Trước khi bạn bước
vào phòng tập, đây là bảy điều thú vị từ khoa học sẽ giúp tạo thêm cho bạn động
lực để tập luyện nhiều hơn.
1. Tập thể dục giúp
tăng IQ
Hãy nghĩ đến điều
này: Trẻ con đi bộ đi học thường có khả năng tập trung tốt hơn và có kết quả tốt
hơn. Người già thường xuyên tập thể dục nhẹ thường giảm một nửa nguy cơ bị các
bệnh rối loạn về nhận biết.
Y học chỉ ra rằng lượng
máu được gia tăng lên não giúp tăng trưởng các tế bào thần kinh và kích thích
chất dẫn thần kinh cũng như các hormon tăng trưởng, vốn vô cùng quan trọng đối
với sức khoẻ của não bộ.
2. Tác động của việc
nghe nhạc khi tập
Bạn thích nghe những
bài nhạc nào trong lúc tập thể dục? Nhiều người trong chúng ta thích nghe nhạc
trong lúc tập để tăng sức chịu đựng. Vì sao âm nhạc lại có tác động này? Câu trả
lời nằm trong não bộ của chúng ta chứ không phải ở các khối cơ.
Hiệu ứng này thường
hiện ra rõ nhất khi tập một mình, ví dụ như tập chạy hay chèo thuyền, thay vì
các môn thể thao đồng đội.
Vùng não chịu trách
nhiệm điều khiển các khối cơ được gọi là vỏ não vận động. Đây là nơi chúng ta
lên kế hoạch cho các chuyển động và nó rất quan trọng đối với việc căn thời
gian cho các hành động.
Tín hiệu từ âm nhạc
đi đến dây thần kinh thính giác của chúng ta và đến vùng vỏ não vận động, nơi
các giai điệu của chúng có thể giúp cho quy trình căn thời gian cho các hành động.
3. Chuột rút có phải
do thiếu muối?
Nguyên nhân gây chuột
rút vẫn là một điều bí ẩn. Những cơn chuột rút thường khó đoán trước, thế nên
việc cố tình giả lập một cơn chuột rút trong phòng thí nghiệm là rất khó. Vì vậy,
hầu hết các nghiên cứu đều dựa vào việc giám sát các tình huống ngoài đời thật.
Một số nghiên cứu đối
với cầu thủ bóng đá Mỹ cho thấy các cơn chuột rút thường xảy ra vào mùa hè
nóng bức. Điều này phù hợp với giả thiết rằng chuột rút có thể là do lượng muối
trong người xuống thấp do bị mất theo mồ hôi. Thế nhưng các vận động viên ở những
vùng lạnh cũng bị chuột rút.
Một nghiên cứu khác
đối với các vận động viên điền kinh Nam Phi không cho thấy nhiều sự khác biệt về
lượng natri giữa các vận động viên bị chuột rút và không bị chuột rút.
Lời khuyên ở đây là
nếu bạn bị chuột rút, hãy cố gắng thư giãn cơ, thay vì tìm cách tăng lượng
natri.
4. Có cần giãn cơ
trước và sau khi tập?
Chúng ta thường được
nói rằng việc thư giãn cơ là cách tốt nhất để tránh làm đau cơ thể vào ngày hôm
sau, sau khi chơi thể thao. Thế nhưng liệu điều này có đúng?
Hai nghiên cứu đã chỉ
ra cùng một câu trả lời: Không hẳn vậy.
Nghiên cứu do Rob
Herbert từ Học viện George ở Úc thực hiện chỉ ra rằng bạn có thể thư giãn cơ
trước khi tập nếu muốn, tuy nhiên điều đó cũng sẽ không tác dụng bao nhiêu. Tất
cả các bằng chứng chỉ ra rằng điều này không giúp gì nhiều trong việc phục hồi
các khối cơ hay phòng tránh thương tích.
5. Giày đặc biệt có
giúp tránh chấn thương?
Nếu bạn thích chạy,
có lẽ bạn đã từng đi đo giày thử riêng cho mình. Có lẽ bạn đã được người bán
hàng hỏi bạn để bàn chân bẻ gập lên gần ống quyển nhiều hay ít khi tập. Nhưng
liệu điều này có quan trọng không?
Bằng chứng về các lợi
ích của giày may riêng cho từng cá nhân rất ít, đến nỗi cho đến nay những lợi
ích này vẫn còn là điều bí ẩn.
Điều đáng bất ngờ là
cũng có rất ít những bằng chứng chỉ ra rằng việc chạy trên mặt bằng cứng có thể
gây chấn thương.
Tuy nhiên các nhà sản
xuất giày thể thao vẫn tìm cách quảng bá cho những sản phẩm giày mà họ nói là
có thể hỗ trợ chân tốt hơn và ngăn ngừa chấn thương.
6. Chúng ta liệu có
thể chạy 100 mét chỉ dưới 9 giây?
Nếu bạn là một vận động
viên nhiều quyết tâm, có thể bạn sẽ muốn đặt ra cho mình mục tiêu nhiều tham vọng.
Thế nhưng đâu là giới hạn của sức người?
Đối với hầu hết những
người tập chạy, tốc độ phụ thuộc vào sức mà họ có thể dồn vào bàn chân khi chân
chạm đất, và vì vậy, có hai sự lựa chọn để tăng tốc độ: Chạm đất mạnh hơn hoặc
duy trì cùng một lực càng lâu càng tốt.
Các nghiên cứu cho
thấy phần bắp chân quyết định lực của người chạy nhiều hơn hẳn các phần khác.
Con người đang ngày
càng trở nên nhanh hơn một cách khó lường. Các ước tính hiện nay cho thấy chúng
ta vẫn chưa đạt đến giới hạn của tốc độ con người.
7. Tập thể dục có
giúp giảm trầm cảm?
Bằng chứng rõ ràng
nhất về tác động của thể dục đối với tâm trạng đến từ một trong những phân tích
dữ liệu của Cochrane.
Họ đã nghiên cứu dữ
liệu từ 30 thử nghiệm ở các nước khác nhau như Thái Lan, Đan Mạch, Úc, và kết
luận rằng việc tập thể dục có thể có tác động tích cực với những người bị trầm
cảm, nhưng tác động này rất nhỏ. Và chắc chắn nó không phải là thuốc trị bách
bệnh như một số người nói.
William Park/baomai