005 cho biết trong 2 năm có 815 vụ cho uống lộn thuốc của người khác. Lý do sâu xa cho biết là y tá quá căng thẳng, mệt mỏi vì làm việc quá độ và chăm sóc quá nhiều bệnh nhân.
Có 44% trong 1,212 “nursing home” tại Cali đã không đủ y tá săn sóc 3,2 giờ mỗi ngày cho một bệnh nhân, còn tính theo tiêu chuẩn 4,1 giờ mỗi ngày cho một bệnh nhân thì có tới
92% không đáp ứng nhu cầu này.
Theo một cuộc điều tra về những sự đối xử tồi tệ hay vi phạm trong các “nursing home”, do yêu cầu của Dân Biểu Henry Waxman, D-California, được ghi nhận trong bản tin CNN ngày 30/7/2001, thì trong hai năm từ tháng 1-1999 đến tháng 1-2001, trong hơn 17,000 “nursing home” trong nước Mỹ đã có tới 5,283 “nursing home” vi phạm việc đối xử và săn sóc bệnh nhân. Những điểm chính trong bản phúc trình cho dân chúng thấy:
- Hơn 30% “nursing home” trên nước Mỹ, trong vòng hai năm, gồm 9,000 trường hợp vi phạm đối xử với bệnh nhân.
- 10% “nursing home” đã thực sự gây tổn thương cho bệnh nhân.
- Trên 40%, hay 3,800 vi phạm đã bị khiếu nại hoặc than phiền.
- Nhiều vi phạm trầm trọng đã được báo cáo như trường hợp một nhân viên “nursing home” đã vào phòng một nữ bệnh nhân và gào thét: “Tôi chán cái bản mặt mụ lắm rồi! (I’am tired of your ass)”, đánh vào mặt bệnh nhân và làm gẩy sống mũi bà này.
- Có những vụ sờ mó và tấn công tình dục, như trong một trường hợp ở Cali, một nam nhân viên đã sờ mó hai bà cụ trong khi tắm cho họ và trong một trường hợp khác, một nhân viên đã định hiếp dâm một bệnh nhân trong phòng của bà.
- Nhiều vụ bệnh nhân bị tổn thương thân thể như gãy cườm tay, khuỷu tay, xương hông, đùi hay ở những phần khác vì bị đánh đập
Trong bản phúc trình về các vi phạm của “nursing home” cho ta thấy nhiều bệnh nhân bị bực bội, suy dinh dưỡng, khô nước. Lý do là một nhân viên y tế phải lo cho nhiều người chỉ có một thời gian giới hạn, mà bệnh nhân đôi lúc vì già cả, lú lẩn hay sinh ra khó tính, bực dọc. Y tá không có tình thương và sự kiên nhẫn để chiều chuộng, năn nỉ người bệnh hòan tất phần ăn, nên chuyện bị bỏ đói vẫn thường xẩy ra. Không phải y tá nào cũng có sự nhân ái và lương tâm để pha nước ấm, tắm rửa đàng hoàng cho các bệnh nhân già cả, bệnh hoạn lại thường dở chứng. Không ai trong “nursing home” có thể có tấm lòng của người con để dỗ dành cha mẹ dùng bữa hay tắm rửa, săn sóc. Vì vậy, chuyện chửi bới, xúc phạm, kể cả đánh đập là không thể không xẩy ra. Nhiều bệnh nhân uất ức mà không nói được, nhiều khi đưa đến sự lẫy hờn, giận dỗi (một người già bằng ba con nít), và thái độ này lại khiến cho họ bị xúc phạm cả thể xác lẫn tinh thần nhiều hơn qua những nhân viên vô lương tâm.
Một phúc trình cũng cho biết các khiếu nại, than phiền giải quyết rất chậm trễ. Đối với người Việt lại “một sự nhịn chín sự lành”, “giả dại qua ải”, sợ thân nhân mình bị trả thù, trù giập, nên tốt hơn là tử tế, lo lót quà cáp cho yên chuyện. Chuyện đưa cha mẹ vào “nursing home” là một vấn đề khá nhức nhối đối với những gia đình Việt nam, vì đời sống ở Mỹ quá căng thẳng, tất bật, con không có thời giờ để săn sóc đến cha mẹ với lý do là là bận rộn để kiếm đồng tiền. Nhưng xưa kia, người mẹ phải hy sinh suốt đời trong gian nhà, căn bếp vì con. Bây giờ cũng có những bà mẹ trẻ, hy sinh chịu chật vật hơn một tí, ở nhà để có thời giờ chăm sóc con cái. Vậy mà con cái ngày nay, không góp công góp của để tìm một người săn sóc Mẹ tại nhà trong những ngày tháng cuối cùng, để lấy lý do công ăn việc làm đẩy Mẹ vào “nursing home”. Ngày xưa Mẹ đã vắt kiệt giọt sữa cuối cùng cho con, sẵn sàng hy sinh đời sống cho con dù phải chìm xuống đáy biển hay cháy trong lửa đỏ, nay con vì muốn thêm một chút tiện nghi trong nhà, tạo cho mình một đời sống khá giả hơn, đã không còn ngó ngàng chi tới Mẹ và đưa Mẹ vào nơi lạnh lẽo, buồn phiền như huyệt mộ. Có biết bao nhiêu lý do để đưa ra. Đó cũng là nhân tình: “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể- Con nuôi mẹ kể tháng kể kểngày!”(ca dao)
Có lần, người viết bài này có ý định viết một loạt bài phóng sự về các cụ ông, cụ bà trong “nursing home”. Sau khi nói chuyện, ghi chép sinh hoạt và tâm tình của một cụ già đang nằm trên giường bệnh, chúng tôi muốn chụp một tấm ảnh để hoàn thành bài phỏng vấn, thì ông cụ đổi ý, ông khoát tay lia lịa và thều thào: “Thôi, thôi! Ông ơi. Ông mà đưa tôi lên báo thì các con tôi nó giết tôi mất”. Nghĩa là, không một đứa con nào muốn cho thiên hạ biết rằng mình đã đưa cha hay mẹ vào “ nursing home”. Thật là tội nghiệp!
Ngay trong đợt nóng chết người tại Paris mùa hè năm 2003, cảnh sát đã thông báo cho vài đứa con biết cha hay mẹ họ đã chết , nhưng đã có người lấy lý do là đã “book” một tour du lịch, không thể cắt ngang để trở về. Những đêm Giáng Sinh, Giao Thừa hay Sinh Nhật con cháu, giữa cái sum họp, đầm ấm đông vui, có khi nào chúng ta nghĩ tới cha mẹ già đang hiu quanh cô đơn trong nhà dưỡng lão. Những trường hợp công việc bề bộn, sinh kế, giao thiệp, giải trí... lôi cuốn đàn con theo dòng thác chảy của cuộc sống, có lẽ không quên cha mẹ đang nằm trong “nursing home” nhưng ỷ y nơi đó cha mẹ đã có người chăm sóc thuốc men, ăn uống, tắm rửa. Có những bậc cao niên đã mất trí, không thể tỏ bày với con những khổ đau và tổn thương tâm lý, nhưng khi vào thăm cha mẹ, xin xem lại những tổn thương thân thể mà cha mẹ đã chịu đựng mà áo quần chăn mền đã dấu kín.
Sau thiên tai Katrina, ở New Orleans, chủ nhân của một nursing home đã bị truy tố vì người ta đã tìm thấy 34 xác của các ông bà cụ bị chết vì nước lụt tại đây, trong khi mọi người có trách nhiệm đã bỏ đi trước cơn bão. Trước thảm cảnh này, người ta mới thấy sự vô trách nhiệm của chủ nhân và các nhân viên. Trên đường di tản tránh cơn bão Rita, 23 ông bà cao niên của Brighton Gardens Nursing Home đã chết cháy trên xe bus bốc hỏa vì các bình dưỡng khí phát nổ, và khi xe cháy, những ông bà cụ này bệnh hoạn hay tàn tật không thể thoát thân. Trước khi cơn bão Rita thổi vào Houston, công ty nursing home này đã liên lạc với gia đình các thân chủ, khuyến cáo họ đem thân nhân về, và 61 người đã được thân nhân đến đón. Một số được di tản đi Arlington, số còn lại trên đường sắp tới Dallas thì gặp nạn. Con cái của các vị cao niên này ở đâu, nghĩ gì khi họ lo di tản và phó mặc cha mẹ?
Bây giờ trời đã trở thu, đêm đã khá lạnh, trong “nursing home” khuya này, có ai kéo lại mảnh chăn đắp lên cho mẹ như ngày xưa mẹ đã cúi xuống bên con, sửa lại chăn gối cho con, khép 1ại cánh cửa, rón rén trong từng bước đi kẻo sợ con thức giấc.
Biết rằng ai cũng tham sống sợ chết, dù phải sống như cỏ cây vô tri, vô giác, nhưng thật não lòng khi nghe một cụ bà thốt nên lời: “Xin cho tôi được chết, trước khi người ta có thể đưa tôi vào “nursing home”!
Huy Phuong (bài do bạn Quy Vu gioi thiệu)