Hôm trước, trở trời, bị cúm nặng, ê mình. Thế là mình tự than thở: ôi, già tới nơi rồi! Nói nhỏ, nhõng nhẽo với bà xã một tí.
Chúng ta, ai cũng già. Tôi cố tình bỏ đi chữ “sẽ”, vì đó là sự thật
hiển nhiên không thể tránh khỏi. Một sự thật khác, hầu hết mọi người đều
không thừa nhận…sự thật về tuổi già, và thiếu chuẩn bị cho đến khi quá
trễ.
Có thể là bạn đã để dành đủ tiền để về hưu, hay đang sống vui, sống
khoẻ, thế nhưng, có bao giờ bạn nghĩ sâu xa về những khía cạnh khác của
tuổi già về sau? Hoặc giả: tới đâu hay tới đó?
Quan niệm về tuổi già đã không ngừng thay đổi trong suốt thập niên vừa qua vì tuổi thọ ngày càng tăng nhờ vào các phát minh về y khoa, thuốc men, tiện nghi vật chất đã giúp kéo dài tuổi thọ. Cho dù gần đây đà tăng của tuổi thọ con người đã bắt đầu chậm lại, nhưng ngay chính con người vẫn chưa bắt kịp và chuẩn với tuổi thọ tăng cao, với những năm tháng sau tuổi hưu trí ngày càng dài hơn.
Theo một nghiên cứu đăng trên tờ báo y khoa “The Lancet”, một em bé
sanh vào năm 2007 trở về sau, sẽ sống trên 103 tuổi. Sự thật, không ít
người đang ở độ tuổi 50, cái tuổi gọi là “tri thiên mệnh” của người xưa,
trên thực tế,ngày nay, chỉ đáng gọi là “nửa chừng xuân” mà thôi.
Dựa trên thống kê của Bộ Y Tế Hoa Kỳ, một người ở độ tuổi 45 sẽ hy
vọng sống thêm 43 năm nữa, tuổi 55 sẽ còn 33 năm, 65 sẽ còn 23 năm, và
75 sẽ còn 13 năm. Tức là tuổi thọ trung bình độ 88 tuổi!
Thế thì chúng ta sẽ làm gì cho hết nửa cuộc đời sau?
Trước hết, sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng sẽ giảm đi sau 40
tuổi. Trung bình cứ mỗi một năm sau tuổi 40, khối lượng cơ bắp sẽ giảm
đi 8%. Vào tuổi 70 ngoài, 70% sẽ bị bệnh thấp khớp.
Có khoảng 2/3 người trên 40 tuổi tăng cân, nhiều mỡ hơn, ít bắp thịt
đi. Nếu thấy mình cần mua sắm quần áo ngày càng rộng hơn, là một dấu
hiệu cần phải giải quyết về sức nặng của cơ thể. Nói chung là để ý
chuyện ăn uống và vận động nhiều hơn… một tí.
Chuẩn bị luyện tập ngay từ độ tuổi 40, hoặc càng sớm càng tốt, sẽ
giúp cho tuổi 70 đỡ bớt những khó khăn do sự yếu đuối của cơ thể gây ra.
Hầu hết những sự rèn luyện nầy không đòi hỏi những chuyện to lớn như đi
phòng tập để cử tạ nặng chẳng hạn. Nói chung chung, nên đi bộ nhiều
hơn, khoảng 30 phút mỗi ngày, làm công việc nhà, và tránh ngồi nhiều.
Còn trẻ thì chơi tennis, lớn tuổi hơn thì tập khiêu vũ, làm vườn. Và ở
mọi lứa tuổi, nên tránh dùng thang máy khi lên xuống lầu.
Có nghiên cứu cho rằng, người già chơi video game sẽ giúp giảm trí
nhớ, nhưng không hoàn toàn đúng hẳn. Ngược lại, chơi nhiều video games
cũng đem lại những cái hại của việc ngồi nhiều. Trong khi đó, chơi cờ
tướng, hay học một ngoại ngữ mới, cho dù vài chữ, vài câu một ngày cũng
giúp cho trí tuệ, tư duy kém hao mòn.
Có bạn bè, giao thiệp nhiều cũng là điều tốt. Một chút bạn gần trên mạng ảo Facebook cũng không hại gì, nhưng nên dành thì giờ cho người thật, việc thật bên ngoài đời thật, nhất là những người thân yêu trong gia đình, bà con thân thuộc. Nên tạo những dịp thăm viếng, gặp mặt, đi chơi chung, ăn tối với nhau chẳng hạn.
Một điều không kém quan trọng là chuyện tài chánh. Người Á Châu với người Việt là tiêu biểu, có khuynh hướng dành dụm tiền bạc suốt cuộc đời, để lại cho con cháu sau khi mình ra đi. Để dành tiền là một chuyện, nhưng chỉ nên để dành vừa đủ cho nhưng năm còn lại. Ngược lại, cũng nên tiên liệu, và để dành cho đủ, không những để tiêu, nhưng còn có thể cung cấp cho người phục vụ săn sóc mình khi cần.
Cuối cùng, nên sống có tự tin, tránh tiêu cực. Đã đành, ai cũng già,
nhưng già không phải là một tai hoạ, mà là một giai đoạn đương nhiên của
cuộc sống.
Theo một nghiên cứu từ trường Đại Học Yale Uiversity, bi quan về tuổi già lại làm giảm thọ đi bảy năm! Sống lạc quan, sẽ kép dài tuổi thọ và ít sanh bệnh tật hơn. Ví dụ, khi bị đau lưng ở tuổi 70, đừng tự an ủi và chấp nhận là tại mình… già, và không chịu đi khám bác sĩ, để cho bệnh càng ngày càng nặng thêm. Sống lạc quan và tự tin còn biểu hiện qua những khía cạnh khác của cuộc sống. Thí dụ như, khi bị một trắc trở gì đó, không nên tự cho là mình già và chịu thua. Tự trách, tự an phận lấy mình là kẻ thù của mọi lứa tuổi, nhưng tệ nhất là ở tuổi… già.
Ai cũng già. Một nghiên cứu khác cho thấy, người cao tuổi thuộc vào
hai nhóm chính: một bên là sống lạc quan, mạnh khoẻ cho đến ngày cuối,
bên kia là sống để đếm ngày đếm tháng của thời gian còn lại. Bạn chọn
theo bên nào?
BS. Hồ Ngọc Minh
nguoi-viet.com