Vào một buổi tối đẹp trời, người con trai đưa cha đến một tiệm ăn. Sau khi ngồi vào bàn, anh ân cần hỏi cha món ông thích ăn rồi đặt món với người phục vụ.
Cha của anh có lẽ đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông già yếu hơn nhiều so với những người ở độ tuổi của ông. Cặp kính ông đeo dày cộp và giọng nói của ông khàn khàn. Ông không nói nhiều, chủ yếu ngồi im lặng và nhìn con trai bởi dường như việc nói cũng khiến ông mất sức lực.
Người phục vụ mang đồ ăn lên và đó là hai bát mỳ bò thơm phức. Người con trai cầm đôi đũa đặt vào tay cha rồi anh nhanh chóng mời cha ăn cho nóng. Đôi tay cha gượng gạo gắp từng sợi mỳ, giống hệt như anh những ngày đầu mới tập cầm đũa. Sợi mỳ rơi khắp mặt bàn, nhưng mỗi lần thấy vậy, anh chỉ mỉm cười nhìn cha. Anh kiên nhẫn ngồi đợi cha gắp từng sợi mỳ cho vào miệng, đôi khi anh dùng đũa của mình đỡ những sợi mỳ quá dài.
Trong khi người con trai bình thản ăn cùng cha, những vị khách khác trong quán ăn này lại quay sang nhìn họ với vẻ khó chịu vì cách người cha ăn khiến họ mất khẩu vị.
Một lát sau, hầu hết khách trong tiệm ăn đều hướng sự chú ý vào hai cha con nhưng người con trai lại không cảm thấy xấu hổ hay e ngại về việc cha mình đã làm rơi đồ ăn lên cả quần áo.
Sau khi ăn xong, người con đưa cha đến phòng vệ sinh để làm sạch quần áo, chải tóc và đeo lại kính cho ông.
Khi cả hai ra khỏi nhà vệ sinh, tất cả các khách hàng ở đó đều nhìn họ trong yên lặng. Họ không thể hiểu được tại sao người con có thể bình thản như vậy dù cha anh đã làm anh rất mất mặt.
Người con trai thanh toán tiền cho bữa tối rồi dìu cha bước ra khỏi tiệm.
Đúng lúc đó, một trong những vị khách lớn tuổi ở đó đã gọi người con trai lại và nói: “Chàng trai, cậu có biết cậu đã bỏ quên thứ gì không?”
Người con trai đáp: “Không, thưa ông, tôi không bỏ quên gì cả”.
Vị khách nói tiếp: “Ồ, có đấy. Cậu đã để lại một bài học cho mỗi người con và niềm hy vọng cho mỗi người cha”.
***
Chắc hẳn khi còn nhỏ, ai trong chúng ta cũng có một vài lần kêu khóc ngoài phố, ăn uống rơi vãi hay ngay ở chốn đông người mà nằng nặc đòi cha mẹ phải mua cho một món đồ chơi mới. Nhưng cha mẹ lại không bao giờ thấy phiền lòng hay cảm thấy xấu hổ về chúng ta.
Tuy nhiên ngày nay, phần lớn con cái lại không muốn dành thời gian đi ăn, đi dạo, đi mua sắm cùng cha mẹ bởi họ sợ sự vụng về tuổi già của cha mẹ sẽ khiến họ mất thể diện.
Khi còn nhỏ, cha mẹ sẵn sàng dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày chỉ để chơi trò nấu ăn hay chăm sóc mấy con búp bê với bạn. Nhưng khi cha mẹ về già, bạn lại không muốn ở bên họ để trò chuyện, tâm sự hay động viên họ, bởi bạn tiếc khoảng thời gian đó của mình, cho rằng sẽ hữu ích hơn nếu bạn làm thêm một chút việc để kiếm thêm một chút tiền.
Từ xa xưa, lòng hiếu thảo luôn là một trong những đức tính được người đời ca ngợi. Cổ nhân vẫn thường dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, hiếu đứng đầu. Hiếu kính và lễ phép với cha mẹ là một trong những biểu hiện của đạo làm con. Nhưng cuộc sống bận rộn và những lo toan vật chất đôi khi cuốn chúng ta đi mất, khiến ta lãng quên những đấng sinh thành của mình.
Cha mẹ vốn dĩ luôn yêu thương chúng ta và chẳng bao giờ ngừng quan tâm tới chúng ta. Dù có lúc ta lãng quên hoặc làm tổn thương cha mẹ nhưng tình yêu thương họ dành cho ta vẫn là vô điều kiện.
Có thể nói hiếu kính cha mẹ, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ là một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của con người. Nếu không thể yêu thương và bao dung cha mẹ mình, bạn làm sao có thể yêu thương và bao dung những người khác? Phận làm con nếu không làm tròn chữ Hiếu, sống trên đời còn ý nghĩa gì đâu?
Cuộc sống quả là ngắn ngủi, trăm năm thoáng qua trong chớp mắt. Bởi vậy, hãy tận dụng những năm tháng còn ở bên cha mẹ để cảm ân bằng cả tấm lòng mình.
Ngọc Tâm – Đông Mai