Trong đời người có bốn điều đại kỵ, thứ nhất kỵ xả không thấu, thứ hai kỵ ngã chẳng dậy, thứ ba kỵ buông chẳng đặng, thứ tư kỵ nghĩ không thông.
Xả không thấu
Trong bộ phim “Ngọa Hổ Tàng Long” có lời đề từ rằng: “Khi bạn nắm chặt hai bàn tay, bên trong chẳng có gì; khi bạn mở hai bàn tay, thế giới đã nằm trong tay bạn.” Đôi khi con người cảm thấy mệt mỏi vì đang mong cầu quá lớn, những thứ không nỡ từ bỏ quá nhiều, những thứ cần buông bỏ lại không nỡ buông, những thứ không nên chấp mê thì khăng khăng giữ lại.
Trong cuốn truyện ngắn “Một người cần bao nhiêu đất” (How much land does a man need?), văn hào Lev Tolstoy kể về một câu chuyện như sau:
Pahom, một người đàn ông không phải lo lắng về chuyện ăn mặc, lại suốt ngày canh cánh trong lòng về việc thuê đất trồng trọt. Nhân một cơ hội ngẫu nhiên mà Pahom có được mảnh ruộng của riêng mình, gia sản không ngừng được mở rộng, cuộc sống cũng khấm khá hơn rất nhiều.
Nhưng với một người tham lam đất cát không biết chán như Pahom, ông không hề thỏa mãn, mà còn có ý đồ muốn mở rộng thêm nhiều đất đai hơn. Dưới sự sai khiến của dục vọng, Pahom tưởng tượng mình có nhiều đất hơn, và ông kiên quyết dẫn theo người hầu, đi về nơi xa để tìm được nhiều đất hơn nữa.
Cuối cùng Pahom thổ huyết mà chết ngay khi đang dùng chân đo lòng tham về đất đai của mình. Sau khi ông chết, người hầu phát hiện ra rằng, cuối cùng số đất Pahom cần chỉ là một mảnh đất chừng 6 thước Anh từ đầu đến chân để được chôn mà thôi.
Ham muốn quá nhiều, không nỡ buông bỏ, kết quả là chẳng đắc được bất cứ thứ gì, ngược lại còn phải đánh đổi bằng những điều quý giá.
Cổ nhân có câu: “Xả đắc, xả đắc, có xả mới có đắc”. Người có trí huệ chân chính có thể xả bỏ, và dám xả bỏ.
Xả bỏ là sự lĩnh ngộ, là tâm khoáng đạt, là trí huệ và cũng là một cảnh giới nhân sinh. Xả bỏ ít thì đắc được ít, xả bỏ nhiều thì đắc được nhiều. Biết cách buông xả, kiên trì những điều cần lưu giữ, buông bỏ những gì cần buông bỏ, mới có thể sống vui vẻ, thảnh thơi giữa xã hội trọng vật chất ngày nay.
Ngã chẳng dậy
Trong cuộc sống những điều khiến con người cảm thấy nặng nề thường không phải là những trắc trở trước mắt, mà là sự thoái lui về tâm lý. Điều khiến con người cảm thấy mòn mỏi không phải là thất bại mà là sự suy sụp của nội tâm.
Thành công không phải là điều dễ dàng có được, trong quá trình ấy khó tránh sẽ gặp thất bại. Cuộc đời của mỗi người kỳ thực là quá trình không ngừng trưởng thành trong những chông gai. Những người có tầm nhìn xa sẽ không sợ thất bại, những người có nghị lực sẽ không sợ thua. Họ minh bạch một điều rằng, một lần thành công không đồng nghĩa với cả đời có thể đắc ý, một lần thất bại không có nghĩa sẽ vĩnh viễn không thể ngẩng đầu lên.
Trong “Phá diêu phú”, Lữ Mông Chính viết: “Dù văn nổi tiếng hơn người, Khổng Tử tới nước Trần cũng gặp lúc khốn đốn. Dù võ lược siêu quần, Khương Tử Nha cũng phải câu cá chờ thời nơi sông Vị.”
Con người không thể vì sợ thất bại mà từ chối bước tiếp, chỉ cần có thể đứng lên, thì chớ sợ sẽ ngã xuống. Thua cuộc không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là ngã mà không chịu đứng dậy.
Buông chẳng đặng
Một vị hiền giả tình cờ gặp một chàng trai thất tình, bèn cố gắng khuyên nhủ. Anh ta bèn thở dài ai oán: “Nỗi tiếc thương và vô vọng này, không phải là người trong cuộc, sao ông có thể hiểu được sự giằng xé đó đây?”
Vị hiền giả bèn nói: “Mất thì cũng đã mất rồi, hà tất không bước tiếp về phía trước, những chùm nho tươi ngon vẫn còn rất nhiều. Hãy cảm ơn người đã vứt bỏ cậu, và chúc phúc cho cô ấy.”
Chàng trai thất tình đầy nghi hoặc hỏi: “Cảm ơn cô ấy? Vì sao?”
Hiền giả đáp: “Vì cô ấy đã cho cậu một cơ hội được kiếm tìm hạnh phúc.”
Điểm yếu nhất của con người chính là không thể buông. Khi bạn sa lầy giữa việc buông và không buông thì có thể hạnh phúc đáng trân quý trước mắt đã vô tình rời bỏ. Ly nước bưng lâu sẽ mỏi tay, ba lô đeo nặng sẽ ê ẩm, trong tâm có quá nhiều gánh nặng, lâu dần sẽ khiến con tim suy sụp.
Honoré de Balzac, nhà văn hiện thực Pháp nửa đầu thế kỷ 19 từng nói: “Giữa sóng gió cuộc đời, chúng ta phải học theo vị thuyền trưởng, ném những vật nặng xuống nước khi trời giông bão, để giảm nhẹ trọng lượng của thuyền.”
Con thuyền của sinh mệnh cũng chẳng thể chở quá nhiều chấp nhất, chẳng thể chống đỡ quá nhiều ràng buộc. Những thống khổ nơi quá khứ cộng thêm ưu phiền trong hiện tại, đối với bất kỳ ai mà nói, cũng đều là một cuộc giày vò tâm linh vô bổ.
Vậy nên một số người khi cần buông thì hãy buông, một số việc khi cần quên thì hãy quên. Đừng lưu giữ những điều không đáng nhớ trong sinh mệnh của mình.
Khi có hãy trân quý, khi mất đi, hãy học cách cảm ơn. Những gì đã qua hãy dần buông tay, những gì bỏ lỡ hãy học cách giải thoát. Buông bỏ những gì từng xảy ra, cáo biệt với quá khứ, không để ký ức thành sợi dây buộc chân mới là sự giải thoát chân chính.
Nghĩ không thông
Thời cơ, số mệnh và vận may không phải là điều chúng ta có thể nắm giữ. Trong cuộc đời này, chúng ta sẽ gặp phải nhiều điều chẳng như ý, giữ một tâm thái như thế nào thì sẽ có một cuộc đời như vậy. Mà muốn có được tâm thái ấy thì người ta cần phải nghĩ thông.
Khi đối mặt với những trắc trở trong sự nghiệp, thất bại trong chuyện tình cảm, hay những cú sốc trong cuộc đời, chớ tiêu cực, bi lụy mà làm tổn thương chính mình. Mọi việc nghĩ thông mới là trí huệ, là sự trưởng thành.
Nghĩ không thông thì tâm lý sẽ mang gánh nặng, nhìn thấu rồi thân nhẹ nhàng, tâm cũng thảnh thơi. Đời người, nói ngắn không ngắn, nói dài cũng chẳng dài, sống tốt hay dở, vui hay buồn đều quyết định bởi quan niệm và hành động của bản thân.
Epictetus, một triết gia Hy Lạp, từng nói: “Chúng ta thường không bị vướng mắc vào bản thân sự việc, mà vướng mắc ở cách nhìn khi đối đãi với sự việc đó.”
Người có thể coi nhẹ, mỉm cười với cuộc đời cuối cùng cũng sẽ có thể đi xuyên qua đêm đen giá lạnh, bước tới nơi tràn ngập ánh bình minh.
Một đời rất dài, ai nấy cũng sẽ gặp phải những con đường chẳng thể bước, những đạo lý chẳng thể ngộ, những con người chẳng thể đoán. Nhưng khi quay đầu nhìn lại, âu cũng chỉ là như vậy mà thôi.
Thiên Cầm / Trithucvn/anle20